'Sinh năm Thìn không tốt hơn những năm khác'

 Năm Thìn cũng giống như tất cả các năm khác, cũng có những người thành đạt, cũng có những người không thành đạt. Các dữ liệu hiện tại của những người sinh năm Thìn cho thấy, người sinh năm Thìn không thật sự tốt hơn các năm khác...

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 1,2 đến 1,3 triệu trẻ ra đời. Dự kiến, năm Nhâm Thìn 2012, số người đến sinh tại các bệnh viện tăng hơn 30% so với năm trước, sẽ tác động không nhỏ đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tăng ở một số địa phương. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng đoàn công tác kiểm tra công tác dân số và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại 10 địa phương trong cả nước.

* Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, theo ông năm 2012 dự báo dân số Việt Nam có gia tăng hay không? Thứ trưởng có ý kiến gì về việc sinh con năm Rồng?

* Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Từ đây cho đến khi dân số Việt Nam ổn định vào giữa thế kỷ XXI, số dân nước ta vẫn tiếp tục tăng do mức sinh vẫn cao hơn mức chết, bình quân mỗi năm trên 900.000 người. Năm 2012, năm Nhâm Thìn, theo dân gian là năm sinh con đẹp. Nhiều người đang muốn có ”rồng con” trong nhà năm 2012. Tổng cục Thống kê đã đưa ra dự báo ”mức sinh năm 2012 có thể tăng lên”, qua số liệu thống kê của chúng tôi năm 2012 dự báo mức sinh có tăng so với năm 2011. Theo chúng tôi, năm Thìn cũng giống như tất cả các năm khác, cũng có những người thành đạt, cũng có những người không thành đạt. Các Các dữ liệu hiện tại của những người sinh năm Thìn cho thấy, người sinh năm Thìn không thật sự tốt hơn các năm khác... Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến thì mức sinh năm 2012 có thể tăng. Ví dụ như năm 2003 là năm Quý Mùi, số trẻ em sinh ra tăng so với các năm trước đó, nhưng chưa thấy điềm tốt đâu, mà đã thấy các trẻ em năm sinh 2003 phải đối mặt với việc gặp khó khăn khi nhập học mẫu giáo, tiểu học như phóng sự của một số đài báo đã đưa và chắc là sau này khi tìm việc làm thì cơ hội sẽ khó khăn hơn các thế hệ khác.


Bé gái chào đời lúc 0g 15 phút ngày đầu tiên của năm Nhâm Thìn, tại BV Từ Dũ, TPHCM, cân nặng 3,8kg. Ảnh: Phương Vy-TTXVN.


* Phóng viên: Theo Thứ trưởng, nguyên nhân sâu xa và cơ bản nào dẫn đến tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam thời gian qua cũng như sắp tới?

* Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam có 5 đặc điểm riêng cần lưu ý. Thứ nhất, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam xuất hiện muộn nhưng tốc độ gia tăng lại nhanh hơn so với một số nước châu Á. Thứ hai, tỷ suất giới tính khi sinh(TSGTKS) của Việt Nam cao ngay từ lần sinh thứ nhất. Thứ ba, TSGTKS cao ở lần sinh cuối cùng. Thứ tư, TSGTKS cao ở những tỉnh xung quanh các thành phố lớn. Thứ năm, TSGTKS cao ở những gia đình có kinh tế khá giả, ở những phụ nữ có trình độ học vấn cao và mức sinh thấp. Nguyên nhân trực tiếp là việc “lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh” của một một bộ phận như: Áp dụng ngay từ trước lúc có thai (chế độ ăn uống, chọn ngày phóng noãn, thậm chí sử dụng các bài thuốc dân gian…); trong lúc thụ thai (chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, lọc rửa tinh trùng để chọn tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y,…); hoặc khi đã có thai (sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối,…) để chẩn đoán giới tính, nếu thai nhi là trai thì họ để lại, nếu thai nhi là gái thì bỏ đi.

Nguyên nhân phụ trợ, thứ nhất là áp lực giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con, nhưng các cặp vợ chồng lại mong muốn trong số đó phải có con trai vì vậy họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh như một cứu cánh để đáp ứng được cả 2 mục tiêu. Thứ hai, n hu cầu phát triển kinh tế gia đình: ở một số vùng miền, nhiều công việc nặng nhọc, đặc biệt là công việc trong các ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp, khai thác khoáng sản, đi biển đánh bắt xa bờ,... đòi hỏi sức lao động cơ bắp của con trai; con trai là trụ cột về kinh tế cho cả gia đình. Thứ ba, c hế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo, hiện nay 70% dân số nước ta còn sống ở nông thôn, hầu hết không có lương hưu khi về già, họ cần sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cái mà theo quan niệm của xã hội hiện nay, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai, vì thế họ sẽ cảm thấy lo lắng và rất không an tâm trong tương lai khi chưa có con trai. Thứ tư, chính sách ưu tiên đối với nữ giới chưa thật thỏa đáng.

Tuy nhiên nguyên nhân sâu xa và cơ bản của Việt Nam cũng như một số nước châu Á, chính bởi tư tưởng Nho giáo truyền thống của gia đình phụ hệ, nối dõi tông đường, thờ tự… đã làm cho tâm lý ưa thích con trai trở lên mãnh liệt như: từ khi chuẩn bị kết hôn, nhà trai phải chủ động, ngay trên thiếp mời dự đám cưới, phông chữ trang trí cũng thường lấy tên nhà trai trước. Người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn. Quan niệm có con trai mới được xem là đã có con - “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, không có con trai là tuyệt tự. Đến khi có con, phải theo họ của bố. Khi cha mẹ chết, con trai được đứng trước, con gái đứng sau, chỉ có cháu trai mới được bê bát hương ông, bà; con trai mới mới được vào nơi thờ tự, đóng góp giỗ tổ tiên,… Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ. Do vậy từ nhận thức đến thay đổi hành vi, thay đổi một phong tục, tập quán đã có từ ngàn đời nay, không dễ dàng và không thể một sớm một chiều mà phải xác định đây là một công việc đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, lâu dài. Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cũng cần phải thời gian và bước đi thích hợp.

* Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, rõ ràng vấn đề mất cân bằng giới tính không còn là chuyện nhỏ mà phải được cụ thể hoá trong Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, vậy Bộ Y tế cần thực hiện các giải pháp nào?

* Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Đứng trước thực trạng trên, Bộ Y tế đang thực hiện đồng bộ các giải pháp can thiệp nhằm giảm tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh để đạt mục tiêu “Tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2015 và 115/100 vào năm 2020” tại Quyết định số 2013/QĐ-TTg, ngày 17/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020. Cụ thể:

Tăng cường hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật liên quan đến giới và giới tính khi sinh. Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 3121/BYT-BMTE ngày 21/5/2009 về việc nghiêm cấm lạm dụng kỹ thuật cao để lựa chọn giới tính thai nhi. Hằng năm đều có hướng dẫn các quy định về nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi và can thiệp để làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Lãnh đạo Bộ y tế đang phối hợp với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân của 10 tỉnh có TSGTKS cao nhất triển khai các giải pháp quyết liệt để có thể tác động làm giảm TSGTKS. Sau khi Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với tỉnh ủy, thành ủy, UBND của 10 tỉnh nói trên, chúng tôi đã thống nhất phải triển khai các giải pháp quyết liệt để khắc phục tình trạng này. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra các nhà xuất bản, các trang thông tin điện tử, các nhà sách,… phát hiện, thu hồi những ấn phẩm hoặc yêu cầu dỡ bỏ những nội dung quảng bá, tuyên truyền, hướng dẫn việc sinh con theo ý muốn. Bộ Y tế cùng với các Sở Y tế đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế công lập, các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là các cơ sở siêu âm, các phòng khám sản phụ khoa - kế hoạch hóa gia đình để phát hiện, xử lý những trường hợp chẩn đoán giới tính thai nhi, phá thai vì lý do giới tính.

Triển khai các mô hình hoạt động can thiệp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam giai đoạn 2012-2020 với các giải pháp mang tính tổng thể tác động tới TSGTKS. Bộ Y tế đã triển khai Mô hình can thiệp giảm thiểu mất cân bằng GTKS tại 40 tỉnh có TSGTKS cao. Bước đầu ghi nhận được một số tác động làm thay đổi TSGTKS. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai Mô hình can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh ở khu vực đồng bào Công giáo và Phật giáo ở hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Các linh mục, các sư sãi đã tích cực vận động giáo dân, phật tử không tham gia vào quá trình lựa chọn giới tính trước sinh, bước đầu đã mang lại kết quả tốt. Bộ Y tế đã phối hợp với UNFPA và các cơ quan có liên quan tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng xung quanh vấn đề mất cân bằng TSGTKS. Tháng 10 năm 2011, Bộ Y tế phối hợp với UNFPA tổ chức Hội thảo quốc tế “Chia sẻ tầm nhìn giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh” tại Hà Nội với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách của 11 nước và các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực này.

Từng bước xử lý mối quan hệ giữa “mô hình gia đình ít con” và TSGTKS kinh nghiệm của các quốc gia láng giềng cho thấy: Trung Quốc mặc dù đã áp dụng những biện pháp hết sức quyết liệt, thậm chí là hà khắc nhưng TSGTKS vẫn tiếp tục tăng cao, phải chăng do chính sách “Một con rưỡi” (?). Hàn Quốc chỉ thành công trong việc đưa TSGTKS trở về với mức sinh học bình thường khi họ từ bỏ hẳn chính sách giảm sinh, chuyển sang giai đoạn khuyến sinh. Đối với nước ta cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp: từ truyền thông chuyển đổi hành vi, các giải pháp về kinh tế như chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, đảm bảo an sinh xã hội,… đến việc xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bản chất của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình nói chung, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính nói riêng, như Đảng ta đã khẳng định, đây là một “cuộc vận động lớn”. Vì thế, giải pháp truyền thông chuyển đổi hành vi trong đó có việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân thấy hết được nguy cơ, hệ lụy của việc mất cân bằng TSGTKS để mọi người tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn trước sinh mới thực sự mang lại hiệu quả bền vững.

* Phóng viên: Theo Thứ trưởng, xu hướng phát triển dân số Việt Nam của chúng ta có theo mô hình như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước Châu Âu hay không? Dân số Việt Nam sẽ phát triển theo xu hướng nào?

* Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế năm 2005, nhưng 4 năm sau, theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2009 vẫn còn tới 28 tỉnh, thành phố (chiếm tới 34% dân số) chưa đạt được mức sinh thay thế, cá biệt có những tỉnh tổng tỷ suất sinh còn rất cao như Kon Tum (3,45), Hà Giang (3,08), Lai Châu (2,96),… và tâm lý của người dân trong xã hội nông nghiệp lại chịu ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo vẫn mong muốn có đông con còn rất nặng nề. Kết quả điều tra năm 2006 cho thấy 90% phụ nữ có 1 con muốn sinh thêm con; 61% phụ nữ có 2 con muốn sinh thêm con và 50% phụ nữ mặc dầu đã có 3 con nhưng vẫn muốn sinh thêm con, trong đó có tới 68% phụ nữ đã có 3 con gái vẫn muốn sinh thêm con(!). Hai là xu hướng giảm sinh xuống mức thấp, có 24 tỉnh, thành phố (chiếm 37,3% dân số) có Tổng tỷ suất sinh dưới 2 con, cá biệt có tỉnh, thành phố có tổng tỷ suất sinh ở mức thấp như: Thành phố Hồ Chí Minh (1,45), Vĩnh Long (1,63), Bình Dương (1,7),… Và cùng với sự phát triển thì tâm lý của một bộ phận nhân dân trong xã hội công nghiệp hiện đại, mức sống cao mong muốn sinh ít con sẽ làm mức sinh tiếp tục giảm như xu hướng của các nước phát triển. Để tránh những biến động bất lợi cho việc ổn định quy mô dân số ở mức phù hợp, để có được cơ cấu dân số hợp lý, kéo dài thời gian của cơ cấu “dân số vàng” đòi hỏi phải duy trì mức sinh thấp, hợp lý và cần có chính sách linh hoạt, thích hợp với những diễn biến của mức sinh để tránh được các vấn đề mà các nước đi trước đã gặp phải. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2015 và đến năm 2020, tỷ lệ tăng dân số ở nước ta ở mức khoảng 1%. Điều đó có nghĩa rằng không được phép để cho tỷ lệ tăng dân số tăng cao nhưng đồng thời cũng không cho phép tỷ lệ này hạ thấp quá mức. Năm 2010, tổng tỷ suất sinh của nước ta là 2,0; Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã đề ra chỉ tiêu Tổng tỷ suất sinh giảm xuống 1,9 vào năm 2015 và 1,8 vào năm 2020.

* Phóng viên: Theo Thứ trưởng ngoài những vấn đề ổn định dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh…, Chương trình dân số Việt Nam còn phải đối phó với nguy cơ bất ổn nào về công tác dân số trong xu thế nâng cao chất lượng giống nòi và hài hòa phát triển dân số bền vững đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước?

* Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Ngoài những thách thức về ổn định quy mô dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, công tác dân số đang đối phó với thách thức về chất lượng dân số còn hạn chế, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình còn nhiều khó khăn, di dân khó kiểm soát, già hóa dân số và chăm sóc người cao tuổi đang là những bất cập cần sớm khắc phục, đó là các vấn đề như:

Chất lượng dân số còn hạn chế Chỉ số phát triển con người của nước ta tuy từng bước cải thiện, nhưng vẫn ở mức thấp chỉ xếp trên Lào, Campuchia, Đôngtimo, Myanma trong khu vực ASEAN. Sức khỏe và thể lực của người Việt Nam còn kém so với nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là chiều cao, cân nặng và sức bền. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi ở một số khu vực còn cao, như Tây Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên. Tỷ lệ người bị khuyết tật chiếm tới 7,8% dân từ 0-5 tuổi trở lên, cơ cấu bệnh tật đang có xu hướng chuyển dần từ các bệnh nhiễm khuẩn là chủ yếu sang các bệnh rối loạn chuyển hoá, di truyền và hậu quả của tai nạn thương tích. Tỷ lệ trẻ em mới sinh bị bệnh, tật bẩm sinh và tình trạng trẻ em thừa cân, rối nhiễu tâm trí, tự kỷ, tiểu đường có xu hướng gia tăng. Nước ta có 16 dân tộc có dân số dưới 10.000 người đang có nhiều vấn đề cần được quan tâm. Một số bệnh như sốt rét, bướu cổ, phong... vẫn chiếm tỷ lệ cao ở khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Một số dân tộc có nguy cơ suy thoái do tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn phổ biến. Kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em còn nhiều hạn chế dẫn đến tỷ lệ vô sinh, tỷ lệ chết ở trẻ em còn cao. Mức độ hưởng thụ các dịch vụ y tế, DS và SKSS, dịch vụ xã hội cơ bản còn thấp. Lạm dụng và sử dụng chất gây nghiện như thuốc lá, rượu bia, ma túy, những vấn đề căng thẳng về tâm lý bao gồm cả hiện tượng tự tử, gây thương tích, vi phạm pháp luật ngày càng trở nên nghiêm trọng đối với giới trẻ.

Cung cấp dịch vụ KHHGĐ còn nhiều khó khăn trong những năm tới, do số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn tiếp tục tăng (đạt xấp xỉ 27 triệu người vào năm 2020), nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai, đặc biệt là các biện pháp tránh thai hiện đại sẽ tiếp tục tăng và luôn giữ ở mức cao. Hầu hết phương tiện (PTTT) phải nhập khẩu, trong khi nguồn quốc tế viện trợ PTTT không còn. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh PTTT trong giai đoạn tới là một thách thức lớn, Nhà nước cần đầu tư hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để mua PTTT. Tình trạng phá thai và vô sinh còn nhiều. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở thanh niên, người chưa thành niên còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến, phá thai không an toàn không ít. Tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát còn khá cao, nhưng khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho người vô sinh còn hạn chế. SKSS, sức khoẻ tình dục ở các nhóm đối tượng đặc thù còn nhiều thách thức. Tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở người chưa thành niên và thanh niên có xu hướng gia tăng. Hiểu biết, hành vi về SKSS, sức khoẻ tình dục của người chưa thành niên và thanh niên còn nhiều hạn chế. Kiến thức, thái độ và hành vi về DS và SKSS trong cộng đồng và ngay cả cán bộ y tế còn hạn chế. Dịch vụ chăm sóc SKSS cho nam giới, người khuyết tật, người cao tuổi, người di cư chưa sẵn có, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng. Tình dục được coi là vấn đề tế nhị và nhạy cảm và còn hạn chế thảo luận trên phương tiện thông tin đại chúng, trong các chương trình nghị sự. Nhận thức về giới trong cộng đồng rất hạn chế, thiếu hiểu biết về ảnh hưởng của bạo lực tình dục tới SKSS, sức khoẻ tình dục của nạn nhân; thiếu hiểu biết về mối liên quan giữa lạm dụng chất gây nghiện và bạo hành giới; quan niệm lạc hậu về vai trò của nam và nữ, phụ nữ thiếu hiểu biết về quyền,vv.

*Trân trọng cám ơn Thứ trưởng.


Nhật Minh (thực hiện)

Báo động tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở châu Á
Báo động tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở châu Á

Trong những năm gần đây, tỷ lệ mất cân bằng giới tính đã tăng lên mức đáng báo động ở hầu hết các nước châu Á, ngoại trừ Hàn Quốc. Quỹ Dân số của Liên hợp quốc (UNFPA) đã lên tiếng báo động tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng do tâm lý trọng nam ở các nước thuộc châu lục này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN