Nam trung bộ:

Tập trung ứng phó với đợt lũ lớn còn kéo dài

  • Lụt làm 14 người chết và mất tích
  • Đã sơ tán 7.400 hộ dân ra khỏi vùng ngập

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo: Do ảnh hưởng mưa của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao, ngày và đêm nay (3/11), lũ các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Gia Lai sẽ lên lại; các sông từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế và Kon Tum, Đắk Lắk cũng sẽ lên. Đợt lũ này có thể kéo dài 2 - 3 ngày; trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ lớn, đỉnh lũ có thể lên mức BĐ2 - BĐ3, nhiều nơi lên trên mức BĐ3; các sông ở Quảng Trị, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk lên mức BĐ1 – BĐ2, có nơi trên mức BĐ2.


Nhiều đường phố tại Nha Trang vẫn ngập chìm trong nước
.
Đây là đợt mưa, lũ lớn có khả năng xảy ra trên diện rộng nên cần chủ động đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các sông, suối ở các tỉnh trên. Vì vậy, các địa phương trong khu vực cần tiếp tục huy động mọi lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung cứu hộ, cứu nạn, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để chủ động đối phó. Đặc biệt là kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị phương tiện, vật tư, lực lượng tại chỗ để bảo đảm an toàn cho các hồ chứa, nhất là các hồ chứa nhỏ.

Hiện quốc lộ 1A và quốc lộ 27 nước đã rút, đường sắt đoạn Đèo Cả đã khắc phục sạt lở và thông xe. Quốc lộ 26 bị ngập nhiều đoạn từ 0,1 - 0,3 m nhưng xe tải, xe gầm cao vẫn có thể di chuyển được. Tại Phú Yên: Các tỉnh lộ 641, 642, 643, 646, 647, một số đoạn bị ngập từ 0,5 - 1,0 m gây ách tắc giao thông; tỉnh lộ 644, 645, 649, 650, một số đoạn vẫn còn bị ngập từ 0,1 - 0,3 m, mặt đường xói lở, đi lại khó khăn. Tại Khánh Hòa: Tuyến đường Khánh Lê Lâm Đồng bị sạt lở 3 vị trí, hiện đang triển khai thu dọn, dự kiến ngày 5/11 sẽ thông tuyến; đường Nguyễn Tất Thành bị sạt lở 3 vị trí, hiện đã thông 1 làn xe; đường Lập Định – Suối Môn (tỉnh lộ 9) vẫn ách tắc giao thông do ngập và sập mố cầu tràn Vĩnh Thái; đường từ sân bay Cam Ranh đến cầu Long Hồ bị sụp cống, sạt lở 2/3 đường; đường tỉnh lộ 9 lên Khánh Sơn chưa thông xe do ngập; đường Khánh Sơn đến Thành Sơn ách tắc giao thông do ngập. Tại Ninh Thuận: Các tuyến đường liên thôn, liên xã, liên huyện bị ngập và sạt lở 36,88 km, giao thông bị gián đoạn.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, khu vực cuối trên tuyến đường sắt Thống nhất bị hư hỏng do mưa lớn tại các tỉnh nam Trung bộ là đoạn đường sắt Lương Sơn - Nha Trang đã được trả đường thông xe vào chiều 3/11, chính thức khai thông chạy tàu trên toàn tuyến đường sắt Thống Nhất sau gần 5 ngày gián đoạn.

Tổng công ty cũng cho hay, ngay sau khi toàn tuyến Thống Nhất được khai thông, ga Nha Trang đã tổ chức phục vụ 13 chuyến tàu khách Thống Nhất; trong đó có 7 đoàn tàu số chẵn (đi Hà Nội) và 6 đoàn tàu số lẻ (đi Sài Gòn) qua ga Nha Trang an toàn.

Theo thống kê của ngành đường sắt, từ ngày 30/10 đến ngày 2/11, do mưa lớn tại khu vực Khánh Hòa khiến 15 đoàn tàu khách theo lịch trình phải nằm chờ từ 2 hướng Bắc và Nam ga Nha Trang.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), đến 7 giờ sáng 3/11, giao thông trên các tuyến quốc lộ trong khu vực Nam Trung bộ cơ bản đã được phục hồi. Trên quốc lộ 1, đoạn km1507-km1508+700 (Cam Ranh - Khánh Hòa) và khu vực đèo Cả (Phú Yên) đã thông xe trở lại bình thường. Riêng tại Cầu Ngòi km1552+000 (cầu tạm phục vụ thi công) bị xói mố cầu, cho phép các phương tiện xe ô tô con, xe tải nhẹ dưới 5 tấn qua cầu tạm theo hai hướng. Trên quốc lộ 26, Cầu 30 km103+706, huyện EaKắk, tỉnh Đắk Lắk, nước đã rút, đã thông xe trở lại. Trên quốc lộ 27, tại km258 - km259 thị xã Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận (khu vực đèo Cậu) nước đã rút, đã thông xe trở lại bình thường...

Sau hơn ba ngày bị nước lũ chia cắt, vào sáng 3/11, các tuyến đường huyết mạch trên địa bàn 4 xã: Đa Quyn, Tà Năng, Đà Loan, Tà Hine (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đã được thông suốt.

Hiện mực nước đã giảm đáng kể, hầu hết các cây cầu trên địa bàn 4 xã trên đã thoát ngập.

Tại xã Đà Loan, mực nước cũng đã rút khỏi các khu dân cư, tuyến đường huyết mạch dẫn vào các xã phía trong đã được lưu thông bình thường. Tại khu vực cầu treo dẫn vào thôn 16 cũng đã rút nước, hơn 300 hộ dân (khoảng 2.000 khẩu) đã lưu thông được với bên ngoài sau ba ngày bị cô lập. Một số tuyến đường khác trên địa bàn xã cũng được lưu thông trở lại. Tuy nhiên việc đi lại còn gặp nhiều khó khăn do mặt đường ngập ngụa bùn lầy, đất đá…

Diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập, hư hại là 17.891 ha (Khánh Hòa 3.000 ha, Ninh Thuận 12.947 ha, Bình Thuận 1.944 ha). Ngành điện phải cắt giảm 8,6% hệ thống phụ tải Khánh Hòa tại các khu vực bị ngập nặng; cắt giảm 2% hệ thống phụ tải Phú Yên tại khu vực huyện Đồng Xuân (trừ thị trấn La Hai), xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, 4 xã huyện Đông Hòa.

Chiều 3/11, lũ các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum có khả năng lên lại. Theo báo cáo của Bộ Công Thương và Vụ Quản lý công trình thủy lợi, các hồ có cửa tràn: Suối Dầu, Am Chúa, Láng Nhớt (Khánh Hòa); Tân Giang, Sông Châu, Sông Sắt (Ninh Thuận); Lòng Sông (Bình Thuận) đang xả lũ theo quy trình hiện vẫn an toàn. Nhiều hồ mực nước đã vượt qua đỉnh tràn từ 20 ÷ 80 cm đang tràn tự do về hạ du và vẫn an toàn. Hồ Sông Ba Hạ xả 5.298 m3/s; Sông Hinh xả lũ 1.000 m3/s.

Tại Khánh Hòa: Nhiều xã thuộc thành phố Nha Trang, vùng trũng các huyện Diên Khánh (15 xã), Ninh Hòa (15 xã), thị xã Cam Ranh bị ngập; một số khu vực bị chia cắt gồm khu Đồng Rọ Vĩnh Thái, Hòn Một, Bích Đầm, Đầm Bảy, Vũng Ngáng. Ninh Thuận còn một số khu vực bị chia cắt gồm khu vực thôn Phú Thọ thuộc phường Đông Hải; thôn Hòa Thạnh thuộc xã An Hải; khu vực xã Phước Hải.

Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương dẫn đầu, đã tới Ninh Thuận để trực tiếp chỉ đạo đối phó với tình hình mưa, lũ. Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cũng tiếp tục đi kiểm tra, chỉ đạo công tác đối phó với tình hình mưa, lũ tại Ninh Thuận. Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có công điện chỉ đạo và báo cáo nhanh tình hình hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hệ thống điện, cấp phát thuốc, áo phao, công tác triển khai đối phó với mưa, lũ của ngành.

Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương thường xuyên thông báo tình hình mưa, lũ, tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm đến Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các tỉnh để tổ chức theo dõi, chủ động tham mưu trong việc chỉ đạo các biện pháp đối phó. Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức sơ tán 6.554 hộ/26.216 người tại các khu vực Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam, Phan Rang Tháp Chàm đến nơi an toàn...

Tỉnh Khánh Hòa sơ tán 1.525 hộ/6.452 người tại các khu vực Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Cam Ranh, Nha Trang. Tỉnh Phú Yên sơ tán 321 hộ/1.178 người tại các khu vực Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tổ chức lực lượng, phương tiện gồm 245 cán bộ, chiến sỹ; 2 tàu; 5 ca nô; 12 xuồng cứu hộ; 13 ô tô các loại và 1 bộ vượt sông nhẹ sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có yêu cầu.

Uông Lam - Văn Hào - Nguyễn Dũng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN