Làng mai vàng Bến Kéo rộn ràng vào Tết

Chỉ còn khoảng mười ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, vì vậy các chủ vườn mai vàng ở làng mai Bến Kéo, xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh rộn ràng đón tiếp các thương lái đến tuyển chọn những cây mai vàng có dáng đẹp, nhiều nụ để chuẩn bị trưng bày bán trong dịp Tết.

Theo các chủ vườn mai, từ nửa tháng trước các chủ vườn mai ai nấy đều tất bật, hết điều hành nhân công tuốt lá mai đến tiếp các thương lái đến xem mai, trả mua, cũng như chuẩn bị chọn địa điểm thích hợp để trưng bày bán mai Tết.

Tại đây có khoảng gần 100 hộ trồng mai vàng với số lượng từ 50 cây đến trên dưới 800 cây lớn nhỏ các loại, có giá bán từ 300.000 đồng/cây đến hơn 30 triệu đồng/cây. Ước tính mỗi vườn sẽ có lãi bình quân sau mùa vụ tết từ 30-200 triệu đồng/vườn. Vì thế, nhiều bà con ở ấp Bến Kéo đã chọn nghề trồng mai vàng làm nghề chính để mưu sinh ổn định cuộc sống. 

Dự kiến, làng mai Bến Kéo năm nay sẽ cung cấp cho thị trường Tết khoảng trên 7.000 gốc mai vàng các loại có giá từ 300 ngàn đến gần 30 triệu đồng/gốc.

Chú thích ảnh
Hội viên Tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp mai vàng Bến Kéo tuốt lá, tỉa cành mai vàng để chuẩn bị bán vào dịp tết. 

Ông Phạm Thanh Nhàn, người có địa điểm kinh doanh mai vàng tại ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành và cũng là một trong những thành viên tích cực của Tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp mai vàng Bến Kéo cho biết, năm nay do thời tiết có những cơn mưa trái mùa nên phần nào cũng ảnh hưởng đến cây mai. Một số ít bị ảnh hưởng nở hoa sớm hoặc nụ hoa phát triển không đều (chiếm khoảng 10 đến 20%) và ông cũng chỉ tuyển chọn được khoảng 120 cây mai tại vườn nhà để bán ra tại mùa tết này với giá từ 1 triệu đến 3 triệu đồng/cây mai vàng, sau khi trừ đi chi phí ước tính lợi nhuận sẽ thu về khoảng hơn 70 triệu đồng.

Tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp mai vàng Bến Kéo chỉ mới được thành lập từ tháng 8/2018 nhưng thương hiệu mai vàng Bến Kéo đã có danh tiếng từ hơn 50 năm trước và được nhiều nghệ nhân trong và ngoài tỉnh biết đến. 

“Trước khi tham gia tổ hợp tác hồi đó tôi và những người dân khác làm theo kiểu nhỏ lẽ ở gia đình nên không có sự liên kết, hiệu quả rất thấp, làm theo kiểu chơi cho vui theo phong trào, thu được lợi nhuận bao nhiêu thì hay bấy nhiêu; nhưng từ khi tham gia vào tổ hợp tác thì được anh em chia sẻ kinh nghiệm, cũng như giới thiệu qua lại. Từ đó, cũng có nhiều khách hàng hơn tìm đến để mua mai, các chủng loại mai cũng phong phú hơn, từ đó kinh tế gia đình dần ổn định và năm nay hứa hẹn sẽ có một cái tết sung túc hơn mọi năm”, ông Phạm Thanh Nhàn chia sẻ.

Ông Lê Thiện Tài, ngụ 1/20 ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam hiện là Tổ phó Tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp mai vàng Bến Kéo cho biết, đa số người dân Bến Kéo cất nhà trên đất phần có diện tích từ 300 đến dưới 1.000 m2, nên mỗi nhà điều có khoảng sân sân vườn rộng, chủ yếu trồng các cây để lấy bóng mát, hoặc cây ăn trái mỗi loại một ít để dùng trong gia đình và trồng cây mai theo bờ rào để cho đẹp, không mang lại lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây người dân bến kéo đã dần thay đổi thói quen chuyển dần từ việc trồng cây tạp, cây ăn trái sang trồng cây mai vàng để có thêm nguồn thu nhập hằng năm. 

Ông Tài cũng cho biết, việc trồng mai tuy không mất nhiều thời gian nhưng đòi hỏi kỹ thuật rất cao, từ khâu chọn giống, chăm sóc đến khâu tạo dáng cho cây. Còn về sâu bệnh thì chỉ có các loại phổ biến như: bệnh nấm hồng, cổ rễ, kháng thư bìa lá, bệnh khô nụ, nếu chịu quan sát kỹ thì sẽ có cách điều trị, phòng ngừa được; còn nếu so sánh giữa trồng mai và một số cây trồng khác thì lợi ích kinh tế có sự khác biệt khá rõ rệt, như: trên mảnh đất vườn khoảng 1.000 m2 nếu trồng cây ăn trái mỗi năm thu về chưa được 20 triệu đồng, nhưng đối với cây mai thì con số là hơn 100 triệu đồng (tức gấp 5 lần các loại cây khác).

“Với vai trò tổ phó tổ hợp tác mai vàng tôi thường tập hợp tổ viên họp định kỳ hàng tháng, trao đổi kinh nghiệm cho nhau và luân phiên họp tại vườn mai của các thành viên trong tổ hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm thực tế. Tùy theo mùa tôi luôn có kế hoạch triển khai họp bàn về mỗi chủ đề khác nhau như: tháng giêng sẽ chọn chủ đề về cách chọn giống, cũng như chăm sóc cây đầu năm, còn tháng 5 cách tạo tán và một số bệnh thường gặp, tháng 8 tỉa tán chuẩn bị cho mầm hoa để chuẩn bị đón tết”, ông Tài chia sẻ.

Bí thư Đảng ủy xã Long Thành Nam Huỳnh Công Luận cho biết, việc tận dụng đất vườn xung quanh nhà có diện tích từ vài chục mét vuông đến vài trăm mét vuông (tức không cần phải thuê mướn), của mỗi gia đình ở xã Long Thành Nam để trồng mai vàng bước đầu đã cho thấy sự hiệu quả về kinh tế.

Cây mai nếu biết kỹ thuật thì cũng khá dễ chăm sóc, mỗi ngày chỉ cần bỏ thời gian từ một đến hai giờ là có thể chăm sóc vài trăm gốc mai là chuyện bình thường, vì đối với cây mai thì có khoảng thời gian chăm sóc khá dài, chủ yếu tập trung cho vụ Tết. Với đặc thù giáp với sông Vàm Cỏ Đông nên thổ nhưỡng tại xã Long Thành Nam rất phù hợp để trồng mai.

Ông Luận cũng cho biết, ngay từ lúc ban đầu khi thành lập tổ hợp tác, Đảng ủy xã Long Thành Nam đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, với bước đầu chỉ thành lập tổ hợp tác sau đó cử nhiều cán bộ trong đảng ủy của xã cùng tham gia làm hội viên để từng bước nâng chất hoạt động với mục đích tiến đến sẽ thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp mai vàng Bến Kéo. 

Theo đó, xã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ hợp tác phát triển như tạo điều kiện để nông dân trồng mai được tiếp cận vay nguồn vốn ưu đãi, mở lớp kỹ thuật chăm sóc mai vàng và chủ động liên hệ với huyện để có địa điểm thuận lợi bày bán mai cảnh tại chợ hoa Xuân.

Bài và ảnh: Phạm Thanh Tân (TTXVN)
Hoa Tết TP Hồ Chí  Minh sẵn sàng xuống phố
Hoa Tết TP Hồ Chí  Minh sẵn sàng xuống phố

Chỉ còn gần 2 tuần nữa là đến Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, những nhà vườn, các làng hoa, cây cảnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang tất bật chăm sóc, cắt tỉa những công đoạn cuối cùng để sẵn sàng “bung hàng” phục vụ cho mùa hoa Tết 2019. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN