Nghề chăm bệnh nhân thuê

Nhiều người bận rộn không có thời gian chăm sóc người thân bị bệnh phải nằm viện hoặc điều trị tại nhà nên phải tìm người chăm người bệnh. Trước nhu cầu đó, các công ty cung ứng dịch vụ này đã ra đời và ngày càng phát triển.

Người bệnh là người nhà

Hiện ở các bệnh viện lớn tại TP Hồ Chí Minh như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, Thống Nhất…, trước những khu vực cấp cứu, người nhà bệnh nhân rất dễ tiếp cận được dịch vụ cung ứng người chăm bệnh nhân. Đa số những người tìm đến loại hình dịch vụ này đều có người thân mắc bệnh phải nằm viện lâu ngày, lại không thể tự chăm sóc bản thân. Vì vậy, công việc của người chăm bệnh nhân thuê là làm vệ sinh, lo ăn uống cho bệnh nhân… Nghề này cũng chỉ phát triển cách đây vài năm.

Chị Bùi Thị Dung, quê Bến Tre, có thâm niên 6 năm trong nghề chăm người bệnh thuê cho biết: Làm nghề này ai cũng phải biết công việc lau rửa vết thương, hút đàm, nuôi ăn qua ống thông, tập vật lý trị liệu. Nhưng quan trọng nhất, người chăm người bệnh thuê phải có lương tâm, trách nhiệm. Chị Dung còn chia sẻ: Làm nghề này phải túc trực bên bệnh nhân 24/24 giờ nên những người làm việc như chúng tôi lấy bệnh viện làm nhà, một năm chỉ được về nhà vài lần.

Chị Hên chăm sóc những bệnh nhân như người thân trong gia đình.


Trong một lần đến Bệnh viện Nguyễn Trãi để thuê người chăm người bệnh, tôi được giới thiệu lên phòng 19, khoa Hô Hấp của bệnh viện để gặp chị Nguyễn Thị Hên, người làm nghề này có tiếng ở đây. Trông chị khỏe mạnh và nhanh nhẹn nên chẳng ai nghĩ chị đã ở tuổi 60 và có 7 năm đi chăm người bệnh thuê ở khắp các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

Chị Hên tâm sự, làm nghề này cực lắm. Chị đã từng phải chăm sóc nhiều bệnh nhân bị tai biến, tiểu đường nằm một chỗ lâu ngày, cơ thể lở loét hết. Với những bệnh nhân này, mỗi ngày chị phải lau rửa vết thương một lần và thường xuyên canh chừng không để nước tiểu dính vào vết loét. Hầu hết những bệnh nhân già yếu thì không tự đi “cầu” được, mà phải cần người chăm nuôi “giúp sức”. Chị kể: Cực nhất là gặp những ca bị viêm, ung thư đường ruột hay tiêu chảy thì bệnh nhân “đi” suốt, người chăm sóc phải canh cả ngày lẫn đêm để làm vệ sinh cho bệnh nhân.

Anh Hoàng Văn Vĩnh, có người nhà nằm tại Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết: Mẹ tôi bị tai biến phải nằm viện lâu ngày. Cũng may thuê được người chăm sóc nên gia đình tôi cũng đỡ chật vật hơn. Các chị rất nhiệt tình nên tôi mới yên tâm đi làm.

Mong một giấc ngủ đủ

Mỗi tháng, người chăm người bệnh thuê được trả lương khoảng 4 – 4,5 triệu đồng, tùy ca bệnh. Nếu chăm sóc theo ngày thì tiền công mỗi ngày từ 120.000 – 200.000 đồng. Nhưng kiếm được tiền bằng nghề này cũng lắm gian truân. Công việc cực nhọc đã là một lẽ; họ lại còn chẳng có được một giấc ngủ ngon. Quanh năm họ phải trải chiếu ngả lưng dưới chân giường bệnh và phải “tỉnh” để canh bệnh nhân xem có trở bệnh hay có nhu cầu gì không. Khi bệnh nhân vào cấp cứu thì việc họ thức mấy đêm liền là chuyện bình thường.

Đa số những người làm nghề chăm người bệnh thuê đều dựa vào kinh nghiệm để chăm sóc bệnh nhân chứ chưa được đào tạo qua một trường lớp nào. Họ là những người không nghề nghiệp, hoặc những người dân từ các tỉnh như: Bến Tre, Vũng Tàu, Long An… vì khó khăn mà phải rời quê lên thành phố làm công việc đặc biệt này. Một người làm nghề này ở Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết: Hai khoa có số người chăm người bệnh thuê nhiều nhất là Hồi sức cấp cứu chống độc và Cấp cứu hô hấp. Với tính chất bệnh kéo dài, bệnh nhân khó khăn trong việc đi lại và ăn uống, nên có thời điểm, số lượng người chăm người bệnh thuê có khi lên đến cả chục người.

Để có một đội ngũ người chăm người bệnh thuê chuyên nghiệp hơn và đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhiều công ty chuyên cung cấp dịch vụ này đã hình thành. Đại diện Công ty dịch vụ cung ứng người chăm người bệnh Sa so.co cho biết: Hiện công ty có khoảng hơn 100 nhân viên. Công ty cũng thường xuyên có kế hoạch đào tạo và tuyển dụng nhân viên hoạt động trong lĩnh vực này.

Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN