Kiểm soát 'điểm nóng' ô nhiễm môi trường - Bài cuối: Giải quyết những thách thức

Tác động của biến đổi khí hậu đã và đang gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, tiếp tục gây ra những tác động rõ rệt đến môi trường Việt Nam.

Chú thích ảnh
Công nhân Công ty Cổ phần đường bộ 1 Thừa Thiên - Huế xây kè chống xâm thực bờ biển. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Những vấn đề môi trường "mới nổi"

Biến đổi khí hậu toàn cầu đã làm gia tăng các loại thiên tai cả về số lượng và quy mô, trong đó là các trận bão, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, hạn hán, nước biển dâng kéo theo xâm nhập mặn…

Trong những năm gần đây, những cơn bão có diễn biến, đường đi bất thường, các đợt lũ lụt gây sạt lở đất, mưa lớn kéo dài gây lũ quét ở miền núi…, thiệt hại lớn cả về người và tài sản. Vào mùa khô, nhiều nơi ở miền Nam và miền Trung bị hạn nặng do lượng mưa thiếu hụt từ 30 - 40%, lượng dòng chảy trên các sông nhỏ dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn đến sớm hơn một tháng ở các vùng cửa sông miền Trung. Đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nơi xâm nhập mặn đã vào sâu 80 - 100 km, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân vì hạn mặn, thiếu nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất.

Tình trạng triều cường gây úng ngập khu vực đô thị ở Nam Bộ ngày càng phổ biến. Điển hình tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn khi hệ thống thoát nước trong khu vực đô thị đã xuống cấp. Thêm vào đó, việc người dân thiếu ý thức xả chất thải bừa bãi vào các kênh mương, cống thoát làm tắc nghẽn dòng chảy, khiến cho việc tiêu thoát nước trong khu vực nội đô mỗi đợt triều cường càng khó khăn hơn.

Vấn đề an ninh nguồn nước tiếp tục là mối đe dọa ở nhiều khu vực, ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, mang tính chiến lược và toàn cầu hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, gia tăng các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nguồn nước. Đặc biệt, biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và khó lường.

Theo đánh giá của Hội Tài nguyên Nước quốc tế, Việt Nam đang ở nhóm quốc gia thiếu nước với lượng nước từ nguồn nội sinh chỉ đạt 3.840 m3/người/năm. Trong khi đó, khoảng 63% tổng dòng chảy sông ngòi đến từ các nước láng giềng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Các tác động bất lợi này sẽ gia tăng mức báo động cao hơn, trầm trọng hơn đối với vấn đề an ninh nguồn nước.

Tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và duyên hải miền Trung, vấn đề mưa tập trung với cường độ lớn gây nên lũ lụt làm nguồn nước bị suy thoái, hoặc các đợt khô hạn kéo dài gây thiếu nước. Thêm vào đó, vấn đề suy thoái, ô nhiễm môi trường nước tại các khu vực hạ lưu sông làm cho vấn đề càng trở nên nghiêm trọng.

Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt tại các đoạn sông, hồ, kênh, rạch trong đô thị, khu dân cư vẫn còn phổ biến; ô nhiễm không khí tại một số đô thị còn ở mức cao; ô nhiễm tại các khu/cụm công nghiệp và làng nghề đáng lo ngại; chất thải nhựa và túi nilon đáng báo động; các vấn đề môi trường xuyên biên giới ngày càng lớn, phức tạp, khó lường; đa dạng sinh học bị suy giảm… là những thách thức đặt ra đối với môi trường.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường

Để giải quyết những thách thức về môi trường trên đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Văn Tài cho rằng cần tập trung một số giải pháp về chính sách từ vi mô đến vĩ mô.

Công tác truyền thông cần đẩy mạnh để nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thông tin nhằm tạo dư luận xã hội lên án các hành vi gây ô nhiễm môi trường, làm suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, doanh nghiệp và mọi người dân.

Việt Nam phải phát triển nền kinh tế không carbon và cải thiện hiệu quả tài nguyên để chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Theo đó, những hướng ưu tiên là thúc đẩy việc chuyển đổi, tái cấu trúc các ngành kinh tế theo hướng giảm dần, tiến tới không phát triển các lĩnh vực thâm dụng tài nguyên, sử dụng công nghệ thiết bị lạc hậu, tăng đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực thân thiện với môi trường, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, carbon thấp; thúc đẩy các mô hình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ môi trường hiệu quả; phát triển mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững để vừa phát triển kinh tế bền vững vừa giải quyết tốt các vấn đề môi trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế và chăm sóc sức khỏe cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề, vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai.

Các lực lượng chức năng, các địa phương chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; có phương án xử lý tình huống xấu nhất ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân; nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và phòng, chống dịch bệnh; nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, xây dựng cống ngăn mặn, giữ ngọt.

Bộ Tài nguyên và Môi trường còn tập trung biện pháp bảo vệ, đẩy mạnh phục hồi, trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn; phát huy trách nhiệm và huy động các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tích cực tham gia phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần phát hiện, nêu gương, nhân rộng các phong trào, địa bàn, khu vực, mô hình, cách làm hay, tốt về môi trường; thúc đẩy các điểm sáng về môi trường nhằm giảm dần, thu hẹp các địa bàn, loại hình, đối tượng tác động xấu đến môi trường.

Nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, khu vực để giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu, biện pháp ưu tiên hàng đầu là việc thực thi Hiệp định ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới; các vấn đề môi trường trong các Hiệp định thương mại thế hệ mới; các Điều ước và các ưu tiên hợp tác khu vực khác như quản lý thiên tai, rác thải điện tử và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Kiểm soát 'điểm nóng' ô nhiễm môi trường - Bài 2: Nguyên nhân và giải pháp
Kiểm soát 'điểm nóng' ô nhiễm môi trường - Bài 2: Nguyên nhân và giải pháp

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Văn Tài đánh giá, việc tồn tại “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường là do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, tuy nhiên chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN