Phát hiện sớm để Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đang đặt ra yêu cầu phải thay đổi về phương thức tiếp cận, đặc biệt nhấn mạnh vào vai trò của cộng đồng trong việc phòng ngừa, phát hiện sớm. Đây là khuyến nghị nhận được nhiều sự đồng tình của các đại biểu tham dự Hội nghị Thúc đẩy hợp tác liên ngành phòng, chống xâm hại trẻ em ở Việt Nam tổ chức hôm qua (15/12) tại Hà Nội.


Bảo vệ trẻ em hướng tới chuyên nghiệp

Để phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em hiệu quả hơn, việc tăng cường các dịch vụ can thiệp và phục hồi đối với trẻ bị bạo lực, xâm hại và khôi phục hệ thống cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại cộng đồng là những ưu tiên được quan tâm trong thời gian tới.

Mở rộng dịch vụ can thiệp

“Hiện tượng bạo lực, xâm hại trẻ em diễn ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau với hình thức và đối tượng xâm hại trẻ em đa dạng, mức độ và tính chất đã đến mức đáng lo ngại nhưng số vụ việc được phát hiện chỉ là một phần rất nhỏ so với thực tế”- ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định. Còn theo ông Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), trong các hình thức bạo lực và xâm hại trẻ, nghiêm trọng nhất vẫn là xâm hại tình dục.

Để ngăn chặn tình trạng bạo lực đối với trẻ em, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Ảnh: Đình Trân – TTXVN


Ông Đào Trọng Thi đánh giá, các vụ ngược đãi, bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em... ít được cộng đồng chủ động phát hiện, trình báo với các cơ quan chức năng, phần nhiều do các phương tiện truyền tin phát hiện và tố giác trước công luận. Số vụ việc phát hiện được chỉ là một phần nhỏ so với thực tế, rất nhiều trường hợp chậm được phát hiện và can thiệp.

Hiện nay, có ba loại hình bảo vệ trẻ em đang được triển khai ở nước ta, gồm: Dịch vụ phòng ngừa chung; Hỗ trợ, can thiệp sớm cho trẻ em và gia đình có nguy cơ và Dịch vụ can thiệp bảo vệ. Tuy nhiên, Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cũng thừa nhận hệ thống này đang hoạt động thiếu tính liên tục và chuyên nghiệp. Thời gian qua, nhờ những dịch vụ khác nhau, đặc biệt là các dịch vụ công, trong đó có đường dây nóng, các trung tâm công tác xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, các điểm tư vấn ở trường học, cộng đồng, việc phòng ngừa các nguy cơ và can thiệp sớm đã được tăng cường. Mặc dù vậy, theo đánh giá chung, những việc này chỉ mới dừng lại ở mức mô hình, làm điểm. Mặt khác, theo đánh giá của bà Vũ Thị Lê Thanh, Cán bộ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), dịch vụ can thiệp bảo vệ (hay còn gọi là dịch vụ bảo vệ cấp 3) đối với trẻ em hiện nay ở Việt Nam chưa phát triển.

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, cần phải có những quy định pháp luật cũng như nguồn đầu tư khác nhau để mở rộng các dịch vụ này lên phạm vi toàn quốc, phục vụ trẻ em nhanh nhất và thuận tiện nhất. “Các dịch vụ bảo vệ trẻ em cần phải được làm một cách liên tục và chuyên nghiệp. Chỉ một dịch vụ đơn lẻ thì không thể giải quyết được vấn đề này, phải bao gồm cả các dịch vụ về y tế, văn hóa.”, ông Nam khẳng định.

Ưu tiên khôi phục mạng lưới cộng tác viên

Chương trình Quốc gia về bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 đã được Chính phủ phê duyệt với kinh phí trên 1.700 tỷ đồng và bắt đầu triển khai từ năm 2011. Ngành lao động đang tập trung củng cố lại công tác bảo vệ trẻ em, cả về pháp luật, về chính sách, các dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Cơ chế nào cho người tố giác? Để khuyến khích cộng đồng lên tiếng khi biết có trường hợp bạo lực, xâm hại trẻ, đại diện Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cho rằng, trước hết phải có quy định của pháp luật về chế độ tố cáo bắt buộc; phải có những thủ tục khiếu nại, tố giác đặc biệt riêng với những trường hợp xâm hại, bạo lực trẻ em; tăng cường việc bảo vệ người tố cáo. Thực tế, có nhiều trường hợp được tố cáo nhưng các cấp chính quyền, đặc biệt là các cấp phường, xã trực tiếp đã không giải quyết hoặc giải quyết không đến nơi đến chốn, dẫn đến vụ việc bị “chìm xuồng”. Vì thế, vấn đề tố cáo cũng phải được giải quyết, tránh trường hợp người tố giác nản lòng, mất niềm tin và về sau, họ không tố cáo nữa.

Trước đây, mạng lưới cộng tác viên về công tác trẻ em là 160.000 người. Hầu hết các thôn ấp, khối phố, cụm dân cư đều có từ 1 - 2 cộng tác viên có thể phát hiện sớm nguy cơ và các vụ xâm hại, bạo lực. Nhưng khi đội ngũ này giải tán, việc ngăn chặn sớm các nguy cơ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, theo lãnh đạo Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, những ưu tiên sẽ triển khai trong thời gian sắp tới là củng cố lại mạng lưới cộng tác viên và tập huấn, nâng cao năng lực cho họ. “Nếu làm tốt việc này, sẽ đóng góp nhiều cho việc phòng ngừa xâm hại trẻ em”, ông Đặng Hoa Nam tin tưởng.

Kinh nghiệm cho thấy, việc bảo vệ trẻ em ở các quốc gia khác chủ yếu là do đội ngũ cán bộ công tác xã hội làm. Ở nước ta hiện chưa hình thành đội ngũ cán bộ công tác xã hội chuyên nghiệp nên rất khó khăn cho việc hỗ trợ gia đình trẻ em cũng như để phát hiện. Hiện nay Đề án phát triển nghề công tác xã hội (Đề án 32) đang thí điểm việc cử các tình nguyện viên ở cấp xã, phường, mỗi xã, phường có ít nhất 2 người. Đây chính là một hy vọng sẽ cải thiện việc giải quyết các vấn đề về bảo vệ trẻ em trong thời gian tới.

Mạnh Minh

Liên kết vững chắc “bốn phòng tuyến”

BS.TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề dự phòng các vụ việc xâm hại trẻ em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN