Người làm cho rễ cây có hồn

Không phải là nghệ nhân, nhà điêu khắc, nhưng có “máu đam mê” rễ cây từ lòng đất. Những rễ cây cong queo, vô tri vô giác, qua bàn tay tài hoa đã trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Nhiều Việt kiều hỏi mua nhưng ông từ chối. Ông bảo: “Nó là bảo bối, là niềm vui nỗi buồn của tôi nên chẳng mua bán đổi chác”. Đó là ông Đặng Văn Lương (ảnh) ở 46 Bến Nôm, phường Rạch Dừa, thành phố Vũng Tàu.

Say rễ cây quên cơm, quên vợ

Con đường dẫn đến nhà ông Lương ngoằn ngoèo sâu hun hút. Ngôi nhà nhỏ lọt thỏm giữa những khối nhà cao tầng nên dễ nhận ra. Tiếp tôi trong căn nhà cũ kỹ nóng hầm hập, ông tâm sự: “Cuộc đời tôi gắn liền với những rễ cây. Tôi yêu nghề này bởi tôi muốn để lại cho thế hệ con cháu giá trị văn hóa, sự yêu thiên nhiên”. Trong nhà ông bày la liệt các tác phẩm làm từ rễ cây, chỗ này là đôi “song long đang múa”, chỗ kia là “tình mẫu tử” như thay lời nói lên sự cần mẫn đam mê của ông.

25 năm về trước, chàng trai Đặng Văn Lương “bén duyên” với nghề rễ cây trong khi bạn bè cùng trang lứa tìm học nghề kiếm tiền sinh sống. Anh lang thang khắp nơi, đến các huyện Châu Đức, Châu Pha thuộc vùng sâu, vùng xa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - nơi có bà con dân tộc Châu Ro sinh sống để tìm rễ cây có hình thù ngoằn ngoèo, rồi lóc cóc trên chiếc xe đạp mang về nhà. Không có kiến thức về điêu khắc, bằng bàn tay tài hoa anh đã tạo ra hình thù con chim, con rắn, tình mẫu tử. Những tác phẩm làm ra, anh đem trưng bày trên kệ sách, dưới nền nhà. Thấy chồng say rễ cây quên cơm, quên vợ, chị Lý (vợ anh) phàn nàn: “Ông làm gì ra tiền mua gạo thì làm. Những rễ cây ấy chẳng ra cơm ra gạo thì nghĩa lý gì”. Can ngăn không được, chị Lý tức giận đem đống rễ cây ra đốt. Ông Lương buồn lắm, nhưng chính những rễ cây cháy dở gặp mưa đó đã tạo cho ông một “đôi long đang múa”. Có lần trời mưa tầm tã, ông lặn lội vào tận rừng Xuyên Mộc, móc trong lòng đất bằng được chiếc rễ cây duối người ta chặt bỏ, gốc khô cằn từ lâu. Lần ấy ông bị sốt rét ốm một trận thập tử nhất sinh. Vợ con ông can ngăn “bỏ cái nghề đam mê dở hơi ấy”, song chỉ được vài hôm ông lại “chứng nào tật ấy”. Ông Lương bảo: “Những rễ cây mang hình hài con thú, bông hoa, đều là hơi thở, là nhựa sống, là niềm vui nỗi buồn của tôi. Có rất nhiều rễ cây tôi vớt lên từ sông, từ đống rác thải, phế liệu. Bàn tay tôi đã nhiều lần bật máu vì tạo dáng cho những rễ cây này”.

Những sản vật văn hóa sống động

Những rễ cây cong lòng khòng tưởng chừng như vô tri vô giác, vậy mà được ông mài giũa và “thổi cho nó linh hồn” để trở thành những tác phẩm văn hóa sống động, độc đáo, có sức sống lâu bền với thời gian. Có lẽ trong từng thớ rễ ấy, không chỉ chứa từng hơi thở của ông, mà còn là máu thịt, là linh hồn ông. Ông bảo: “Nét đẹp về niềm đam mê yêu thiên nhiên, biết làm đẹp cho đời bằng những rễ cây vô tri vô giác, điều ấy quí giá gấp trăm lần vàng bạc”. Nhiều Việt kiều về nước chơi Tết vừa qua đã ngỏ lời mua lại đôi “song long đang múa” cả nghìn USD, nhưng ông không bán.

Tác phẩm “Chim công đang múa”.

Tác phẩm “Chim con bên mẹ”.


Hiện ông Lương có nhiều tác phẩm văn hóa độc đáo từ rễ cây được treo trên tường, trên kệ sách, để dưới nền nhà. Những tác phẩm của ông tăng dần theo dòng chảy của thời gian. Ông muốn để lại cho con cháu và riêng ông không chỉ niềm vui, mà còn có ý nghĩa gìn giữ những giá trị văn hóa của thiên nhiên từ lòng đất.

Mai Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN