Tây Nguyên mong đón Bác về

Tôi đến công trường xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” ở thành phố Pleiku vào một ngày cuối năm. Đang vào mùa khô, trời mát mẻ, nắng cao nguyên trải vàng trên những con phố nhỏ thoai thoải dốc và hơi uốn lượn, xanh mướt những hàng cây, gợi cho ta một cảm giác lãng mạn, bình yên.

Phác thảo Tượng đài Bác và phía sau là phác thảo phù điêu với tỷ lệ 1/1.


Trên công trường xây dựng Quảng trường Đại Đoàn Kết rộng hơn 86.000 m2, nơi đặt Tượng đài Bác, những người lính thợ của Công ty 532, thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (tức Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng) vẫn đang hối hả làm việc. Hàng trăm mét khối bê tông móng Tượng đài và kè giữ đất đã được đổ xong. Trên ngọn núi nhân tạo được đắp bởi hơn 40.000 m3 đất, cao 14 m, tựa theo dáng núi Hàm Rồng, một ngọn núi thiêng của núi rừng Gia Lai, xe lu và hai chiếc máy xúc cỡ lớn vẫn đang cần mẫn đầm và ngoạm từng gầu đất đổ vào vị trí đã định để tạo hình đỉnh núi. Dẫu là ngày chủ nhật, nhưng Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng vẫn có mặt tại hiện trường từ sáng sớm để kiểm tra công việc. Cùng đi với ông có KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam mới từ Hà Nội bay vào theo lời mời của lãnh đạo tỉnh, để đóng góp một số ý kiến cụ thể cho quy hoạch chi tiết khu vực Tượng đài.

Đồng chí Trương Tấn Sang góp ý tại buổi duyệt phác thảo Tượng đài.


Nằm trong Quảng trường Đại Đoàn Kết, khu vực Tượng đài có diện tích 16.300 m2; phía tây giáp khu dân cư, phía nam giáp đường Lý Tự Trọng, phía đông giáp đường Lê Lợi, phía bắc giáp đường Phạm Văn Đồng. Đây là vị trí đẹp, giao thông thuận tiện ở trung tâm thành phố. Tại đây đã có các công trình văn hóa lớn như Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh Gia Lai), Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Tượng Anh hùng Núp… Theo Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bảo tồn Di sản văn hóa Nguyễn Văn Mạc, đơn vị được giao lập dự án, thì khu đất đặt Tượng đài Bác nằm ở phía đông nam, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, ánh sáng hội tụ, có thế “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Vị trí đặt tượng là huyệt “Huyền vũ”, phía trước có “Án thư minh đường”, nên về mặt tâm linh khu vực này sẽ đem lại nhiều điều an lành.
Thiết kế kiến trúc quy hoạch Quảng trường và khu vực đặt Tượng Bác do Công ty CP Kiến trúc đô thị Việt Nam (Hội KTS Việt Nam) thực hiện. KTS Vũ Bình, Giám đốc công ty trực tiếp làm chủ nhiệm đồ án. Toàn bộ kết cấu công trình trong đó có Tượng đài, do Kỹ sư Nguyễn Văn Thành, một chuyên gia kết cấu nổi tiếng trong ngành xây dựng chủ trì thiết kế. Phần điêu khắc và Tượng đài Bác là tác phẩm của nhà điêu khắc trẻ Phạm Bá Đua.

Chủ tịch Phạm Thế Dũng nói với tôi, Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh Gia Lai rất quan tâm đến tiến độ thi công và chất lượng công trình. Bởi đây không chỉ là công trình trọng điểm của tỉnh, mà còn là nguyện vọng tha thiết của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Dù khó khăn thế nào thì cũng phải hoàn thành công trình vào thời gian sớm nhất trong năm 2012. Công trình này có ý nghĩa rất đặc biệt. Cách đây 65 năm, ngày 19/4/1946, Đại hội các dân tộc thiểu số Tây Nguyên được tổ chức tại chính Pleiku, với đầy đủ đại diện các dân tộc, chức sắc tôn giáo tiêu biểu cho các dân tộc sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên. Trong ngày hội đó, Bác Hồ đã gửi bức thư tâm huyết đến các đại biểu.

Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng xem đồ án quy hoạch khu vực Tượng đài.


Trong thư Bác căn dặn, đồng bào các dân tộc dù là Kinh hay thiểu số, miền xuôi hay miền núi, tôn giáo hay không tôn giáo cùng sống trên mảnh đất Việt Nam thì phải cùng nhau chung sức chung lòng xây dựng cuộc đời mới, cuộc sống mới, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Và Bác đã động viên khích lệ nhân dân các dân tộc thiểu số như Bahnar, Jrai, Xêđăng… đoàn kết, sẵn sàng chiến đấu, dù chỉ có mũi tên bằng tre, khi kẻ thù quay trở lại xâm lược. 65 năm đã đi qua, dù trải qua biết bao khó khăn gian khổ trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhưng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn kiên trung bất khuất, một lòng một dạ hướng về Bác Hồ và trung thành với cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Phạm Thế Dũng xúc động bày tỏ, xây dựng Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai là nguyện vọng tha thiết của các thế hệ dân tộc Tây Nguyên.

Theo thiết kế đã được phê duyệt, khu vực đặt Tượng được bố cục thành ba lớp. Phía trước là Tượng đài Bác có chiều cao từ mặt sân lên đỉnh cao nhất là 16,26 m. Tượng Bác được đúc toàn khối bằng đồng cao 10,8 m, đứng trên bệ bê tông ốp đá hoa cương cao 4,5 m. Toàn bộ Tượng đài và bệ tượng đặt trên thềm cao 0,54 m có bậc chung quanh để người dân có thể đi lại bốn phía, tạo sự gắn bó. Tượng Bác đứng trong tư thế đang giao tiếp với nhân dân, tay phải giơ cao vừa phải, dáng khoan thai, giản dị và gần gũi. Tượng Bác thể hiện tính tôn nghiêm, phẩm chất cao quý và vĩ đại của Bác, lòng kính yêu của nhân dân đối với Bác Hồ. Tiếp đến, phía sau Tượng Bác là một bức phù điêu lớn có chiều dài 58 m, hai bên cao 10,5 m, phần phù điêu chính giữa cao 12,5 m. Phù điêu có hình những cánh sen lan tỏa hai bên. Trung tâm phù điêu phía sau Tượng đài được lượn cong như mặt trống đồng cách điệu. Toàn bộ phù điêu thể hiện những nét đặc trưng văn hóa, lịch sử, đời sống sinh hoạt và lao động của các dân tộc Tây Nguyên và đặc biệt là hình ảnh đồng bào Tây Nguyên luôn đoàn kết, tụ hội xung quanh Bác. Cuối cùng là ngọn núi đất trồng cây xanh, được đắp theo hình tượng núi Hàm Rồng, tạo nên điểm tựa bề thế, đầy biểu cảm kết thúc quần thể kiến trúc Tượng đài.

Tôi còn nhớ, khi phác thảo Tượng đài Bác bằng composite với tỷ lệ 1/1 được dựng xong tại một địa điểm trong khu vực sân bay Gia Lâm - Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đã sang tận nơi xem và gặp gỡ các tác giả. Các vị lãnh đạo đã thực sự xúc động khi ngắm nhìn Tượng đài Bác được phủ một màu đồng rực rỡ dưới nắng mai. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng đã báo cáo quá trình chuẩn bị xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” theo chủ trương của Bộ Chính trị. Và trong không khí rất thân mật, ông đã hỏi đồng chí Trương Tấn Sang rằng Tượng có đẹp và giống Bác không. Khi ấy tôi thấy đồng chí Tư Sang cười, không trả lời mà hỏi lại: “Thế các già làng, trưởng bản về đây xem có ý kiến gì không?”. Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đã nhanh nhẹn trả lời: “Thưa Anh Tư, các già làng trưởng bản ưng cái bụng lắm, vui lắm ạ. Nhiều cụ nhìn thấy Tượng Bác xúc động quá đã khóc”. Đồng chí Trương Tấn Sang nói: “Tôi, anh Sinh Hùng, anh Huynh hay các đồng chí ở đây nhìn đều thích Tượng Bác, nhưng nếu bà con Tây Nguyên lại chưa nhận ra đây là Bác Hồ, thì tác phẩm chưa đạt. Còn như bà con trông thấy Tượng là thấy Bác, là vui mừng như được gặp Bác thì tác giả đã thành công”. Các đồng chí lãnh đạo đã đi xem rất kỹ tượng đài và bức phù điêu rồi đóng góp ý kiến chân tình, cởi mở với nhóm tác giả. Hôm ấy, dù phác thảo tượng đài còn đôi chỗ chưa thật hoàn thiện, nhưng tôi biết các Anh đã hài lòng.

Bây giờ, đứng trước mênh mông của Quảng trường, nơi đặt Tượng đài Bác Hồ, nhìn các chiến sỹ của Binh đoàn 12 đang khẩn trương lao động, tôi như hình dung ra cái ngày Tượng đài Bác được hoàn thành. Ngày ấy sẽ là ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc ở Gia Lai. Mong ước bấy lâu của nhân dân Tây Nguyên đã thành hiện thực, được đón Bác về. Và cũng bắt đầu từ đó, quần thể Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” sẽ trở thành công trình kiến trúc - điêu khắc tiêu biểu không chỉ có ý nghĩa to lớn về chính trị, văn hóa xã hội, thể hiện tình cảm sâu nặng của nhân dân Tây Nguyên với Đảng, với Bác, mà đây còn là nơi tụ hội, vui chơi giải trí của nhân dân, là biểu tượng kiến trúc đặc sắc của thành phố Pleiku hôm nay và tương lai.

Bài và ảnh: KTS. Phạm Thanh Tùng

Cuối năm Tân Mão - đầu năm Nhâm Thìn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN