Khơi thông những điểm nghẽn trong hoạt động KH&CN

Nghị quyết TW2 khóa 8 là một văn kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy và định hướng phát triển cho hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN). Tuy nhiên, sau 16 năm triển khai, nhiều ý kiến của các nhà quản lý và giới khoa học cho rằng, cần phải có sự thay đổi, bổ sung các tiêu chí hay cần một nghị quyết mới để phù hợp với hoạt động KH&CN trong thực tiễn và sản xuất.

 

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Linh (ảnh) - Phó Ban Tuyên giáo Trung ương về vấn đề này.

 

´Ông đánh giá như thế nào về tác động của việc thực hiện Nghị quyết TW2 khóa 8 tới hoạt động KH&CN?


Có thể nói, kể từ sau khi triển khai Nghị quyết TW2, hoạt động KH&CN đã có những thành tựu đáng kể trên nhiều lĩnh vực, đưa nước ta từ một nước nghèo trở thành một nước phát triển trung bình trên thế giới. KH&CN ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều thành tựu nghiên cứu được đưa vào cuộc sống đem đến một diện mạo mới cho đời sống xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tiềm lực khoa học và vị thế của Việt Nam cũng không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Bên cạnh những thành tựu thì hoạt động KH&CN vẫn còn tồn tại một số hạn chế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 52% là bằng vốn vay, giá trị đóng góp tổng hợp là 28% và 14% là do lao động.... điều này cho thấy đóng góp của KH&CN để tạo ra năng suất cao, sức cạnh tranh còn rất hạn chế. Hiện, trên bản đồ khoa học thế giới, vị trí của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn. Trong đó, những ứng dụng về KH&CN và khả năng đưa những tiến bộ KH&CN vào cuộc sống còn nhiều bất cập… Đội ngũ cán bộ khoa học vẫn thụ động và thiếu tính liên kết.


 

Sinh viên khoa Hóa của Đại học Khoa học tự nhiên làm thí nghiệm tổng hợp hữu cơ. Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN

 

Trong những năm qua, chúng ta đã đầu tư khá nhiều phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất cho KH&CN nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao. Một trong những hạn chế rõ nhất chính là việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp KH&CN còn ở mức thấp và chưa thực sự mang lại hiệu quả. Các trường, viện lẽ ra là nơi có nhiều cống hiến cho các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, cách triển khai và ứng dụng nhưng thực tế, đóng góp trên vẫn chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách vẫn còn nhiều rào cản, chưa thực sự khuyến khích các nhà khoa học sống và cống hiến bằng sức lao động của mình. Có thể nói đây là những “điểm nghẽn” của KH&CN. Từ những vấn đề rất cơ bản như vậy, chúng ta thấy rằng cần phải đổi mới mạnh mẽ các cơ chế, chính sách, tháo gỡ những khó khăn tồn tại để KH&CN đáp ứng được các yêu cầu về hội nhập quốc tế và quá trình CNH, HĐH ở nước ta trong thời gian tới.


Sau hơn 16 năm thực hiện Nghị quyết TW2 khóa 8 đến nay, nhiều phương diện vẫn còn nguyên giá trị nhưng cũng tồn tại nhiều bất cập, hạn chế bởi hoạt động KH&CN phải luôn thay đổi để phù hợp với thực tiễn sản xuất. Bất cập lớn nhất là việc xem nhẹ tầm quan trọng cũng như vị trí của KH&CN trong sự phát triển chung của xã hội của các cấp, ngành, cấp ủy Đảng ở các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp. Thêm vào đó, nhiều văn bản chính sách của Chính phủ, các ban ngành được ban hành, song thực tế hoạt động KH&CN vẫn vướng phải những điểm “nghẽn”, chưa thực sự khơi thông, như: cơ chế chính sách về đầu tư, giao nhiệm vụ KH&CN, cơ chế chính sách quản lí trong hoạt động KH&CN… Vì vậy, cần phải khơi thông những điểm nghẽn để KH&CN góp phần đưa đất nước phát triển, hội nhập sâu rộng với thế giới.


´Thưa ông, vừa rồi đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo và Bộ KH&CN có đi khảo sát nhiều viện, trường, các cơ quan nhà nước về tình hình nghiên cứu khoa học. Hầu hết những đơn vị được khảo sát đều cho rằng, hiện nay cơ chế chính sách cho hoạt động khoa học, đặc biệt là cơ chế đãi ngộ lực lượng này còn nhiều hạn chế. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?


Còn nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay còn nhiều rào cản, điểm nghẽn cho sự phát triển hoạt động nghiên cứu trong nước. Tôi nói ví dụ như hiện nay, chưa có nhiều chính sách đãi ngộ khuyến khích các nhà khoa học. Trong thời gian qua cơ chế chính sách, tài chính cho hoạt động KH&CN đã có nhiều sự thay đổi nhưng tôi cho rằng trên thực tế chưa thực sự tạo bước đột phá. Hiện tiêu chí để đánh giá sự gắn kết giữa hoạt động đầu tư và cơ chế tài chính với sản phẩm cuối cùng của đề tài nghiên cứu chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Thực tế này dẫn đến nhiều định mức cho hoạt động KH&CN còn chưa phù hợp, thủ tục còn rườm rà. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là chưa có chính sách phù hợp cho KH&CN, là do nguồn nhân lực cho hoạt động này chưa nhiều nhưng còn lãng phí. Hiệu quả sử dụng nguồn tài chính cũng chưa cao. Nhà khoa học chưa sống được bản thân bằng khoa học nên họ chưa thực sự coi nghiên cứu khoa học là một nghề có thể nuôi sống họ và dồn tâm sức cho công việc này.


´Để KH&CN là “quốc sách hàng đầu” không mang tính hình thức, các cấp ủy Đảng từ TW tới địa phương cần có những “hành động” gì trong thời gian tới để khẳng định tầm quan trọng của KH&CN trong sự phát triển, thưa ông?


Theo tôi, để KH&CN thực sự trở thành động lực, là quốc sách hàng đầu thì cần tập trung vào một số vấn đề như: Trước hết, cần phải nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò của KH&CN đối với sự phát triển đất nước, ngay trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, thậm chí là từng năm thì các địa phương, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần phải đưa việc gắn kết phát triển KH&CN, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào kế hoạch hoạt động của mình. Có như vậy hoạt động KH&CN mới thực sự phát huy được hết khả năng, có những đóng góp ý nghĩa vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp theo là cần đặt trọng tâm hơn nữa vào những hướng nghiên cứu có ưu tiên, có trọng tâm như sản phẩm quốc gia, các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm để có những mũi nhọn tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.


Đồng thời, cần phải mạnh mẽ hơn nữa trong việc đổi mới cơ chế, đặc biệt là cơ chế tài chính. Cần có cơ chế về quản lý khoa học, tháo gỡ một số khó khăn hiện nay mà các đơn vị nghiên cứu đang gặp phải tạo điều kiện cho những đơn vị này hoàn thành tốt những nhiệm vụ KH&CN. Bên cạnh đó, cần phải có những quan tâm về chất hơn nữa đối với những cán bộ làm khoa học. Thay đổi cơ chế chính sách đãi ngộ, khuyến khích các nhà khoa học để họ yên tâm với nghề, dồn tâm huyết vào nghiên cứu khoa học, phát huy hết khả năng của mình cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Tôi tin rằng nếu tất cả cùng tập trung quan tâm đúng mức cùng với “sự hậu thuẫn vững chắc” của cơ chế tài chính thì hoạt động KH&CN sẽ ngày càng có nhiều đóng góp giá trị hơn nữa cho sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam.


Hoàn Hiệp

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN