Mùa mưa bão 2011: Lấy phòng là chính

Thời tiết, thủy văn trong mùa mưa bão năm nay sẽ có diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Do vậy, các địa phương cần đề phòng bão mạnh, lụt lớn, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực thuộc miền núi Bắc bộ, Trung bộ và Tây Nguyên.

Đó là dự báo được Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra trong cuộc họp trực tuyến phòng chống lụt bão năm 2011 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 31/3.

Diễn tập hộ đê trong khuôn khổ Dự án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu cho cộng đồng dân cư tỉnh Quảng Trị do Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (Trường ĐH Nông Lâm Huế) phối hợp với một số đơn vị thực hiện vào trung tuần tháng 3/2011. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN


Diễn biến phức tạp

Năm 2010, Việt Nam đã hứng chịu 6 cơn bão và 5 đợt áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, các đợt triều cường, lốc xoáy và 3 đợt mưa lũ miền Trung. Thiên tai đã cướp đi sinh mạng của 273 người; 96 người mất tích, 491 người bị thương. Hơn 6.000 căn nhà bị đổ, sập, trôi; 472.000 căn nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; trên 308.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; trên 156 triệu m3 đất đá công trình giao thông và thủy lợi bị sạt lở… Ước tính thiệt hại về vật chất trên 16.000 tỷ đồng.

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm nay sẽ có khoảng 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, nhiều hơn so với năm 2010, đỉnh lũ trong hệ thống sông tại Bắc bộ, Trung bộ và Tây Nguyên phổ biến ở mức cao hơn năm 2010. Do vậy cần chủ động đối phó với bão, lụt có thể xảy ra.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng tác động cực đoan và khó dự báo hơn. Việt Nam lại nằm trong nhóm 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Do vậy, hơn ai hết, chúng ta phải nỗ lực cố gắng làm tốt công tác dự báo, phòng chống lụt bão (PCLB), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra”.

Trong những năm gần đây, Chính phủ và các bộ, ngành địa phương đã chủ động và có kinh nghiệm hơn trong việc đối phó với lụt bão, nhưng qua các đợt thiên tai trong năm 2010 cho thấy, một số địa phương vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại trong công tác PCLB, TKCN.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, nhiều địa phương cũng không thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ”. Phương tiện phục vụ cho công tác TKCN còn thiếu về số lượng và chủng loại, còn phương tiện trên biển thì sức chịu đựng sóng gió kém.

Bên cạnh đó, “Công tác quản lý vận hành hồ chứa thủy điện tồn tại nhiều bất cập trong điều tiết lũ. Hệ thống thông tin liên lạc ở vùng sâu, vùng xa thiếu và chưa bảo đảm, khi thiên tai xảy ra thường mất liên lạc...”, Bộ trưởng Phát nói.

Thi công dự án nâng cấp các đoạn đê, kè xung yếu thuộc tuyến đê biển huyện Hải Hậu (giai đoạn 2). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Một số địa phương cũng phản ánh, công tác dự báo thời tiết vẫn có lúc chưa chính xác, nhất là ở những vùng khí tượng xa, còn dự báo các khu vực gần thì chưa kịp thời.

Ngoài ra, “Một bộ phận ngư dân còn chủ quan chưa lường hết hậu quả do lũ bão gây ra, thiếu sự hợp tác với cơ quan chức năng PCLB gây khó khăn trong công tác quản lý”, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia TKCN, Phó Ban chỉ đạo PCLB trung ương Trần Quang Khuê cho biết.

“4 tại chỗ” phòng chống bão, lụt

Để thực hiện đồng bộ các giải pháp PCLB, TKCN trong mùa mưa bão năm nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đề nghị, các địa phương, ngay sau hội nghị này phải tiến hành tổng kết, đúc rút kinh nghiệm và kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy PCLB, TKCN của địa phương. Tiếp tục triển khai chương trình hành động phòng chống thiên tai đến năm 2020. Các địa phương phải chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, địa phương phải xây dựng PCLB theo phương châm 4 tại chỗ, "Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư- phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ" phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa bàn, xây dựng phương án phòng chống ngập úng cho các thành phố, thị xã, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Hiện nay, mỗi địa phương trên cả nước có trung bình từ 100 – 300 hồ thủy lợi, thủy điện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ NN&PTNT kiểm tra tất cả các hồ chứa thủy lợi, kiên quyết thực hiện và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hồ đập, đảm bảo PCLB. Bộ Công Thương kiểm tra định kỳ các hồ chứa thủy điện. Trong tháng 5 phải hoàn thành hệ thống cảnh báo sóng thần để kịp thời phát hiện, cảnh báo cho người dân sơ tán an toàn. Bộ Xây dựng kiểm tra toàn bộ các tiêu chuẩn xây dựng đảm bảo chống chọi với thiên tai, động đất, sóng thần…

Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, công tác tổ chức diễn tập tốt sẽ giúp người dân chủ động và rất nền nếp trong thiên tai. Do vậy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị, các địa phương căn cứ vào dự báo của Trung ương để có dự báo chi tiết cho địa phương mình. Kiểm tra cơ sở, lực lượng 4 tại chỗ, toàn bộ hệ thống đê điều, hồ đập, tổ chức diễn tập các phương án PCLB, TKCN. Rà soát, bổ sung các phương tiện cứu hộ, cứu nạn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của địa phương để chủ động ứng phó với thiên tai.

Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia TKCN, Phó Ban chỉ đạo PCLB Trung ương Trần Quang Khuê:
Ngư dân chưa tuân thủ hướng dẫn của các cơ quan PCLB

Một bộ phận ngư dân còn chủ quan, chưa lường trước hết hậu quả do bão gây ra, chạy theo lợi nhuận kinh tế, thiếu sự hợp tác với cơ quan chức năng, giấu ngư trường, giấu tần số, cắt liên lạc, không tuân thủ theo sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Điển hình trong cơn bão hồi tháng 1/2010, có 29 tàu cá của Quảng Ngãi hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa đã nhận được thông tin từ BĐBP và đài canh của Quảng Ngãi, kêu gọi hướng dẫn phòng tránh áp thấp nhiệt đới, nhưng vẫn cố tình ở lại Hoàng Sa không vào bờ, không di chuyển xuống phía Nam và hậu quả là 5 tàu bị chìm và 17 ngư dân bị mất tích.
Do vậy, chính quyền địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm chuyển biến nhận thức của cộng đồng, ngư dân. Đồng thời có chế tài, quy định trách nhiệm cụ thể đối với thuyền trưởng, chủ tàu trong việc thuê mướn lao động, mua bảo hiểm phương tiện và bảo hiểm nhân mạng đầy đủ. Thường xuyên duy trì thông tin hai chiều giữa tàu và địa phương.


Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN