Mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân ở các chung cư vẫn “nóng”

Mâu thuẫn giữa chủ đầu tư với cư dân sống tại các chung cư vẫn chưa có hồi kết, khi các tranh chấp về quyền lợi dịch vụ, phí quản lý... thường xuyên diễn ra. Căn nguyên của mâu thuẫn này là do thiếu một hệ thống quản lý nhất quán.

Mâu thuẫn xảy ra tại chung cư cao cấp Saigon Pearl chỉ là bề nổi.


Sau khi bị ngưng cung cấp nước vì nợ phí bảo trì, hơn 90 hộ dân tòa tháp Ruby 1 thuộc chung cư Saigon Pearl phường 22, quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã được cung cấp nước trở lại khi có yêu cầu của UBND phường 22, quận Bình Thạnh đối với chủ đầu tư (Công ty Vietnam Land) sau cuộc họp ngày 11/2. Chính quyền địa phương cũng đề nghị các bên, gồm cư dân, chủ đầu tư và ban quản lý cùng trao đổi, thảo luận để giải quyết thỏa đáng những mâu thuẫn thay vì tranh chấp dẫn đến xung đột.

Mặc dù doanh nghiệp chấp thuận cung cấp nước trở lại cho các hộ dân nhưng cảnh báo trong 3 ngày hộ nào không đóng phí sẽ bị ngưng dịch vụ. Lý giải việc thu phí này, ông Võ Văn Bé, Tổng giám đốc Tập đoàn SSG, chủ đầu tư chung cư Saigon Pearl cho biết, công ty cấp nước chỉ đấu nối đến dự án mà không đầu tư hệ thống ống dẫn, máy bơm, bể chứa… Để có nước dùng, chủ đầu tư phải đầu tư toàn bộ hệ thống trên. Khoản phí 2% dùng vào mục đích bảo trì hệ thống máy bơm, đường ống… đã được ghi rõ trong hợp đồng. Khi khách hàng không đóng tiền bảo trì, công ty quản lý có quyền cắt điện nước, phạt…

Saigon Pearl là một trong những chung cư cao cấp nhất tại TP.HCM. Vì thế, giá dịch vụ ở đây khá cao. Cụ thể, phí gửi xe khoảng 1,6 triệu đồng/xe/tháng, phí quản lý khoảng 17.800 đồng/m2/tháng. Tính ra, mỗi gia đình 4 thành viên, sống căn hộ khoảng 100 m2, có 2 xe gắn máy và 1 xe ô tô sẽ phải trả phí dịch vụ khoảng trên 4 triệu đồng/tháng.

Giải thích về phí quản lý, ông Bé cho hay đã được đa số cư dân đồng tình, chỉ có một bộ phận nhỏ người dân có ý kiến. Về phí giữ xe, theo ông Bé, mặc dù đã đưa vào vận hành từ năm 2009, nhưng đến tháng 6/2011 mới bắt đầu thu phí, nghĩa là miễn phí trong vòng 2 năm. Không những vậy, chủ đầu tư cũng không thu tiền gas cư dân sử dụng trong vòng 2 năm. Theo quy định, sau khi nhận nhà, người dân phải đóng ngay 2% khoản phí trên để dùng vào mục đích bảo trì tòa nhà. Tuy nhiên, công ty đã chia nhỏ số tiền ra thu trong vòng 5 năm.

Việc “cơm không lành, canh không ngọt” giữa chủ đầu tư và cư dân không chỉ xảy ra thời gian gần đây mà xảy ra liên tục cả ở TP.HCM và Hà Nội - những nơi mà các khu chung cư ngày càng nhiều. Việc phát triển mạnh các dự án nhà ở chung cư ở các đô thị lớn đang là nhu cầu tất yếu, tuy nhiên các hệ thống quản lý cũng như văn bản pháp luật quy định cho các hoạt động này lại thiếu nhất quán và chưa hoàn chỉnh. Mặc dù Bộ Xây dựng đã có Thông tư số 37/2009/TT-BXD ngày 1/12/2009 hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý giá dịch vụ nhà chung cư khá chi tiết, nhưng do chưa ban hành văn bản chính thức quy định mức trần phí dịch vụ nhà chung cư nên chủ đầu tư dự án vẫn thu một cách rất tùy tiện, thậm chí thu cao hơn gấp nhiều lần, gây bất bình cho các hộ dân. Hiện tại, quy định về mức trần này mới được Sở Xây dựng xây dựng dự thảo và chờ UBND TP.HCM quyết định.

Tại Hà Nội, dù đã có quy định cụ thể về mức phí quản lý chung cư nhưng vẫn xảy ra những cuộc tranh chấp quyết liệt, điển hình là tại khu căn hộ cao cấp Kengnam vừa qua. Trong khi đó, TP.HCM đến nay vẫn chưa thống nhất được phí quản lý của từng hạng chung cư, kết quả là mạnh ai nấy làm, việc thu phí không đồng bộ và có phần chênh lệch đã dẫn đến phản ứng quyết liệt của các hộ dân. Và mặc dù những mâu thuẫn này tạm thời được giải quyết, thế nhưng nếu không có những quy định pháp lý cụ thể hơn nữa thì chắc chắn sẽ không giải quyết được tận gốc những mâu thuẫn này.

Bài và ảnh: SĨ DŨNG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN