Tạo việc làm ổn định cho người khuyết tật

Trong rất nhiều quan tâm, chăm sóc của xã hội dành cho người khuyết tật, thì quan tâm dạy nghề, tạo việc làm là sự hỗ trợ thiết thực và ý nghĩa nhất.

Điều này không những giúp người khuyết tật có thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nhẹ gánh nặng xã hội, mà còn giúp người khuyết tật nâng cao vị thế, tăng cường sự tự tin và khai thác những tiềm năng, giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Lực lượng lao động không nhỏ

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 với mục tiêu “Hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội”.

Quan tâm, chăm sóc người khuyết tật là trách nhiệm của toàn xã hội.
Ảnh: An Hiếu - TTXVN



Theo thống kê, Việt Nam có hơn 6,7 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, trong đó có khoảng 1,6 triệu người có khả năng lao động. Người khuyết tật là một lực lượng lao động không nhỏ trong xã hội và họ đòi hỏi phải được bảo vệ bằng luật pháp để đảm bảo quyền bình đẳng tham gia vào các hoạt động của xã hội, trong đó có quyền bình đẳng về việc làm bền vững.

Từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm cả nước tổ chức dạy nghề cho 7.000-8.000 người khuyết tật.

Tuy nhiên, số lượng người khuyết tật được học nghề hiện còn quá ít và chiều hướng tăng không đáng kể. Tỷ lệ người khuyết tật sau đào tạo nghề tìm việc làm còn thấp và chủ yếu là tự tạo việc làm. Nguyên nhân là do 80% người khuyết tật sống ở nông thôn, trình độ văn hóa thấp, điều kiện kinh tế khó khăn, khó tự trang trải việc học nghề. Cộng thêm những rào cản xã hội như thái độ phân biệt, mặc cảm, tự ti. Bên cạnh đó, người khuyết tật thường thiếu thông tin về việc làm, nhất là người khiếm thính. Các công trình kiến trúc, phương tiện giao thông công cộng không phù hợp khiến họ khó tiếp cận học nghề, việc làm.

Người khuyết tật rất khó tiếp cận vốn vay. Theo Vụ Công tác HSSV - Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ - TB và XH), một trong các nguyên nhân khiến người khuyết tật được học nghề là tuy họ có số lượng lớn nhưng do mang nhiều dạng khuyết tật và cư trú rải rác rộng khắp trên cả nước, mỗi dạng tật chỉ phù hợp với một số nghề nhất định nên dạy nghề cho họ có nhiều khó khăn và chi phí cũng cao hơn so với dạy nghề thông thường. Thêm vào đó là cơ chế thị trường hướng tới mục tiêu lợi nhuận, đã trở thành “lực cản” đối với dạy nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật; bên cạnh đó là người khuyết tật sự quan tâm chưa đúng mức của các bộ, ngành liên quan…

Xã hội chung tay

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mặc dù Đảng, Nhà nước đã ban hành hệ thống chính sách, pháp luật tương đối đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm nhưng do nhiều nguyên nhân nên kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu mà chính sách đề ra. Hiện, số người khuyết tật được dạy nghề hàng năm chỉ đạt 5.000-6.000 người/tổng số 1,5 triệu người cần được dạy nghề trong cả nước. Đa số người khuyết tật trình độ học vấn thấp, khoảng 70% người khuyết tật không thể sống tự lập. Một số người khuyết tật tuy có việc làm nhưng công việc không ổn định, thu nhập còn thấp...

Để thực hiện mục tiêu đến 2020, dạy nghề, tạo việc làm cho 300 nghìn người khuyết tật (theo Quyết định 1019/QĐ-TTg), các bộ, ngành hữu quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách đối với người khuyết tật tới các địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình, bản thân người khuyết tật; khảo sát, thống kê, phân loại người khuyết tật theo dạng tật và khả năng lao động.

Hiện nay, một số địa phương xuất hiện những mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật thực sự mang lại hiệu quả. Các mô hình này chủ yếu là dạy nghề gắn với tạo việc làm; tạo điều kiện vay vốn để gia đình người khuyết tật đầu tư sản xuất kinh doanh. Có việc làm, thêm thu nhập, người khuyết tật thêm hăng say lao động sản xuất và tự tin hơn trong cuộc sống.

Nhiều địa phương đã có sáng kiến tổ chức Ngày hội việc làm cho người khuyết tật, nhằm tạo cơ hội cho người khuyết tật tìm kiếm được việc làm phù hợp khả năng, trình độ của mình. Nhiều người khuyết tật đã nêu tấm gương sáng về nghị lực phi thường và cống hiến nhất định cho xã hội. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể xã hội cũng chủ động tạo cơ hội việc làm cho người lao động, có đơn vị hàng năm dành 10-15% số vị trí việc làm để tuyển dụng người lao động vào làm việc. Những nỗ lực ý nghĩa này có tác động lớn trong xóa bỏ rào cản, tạo cơ hội cho người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng.

Tuy nhiên, để sự chung tay của xã hội hiệu quả hơn nữa, còn rất cần sự nỗ lực của chính mỗi người khuyết tật, để vươn lên, tự thay đổi số phận, khẳng định bản thân và đóng góp cho cộng đồng.

PV (tổng hợp)

Đào tạo kỹ năng lái xe phục vụ người khuyết tật
Đào tạo kỹ năng lái xe phục vụ người khuyết tật

Thành Công Taxi và Trung tâm Sống độc lập (ILC) phối hợp tổ chức chương trình tập huấn đào tạo nhằm bồi dưỡng, nâng cao khả năng phục vụ người khuyết tật của đội ngũ lái xe, cán bộ nhân viên của hãng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN