Thái Nguyên giúp đồng bào Mông thoát nghèo- Bài 1: Đói nghèo vì nhiều con

Bao năm qua, cái đói nghèo và sự lạc hậu vẫn đang đeo đẳng những bản làng đồng bào Mông ở 47 xóm, thuộc 18 xã thuộc 4 huyện của tỉnh Thái Nguyên. Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm khó khăn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020” của tỉnh Thái Nguyên, được xem như là một cú hích để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc và địa phương trong tỉnh.

Đất đai thiếu, cằn cỗi là một trong những nguyên nhân khiến đồng bào Mông đói nghèo.


Trung bình mỗi hộ gia đình ở vùng dân tộc Mông Thái Nguyên có từ 5 - 6 con. Em nào học cao cũng chỉ đến lớp 9 là ở nhà làm nương, lập gia đình, rồi lại sinh con. Con người sinh sôi chứ đất không nảy nở ra, vòng quay của nghèo đói cứ kéo hết từ đời này sang đời khác.

Người sinh, đất không nở


Thượng Nùng là một trong những xã cao nhất và nghèo nhất của huyện Võ Nhai. Ông Lý Văn Sinh, trưởng xóm Lũng Hoài (Thượng Nùng) chia sẻ về mức sống của bà con mà tâm trạng đầy ngao ngán: “Toàn thôn có 33 hộ người Mông thì có 30 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo (tỉ lệ nghèo 91%), mà hộ cận nghèo cũng không khá hơn hộ nghèo là mấy. Mỗi năm xã giao chỉ tiêu phải giảm hộ nghèo xuống, thì các hộ lại luân phiên nhau làm hộ cận nghèo”.

Ông Sinh kể tiếp: “Người Mông mình ở Hà Quảng, Cao Bằng di cư lên đây từ năm 1993. Lúc ấy cơ sở vật chất chưa có gì. Ruộng, nương cũng phải mua của người dân bản địa, nhưng cũng không có nhiều, đất cằn cỗi, lại xa trung tâm xã. Năm 2012, nhờ Chương trình 135, con đường mới được đổ bê tông và mở rộng ra như hiện nay, nhưng vẫn còn dốc lắm, xe máy phải về số 1 và đi 1 người mới bò được qua dốc. Đã hơn 40 năm rồi, nhưng do thiếu đất sản xuất, sinh đẻ nhiều, điều kiện khó khăn, nên vẫn nghèo".

"Mình làm trưởng bản hơn 10 năm rồi, cũng cố gắng làm ăn, nuôi con bò, con trâu, trồng ngô, nên chưa năm nào nằm trong diện hộ nghèo. Nhưng năm ngoái sấy ngô, tàn lửa bốc lên cháy sạch 2 tấn ngô vừa mới thu hoạch xong, trắng tay, nên năm nay được xếp vào diện hộ nghèo”.

Ruộng nương khan hiếm, lại cằn cỗi, chỉ làm được một vụ, nhưng người ngày càng đông. Tính trung bình, mỗi hộ ở xóm Lũng Hoài đều có từ 5 - 6 con, cá biệt có hộ đến 10 con. Ngô làm ra chỉ dành để ăn và chăn nuôi, chứ không đem bán bao giờ. Mâm cơm thường ngày của người dân chủ yếu là rau xanh, mèn mén, họa hoằn lắm mới có miếng thịt.

Cả xóm Lũng Hoài vẫn còn 4 hộ đói vào mùa giáp hạt, đến ngô cũng chẳng có ăn. Gia đình anh Lý Văn Sinh B có 8 khẩu. Đất ít nên mỗi năm gia đình anh đói tới 3 - 4 tháng. Giáp hạt, anh Sinh phải vay mượn tạm anh em, bè bạn, rồi sau này đi làm thuê, cuốc mướn để trả lại.

“Mấy năm nay, các con tôi chưa một lần được khoe trang phục mới với bạn bè. Bởi năm này có quần thì phải đợi năm sau mới có áo. Đôi dép của nó cũng rách hết rồi, nhưng mà không có tiền mua”, anh Sinh than thở. Trong nhà của anh Sinh tài sản có giá trị nhất là con bê con mới đẻ có được từ con bò đi nuôi dẽ cho nhà người ta.

Gia đình anh Hoàng Văn Kiều, sinh năm 1974, thuộc diện có nhiều đất ở trong xóm, nhưng từ lúc định cư ở đây, vẫn mãi thuộc hộ nghèo, bởi anh có tới 10 đứa con. Đứa con gái lớn Hoàng Thị Liên, sinh năm 1997, đã lấy chồng ở Cao Bằng. Nhưng ở trên đó đói khổ quá, hai vợ chồng lại dắt díu nhau về ở với bố. Cả 11 miệng ăn đều trông chờ vào hơn 1,5 tấn ngô thu được mỗi năm, nên cho dù có nhiều đất, gia đình anh cũng không thể thoát được cảnh nghèo.

Học hành dang dở


Tỉnh Thái Nguyên có 47 xóm, bản thuộc 18 xã của 4 huyện Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ có đồng bào dân tộc Mông sinh sống với 1.520 hộ, 7.775 nhân khẩu.


Tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc Mông chiếm khá cao, có 29/47 xóm, bản có tỷ lệ hộ nghèo từ 40 - 70%.

Xã Thượng Nùng có 7 xóm, trong đó có 3 xóm dân tộc Mông, với 910 khẩu. Các xóm người Mông đều đã có điểm trường với đầy đủ các lớp học từ mầm non cho tới tiểu học, nhưng số lượng các em tốt nghiệp tiểu học lên học cấp 2 chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trưởng xóm Lý Văn Sinh ngao ngán kể: “Cũng động viên gia đình cho các cháu đi học, nhưng chẳng ăn thua. Mãi năm vừa rồi mới có một cháu đi học Cao đẳng sư phạm, một cháu được đi học ĐH Luật theo dạng cử tuyển, còn lại khoảng 15 cháu học cấp 2, ba cháu học cấp 3. Còn ở xóm thì cấp tiểu học nào cũng có lớp, nhưng có đứa đến lớp 5 rồi vẫn chưa biết đọc biết viết. Vì phổ cập nên các cháu cứ lên lớp đều đều".

"Các cô giáo không ai biết tiếng Mông, nên các cháu khó tiếp thu được. Về nhà lại chỉ nói tiếng Mông với bố mẹ, nên cũng không học được gì nhiều mấy. Cứ thế càng học lên cao lại càng chán. Tiếng Việt học còn chưa xong, thế mà các cháu còn được dạy học thêm cả tiếng Anh theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Ba xóm người Mông ở Thượng Nùng vẫn chưa có điện. Nhà trưởng bản, Lý Văn Sinh có một cái tivi nhưng chỉ thỉnh thoảng mới dám chạy máy nổ để theo dõi tin tức bên ngoài. Ông Sinh bảo: “Giờ ước mơ lớn nhất của bà con là điện, để lũ trẻ con được xem tivi, mở mang đầu óc ra bên ngoài và học nói tiếng Việt”.

Tương tự như xóm Lũng Hoài, xóm Lũng Luông có 117 hộ, với 561 khẩu  nhưng cũng chỉ có 10 hộ cho con đi học cấp 2 dưới xã, hai em đang học cấp 3, còn lại chủ yếu học hết tiểu học là nghỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương, rẫy.

Đi dọc xóm, nhìn những đứa trẻ đến độ tuổi đi học túm tụm chơi với nhau ở những vạt đồi, hốc đá, mặt mày lem luốc, có đứa chỉ mặc mỗi cái áo, hoặc cái quần mà xót xa.

Bài 2: Thoát nghèo không dễ



Bài và ảnh: Minh Đức


Hỗ trợ đồng bào bảo tồn, phát triển nghề thủ công
Hỗ trợ đồng bào bảo tồn, phát triển nghề thủ công

Craft Link đã triển khai chương trình khảo sát một số nhóm dân tộc thiểu số tại địa bàn xã Y Tý thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai; nhằm lập kế hoạch cho các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất hàng thủ công của đồng bào, sẽ thực hiện trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN