Không để người bệnh đau đớn và cô đơn

“Không để bệnh nhân ung thư nào phải sống trong đau đớn và mất đi trong nỗi cô đơn”, đó là phương châm hành động của thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Quách Thanh Khánh và các đồng nghiệp tại khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Nơi đây quy tụ những bệnh nhân ung thư nặng, có số ngày sống chỉ tính bằng tháng, bằng ngày.

 

Chú trọng việc chăm sóc tinh thần…


Theo BS Quách Thanh Khánh, Phó trưởng khoa Chăm sóc giảm nhẹ, những bệnh nhân điều trị tại khoa đều đã trải qua tất cả các bước điều trị đặc biệt dành cho bệnh nhân ung thư như hóa trị, xạ trị mà không có hy vọng gì nên chỉ còn chờ ngày ra đi. Ở giai đoạn này, quan trọng là giúp người bệnh cảm thấy thoải mái, không đau đớn về thể xác, không phải dằn vặt về tinh thần và ra đi một cách thanh thản. Vì vậy, phương pháp chăm sóc chính của các bác sĩ là thường xuyên tâm sự, lắng nghe để hiểu tâm tư nguyện vọng của người bệnh. “Ngoài việc chăm sóc sức khỏe, tôi và đồng nghiệp rất chú trọng hoạt động chăm sóc tinh thần cho người bệnh”, bác sĩ Khánh nói.


BS Quách Thanh Khánh chăm sóc bệnh nhân.


Tuy nhiên, để bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tin tưởng và chia sẻ mọi điều với y, bác sĩ không phải chuyện dễ dàng. Bởi lẽ khi ở giai đoạn cuối cuộc đời, nhiều bệnh nhân buồn bã đến mức câm lặng. Họ trở lên khó tính, hay cáu gắt, không muốn chia sẻ bất cứ chuyện gì với người xung quanh, thậm chí còn mắng mỏ nhân viên y tế. Nhưng nhờ hiểu rõ tâm lý bệnh nhân, tình nguyện đến với họ bằng trái tim nhân hậu và lòng nhiệt tình, BS Khánh và đồng nghiệp luôn tìm được những lối đi riêng dẫn đến trái tim người bệnh.


BS Khánh tâm sự: Lần đó, khi điều trị cho một bệnh nhân nam giai đoạn cuối, tôi thấy ông luôn ưu tư, buồn rầu về một chuyện gì đó. Vậy nên, tôi đã cố gắng để gần gũi, tâm sự và thuyết phục bệnh nhân, có việc gì khó nói cứ chia sẻ, tôi sẵn lòng giúp đỡ. Nghe vậy, bệnh nhân mới cho hay, ông vốn là bộ đội vào Nam tập kết nhưng hàng chục năm rồi chưa được về quê ở miền Bắc; mà lại là trưởng tộc nên nguyện vọng cuối cùng của ông là được trở về thăm quê và sửa lại từ đường của dòng họ. Tôi đã động viên ông và trao đổi lại với gia đình về việc cần giúp ông thực hiện đúng ước nguyện. Trước khi ra Bắc, tôi và đồng nghiệp đã chuẩn bị thuốc men và hướng dẫn người nhà chăm sóc bệnh nhân cẩn thận. 10 ngày sau, bệnh nhân quay trở lại BV và tâm sự với tôi rằng đã mãn nguyện và sẵn sàng đón nhận cái chết.


Với sức trẻ, sự đam mê công việc và hết lòng vì bệnh nhân, BS Khánh đã hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có hiệu quả thực tiễn cao, được ứng dụng trong điều trị, giúp bệnh nhân ung thư xoa dịu nỗi đau như “Xạ trị bảo tồn giọng nói cho bệnh nhân ung thư thanh quản giai đoạn sớm”, “Sử dụng Morphine pha loãng để dễ dàng định liều lượng giúp điều trị đau trong ung thư”, “Xạ trị giảm đau các di căn xương trong ung thư vòm hầu”…


Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, được hỗ trợ của Ban Giám đốc BV, BS Khánh và các đồng nghiệp trẻ đã tổ chức thử nghiệm thành công mô hình chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại nhà ở khu vực nội thành TP Hồ Chí Minh. Chương trình này được đánh giá là rất hiệu quả trong việc giảm thời gian nằm viện và chi phí điều trị cho bệnh nhân; qua đó đã góp phần giảm tải đáng kể cho BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh.


…và mang yêu thương đến với bệnh nhi


Không chỉ là một BS đạt nhiều thành công trong lĩnh vực điều trị cho bệnh nhân ung thư, BS Quách Thanh Khánh còn rất tích cực tham gia công tác khám chữa bệnh từ thiện tại cộng đồng và tổ chức được nhiều chương trình vui chơi cho bệnh nhi.


BS Khánh “bật mí”: “Sau những chuyến đi tình nguyện khám chữa bệnh, giúp đỡ bà con vùng sâu, vùng xa, tôi chợt nghĩ tại sao lại không giúp đỡ những bệnh nhân, nhất là bệnh nhi tại chính BV nơi mình đang công tác? Chính vì vậy, tôi đã cùng đồng nghiệp tổ chức nhiều chương trình vui chơi cho các bệnh nhi như: Nhà hát bệnh viện, Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu, Xuân yêu thương... hay đưa các bệnh nhi đi thăm quan Đầm Sen...”.


Trao đổi với chúng tôi, BS Khánh cho biết anh rất trăn trở về việc làm thế nào nâng cao tỷ lệ người bệnh ung thư được tầm soát, phát hiện bệnh sớm. Vậy nên, nhiều năm qua, BS Khánh luôn tham gia những chuyến đi khám từ thiện cho bà con ở vùng sâu, vùng xa. Trường hợp phát hiện có ca bị ung thư, với vai trò Bí thư Đoàn cơ sở, BS Khánh đã kiến nghị Ban Giám đốc BV điều trị miễn phí cho bệnh nhân.


BS Khánh cũng tâm sự rằng, càng đi nhiều, anh thấy mình hạnh phúc hơn rất nhiều người và thấy mình phải có trọng trách nhiều hơn với cộng đồng. Và điều mà anh mong muốn nhất đó là y tế các tuyến nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác chăm sóc giảm nhẹ để từ đó chú trọng phát triển, nâng cao trình độ chuyên môn trong việc chăm sóc cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.


Thùy Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN