Kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng dịp Tết Trung thu đang đến gần, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm đã thành lập các đoàn thanh tra, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Chánh thanh tra Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.


Khi nào các đoàn thanh tra của Trung ương bắt dầu “ra quân” thanh, kiểm tra nhằm đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (CL VSATTP) dịp Tết trung thu, thưa ông?

Dịp Tết Trung thu, nhu cầu sử dụng thực phẩm thường tăng cao (gồm cả số lượng và chủng loại). Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ liên quan (Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương…), thành lập 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, kiểm tra tại 18 tỉnh, thành phố (Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ).

Bắt đầu từ ngày 23/8 - 22/9, cả 6 đoàn kiểm tra ATVSTP liên ngành sẽ lần lượt tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Đoàn đầu tiên sẽ bắt đầu triển khai thanh tra, lấy mẫu tại Hà Nội từ ngày 23/8.

Sản xuất bánh nướng, bánh dẻo ở Công ty liên doanh Hải Hà KOTOBUKI. Ảnh: Hà Thái - TTXVN


Đoàn sẽ tập trung thanh, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như: Bánh, mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, sản phẩm từ thịt... Các đoàn của Trung ương và tuyến tỉnh tập trung thanh tra, kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở thương mại tập trung... Các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp huyện, xã sẽ kiểm tra các cơ sở vừa và nhỏ.

Trong quá trình kiểm tra, các đoàn sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm. Nếu phát hiện các hành vi vi phạm, sẽ lập biên bản để xử lý theo quy định của pháp luật. Tất cả các đoàn thanh tra phải gửi kết quả thanh tra về Cục ATVSTP, Bộ Y tế, trước ngày 25/9.

Công tác lấy mẫu kiểm nghiệm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cảnh báo, giúp người tiêu dùng tránh mua phải những thực phẩm kém chất lượng. Tuy nhiên, không phải labo nào tại tuyến tỉnh cũng có đủ khả năng kiểm định những mẫu nguy cơ. Làm thế nào để khắc phục được vấn đề này, thưa ông?

Trong đợt thanh, kiểm tra ATVSTP dịp Tết Trung thu này, công tác lấy mẫu để kiểm nghiệm được đặc biệt chú trọng. Các đoàn kiểm tra sẽ tăng cường lấy mẫu, gửi về labo để kiểm nghiệm. Qua đó, sớm định hướng các yếu tố nguy cơ và cảnh báo cho người tiêu dùng về những thực phẩm không đảm bảo ATVSTP.

Hiện nay, năng lực của các labo thuộc Viện nghiên cứu đầu ngành tuyến trung ương là tương đối tốt. Tuy nhiên, khả năng kiểm định mẫu tại nhiều địa phương vẫn còn hạn chế, nhiều labo tuyến tỉnh không kiểm nghiệm được hoặc chỉ kiểm tra được một số ít tiêu chí về kim loại nặng hay một số hóa chất như melamine... Nhiều mẫu nghi ngờ không đảm bảo ATVSTP thường phải gửi lên tuyến TƯ, chờ kiểm nghiệm. Như vậy, chắc chắn số lượng mẫu kiểm nghiệm sẽ bị hạn chế, thời gian lấy mẫu, gửi mẫu, trả kết quả sẽ chậm hơn và khó tránh khỏi việc hạn chế tính cảnh báo nhanh.

Bộ Y tế “nắm” rất rõ thực tế này và đã có kế hoạch để nâng cao năng lực cho hệ thống kiểm nghiệm ATVSTP: Tăng cường trang thiết bị, con người, quy trình kiểm nghiệm. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề có thể khắc phục được ngay trong ngày một, ngày hai.

Luật ATVSTP có hiệu lực từ 1/7/2011, vậy mức xử phạt các hành vi vi phạm năm nay có gì khác so với năm trước và có đủ sức răn đe không, thưa ông?

Hiện nay, việc xử lý vi phạm vẫn áp dụng chủ yếu theo Nghị định số 45/2005/NĐ- CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cùng các văn bản quy phạm pháp luật khác về xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, mức phạt tối đa đối với một hành vi vi phạm ATVSTP là 15 triệu đồng, mức phạt này quả thực chưa đủ sức răn đe đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô lớn.

Bộ Y tế đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính về ATTP. Tại dự thảo Nghị định này, khung tiền phạt đối với hầu hết các hành vi vi phạm về ATTP được nâng lên so với trước đây, mức phạt cao nhất cho một hành vi vi phạm hành chính về ATTP tại dự thảo Nghị định mới là 100 triệu đồng. Đặc biệt, với một số hành vi vi phạm hành chính về ATTP mà tính nguy hại đối với xã hội lớn, mức phạt tiền có thể lên tới hàng tỷ đồng.

Nhưng theo tôi, phạt tiền không phải là vấn đề quan trọng nhất. Bên cạnh đó cần làm tốt các biện pháp khác như tịch thu, tiêu hủy, ngăn chặn không đưa sản phẩm kém chất lượng ra thị trường, công khai các đơn vị cố tình vi phạm... Đặc biệt, việc chính người tiêu dùng tẩy chay những sản phẩm không đạt chất lượng sẽ là hình thức phạt “nặng” nhất và có giá trị răn đe bền vững nhất.

Do đó, trong dịp Tết Trung thu này, Cục ATVSTP và các địa phương sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục về ATVSTP. Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về ATTP cho các cơ sở sản xuất kinh doanh bánh trung thu. Tổ chức các buổi nói chuyện cho người tiêu dùng nhằm hướng dẫn cách lựa chọn thực phẩm đảm bảo ATVSTP trong dịp Tết Trung thu...

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN