Làm rõ nguyên nhân, tìm giải pháp đúng chống ùn tắc

Theo ý kiến của Tiến sĩ Ke Fang, chuyên gia giao thông ( GT) đô thị cao cấp của Ngân hàng Thế giới: “Xây dựng thêm hoặc mở rộng đường không phải là giải pháp”. Thực tế tại Hà Nội, nhiều con đường mới mở rất rộng nhưng vẫn ách tắc triền miên. Muốn tìm được giải pháp chuẩn xác cho bài toán tắc nghẽn GT tại Hà Nội, phải xuất phát từ chính những nguyên nhân gây ùn tắc GT.

Giãn dân khỏi đô thị trung tâm

PGS. TS Vũ Thị Vinh, Phó Tổng Thư kí Hiệp hội các đô thị Việt Nam đưa ra 6 nguyên nhân cơ bản gây ách tắc GT tại Hà Nội: Cơ cấu quy hoạch chưa hợp lí, hạ tầng GT yếu kém, phương tiện GT cá nhân tăng cao không kiểm soát được, thiếu cơ chế khuyến khích phát triển giao thông công cộng (GTCC), năng lực quản lí GT còn hạn chế và ý thức tham gia GT của người dân còn kém. Mỗi nguyên nhân này là nhóm các vấn đề, ràng buộc lẫn nhau nên để giải quyết lại càng phức tạp.

Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông làm nhiệm vụ phân luồng, hướng dẫn giao thông tại ngã năm Ô Chợ Dừa (ảnh chụp lúc 7 giờ sáng 1/2/2012) . Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Do cơ cấu quy hoạch chưa hợp lí nên hiện nay, Hà Nội là trung tâm của các cơ sở sản xuất, giáo dục, y tế… thu hút nhiều người tạo áp lực lớn đến mạng lưới GT. Theo PGS. TS Vũ Thị Vinh, cần phải di dời các cơ sở này ra khỏi nội thành. Khi các trường ĐH chuyển ra ngoại thành hay bố trí ở các thành phố phụ cận sẽ tạo ra hàng ngàn công việc cho người dân địa phương. Khi có công việc tốt, những người dân này sẽ không còn phải đổ xô về Hà Nội để kiếm sống, tạo thêm gánh nặng cho cơ sở hạ tầng của Hà Nội.

Giãn dân khỏi đô thị trung tâm là giải pháp tốt, tuy nhiên việc giãn dân này phải gắn kết với các đô thị gần kề. Trong quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7/2011, xung quanh đô thị trung tâm có 5 đô thị vệ tinh gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Sóc Sơn, Xuân Mai và Phú Xuyên. Việc xây dựng các đô thị vệ tinh nhằm chia sẻ với đô thị trung tâm các vấn đề về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ…

Bên cạnh đó, tại các thành phố lân cận Hà Nội như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Phủ Lý… đã có sẵn cơ sở vật chất, chỉ cần Nhà nước có chủ trương, có hỗ trợ thêm nguồn lực để tạo cho mỗi đô thị có một chức năng phù hợp. Các trung tâm này sẽ thu hút một phần lớn lao động để giảm tải cho Hà Nội. Đầu tư đồng đều cho nhiều đô thị ở các vùng dân cư sẽ tránh được sự tập trung dân số quá đông vào một số ít thành phố gây ách tắc GT, ô nhiễm môi trường.

Quy hoạch hợp lí mạng lưới GTCC

Hiện nay, xe máy chiếm ưu thế gần như tuyệt đối tại Hà Nội. Khả năng sử dụng GTCC ở Hà Nội rất kém so với xe máy và ôtô. Người dân gần như không thể sử dụng phương tiện GTCC để đi làm hằng ngày do mất thời gian đi lại quá lớn so với xe máy. Bên cạnh đó, chưa có hệ thống GTCC để gắn kết các đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm. Nên người dân vẫn phải đi vào thành phố làm việc bằng phương tiện cá nhân.

“Kết quả là đô thị sẽ tiếp tục phát triển theo dạng “vệt dầu loang” quanh khu vực đô thị trung tâm, thay vì việc phải phát triển ở đô thị vệ tinh như mong muốn”, ông Nguyễn Ngọc Quang, giảng viên khoa Thông tin địa lí và viễn thám (ĐH Twente, Hà Lan) đánh giá như vậy trong một hội thảo về GT diễn ra tại Hà Nội.
Quy hoạch phát triển GT của Hà Nội đến năm 2030 gồm nhiều tuyến đường sắt đô thị và xe buýt nhanh. Tuy nhiên, nhiều dự án nghiên cứu có tính riêng biệt, chưa xem xét về kết nối các tuyến đường sắt với nhau và với các loại phương tiện GTCC khác.

Để tránh những lãng phí tốn kém xảy ra sau này, các dự án cần rà soát lại các điểm kết nối để hình thành các điểm trung chuyển cho các phương tiện GT. Kinh nghiệm của các nước có hệ thống GTCC phát triển cho thấy, cần có một cơ quan quản lí thống nhất ngay từ khâu định hướng phát triển cho tới quản lí và khai thác hệ thống GTCC trong tương lai cũng như hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ kèm theo.

Giáo dục ý thức giao thông

Với tình hình các dự án đường sắt đô thị bị chậm trễ như hiện nay, khả năng đến 2015 cũng chưa có các tuyến đường sắt đi vào hoạt động và xe máy vẫn là phương tiện chủ đạo. Do đó việc xây dựng ý thức tham gia GT cho mọi người là vấn đề cấp thiết và phải được tiến hành kiên trì, thường xuyên.

Thực tế hiện nay, nhiều tuyến đường tại Hà Nội chưa đến mức quả tải. Nhưng do ý thức người dân kém, chỉ biết lợi ích của mình bất chấp các quy định khi tham gia GT khiến cho giao thông ách tắc. Có người đã so sánh GT ở Hà Nội như dòng nước, cứ hở chỗ nào là tràn vào chỗ đó. Do vậy, thành phố cần tạo diễn đàn rộng rãi để người dân tham gia đóng góp về các vấn đề nóng của GT hàng ngày.

Những ý kiến của người dân được các cơ quan quản lí tiếp nhận và xử lí kịp thời sẽ tạo thêm niềm tin cho người dân. “Mặc khác, chính quyền thành phố cần huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng đường làng ngõ xóm. Điều này vừa tạo thêm nguồn kinh phí từ nhân dân, quan trọng hơn là tăng thêm trách nhiệm của người dân”, PGS Vinh nói.

Bên cạnh đó, nhiều người điều khiển phương tiện xe máy cũng như ôtô không nắm chắc luật, không hiểu rõ biển báo, đèn báo nên “vô tư” vi phạm Luật Giao thông, đến khi bị cảnh sát giao thông xử phạt thì vẫn không biết mình phạm lỗi gì. Thực tế đã không ít những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vì sự thiếu ý thức cũng như không hiểu biết luật của người điều khiển phương tiện giao thông.

Điều này lại phải kể đến vấn đề giáo dục, thi sát hạch và cấp chứng nhận đối với người điều khiển xe máy và thậm chí cả ôtô hiện nay không ít nơi còn mang tính hình thức. Do đó muốn nâng cao ý thức tham gia GT cho người dân, phải bắt đầu từ khâu đào tạo người điều khiển phương tiện giao thông phải thực hiện thật nghiêm túc.

Giao thông Hà Nội tuy là bài toán khó nhưng không phải là không có lời giải. ThS – KTS Đỗ Viết Chiến – Phó cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) nói: “ Để giải bài toán giao thông Hà Nội cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ trước mắt và lâu dài. Cần sớm triển khai và phê duyệt qui hoạch chuyên ngành về hạ tầng kỹ thuật giao thông cho phù hợp với định hướng qui hoạch. Đẩy mạnh phát triển hệ thống GT công cộng dần thay thế cho phương tiện cá nhân, phát triển nhanh bến bãi đỗ xe trong khu vực nội đô (cả ngầm và nổi). Cùng với đó, xây dựng hệ thống đường tầng trên các tuyến giao thông vành đai và tuyến hướng tâm, nút giao thông khác theo qui hoạch. Đẩy nhanh xây dựng vành đai 4 để hạn chế luồng xe quá cảnh không cắt sâu vào trung tâm TP, xây dựng các tuyến trục hướng tâm và các tuyến song hành theo các hướng chính, tạo tiền đề phát truển các khu đô thị mới đồng bộ, tạo cực hút ra ngoài trung tâm... Làm được điều này cần chiến lược đúng đắn với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và sự quyết tâm của thành phố cùng sự ủng hộ của nhân dân”.

Nam Hoàng - Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN