Hơn 1.110 người nghiện lang thang tại TPHCM được đi cai

Đó là thông tin được đưa ra trong cuộc họp sơ kết 2 tuần thực hiện đề án quản lý người nghiện lang thang trên địa bàn TP Hồ Chí Minh do Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh (UBND TP) tổ chức vào chiều ngày 18/12.


Kéo giảm các loại tội phạm


Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở Lao động và Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết: TP có khoảng 19.000 người nghiện ma túy, trong đó có 50-70% là người không nơi cư trú. Tuy nhiên, sau 13 ngày (5-17/12) ra quân thu gom người nghiện lang thang, không nơi cư trú toàn Thành phố đã phát hiện 3.783 người có biểu hiện nghi vấn ma túy thì có hơn 1.110 người được đưa vào 2 cơ sở xã hội để thực hiện quy trình cắt cơn, giải độc. Thành phố đã chuyển chuyển 74 hồ sơ sang Tòa án nhân dân để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.


Sau 2 tuần đưa người nghiện vào các cơ sở xã hội thực hiện các quy trình cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý đến nay các tệ nạn xã hội phức tạp liên quan đến ma tuy đã được kéo giảm.


Theo ông Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công an TP Hồ Chí Minh, từ khi thực hiện đề án trên đến nay, tình hình phạm pháp hình sự, tình trạng bán lẻ ma túy có phần thuyên giảm. Qua sàng lọc các đối tượng ma túy sau 2 tuần ra quân, Sở đã lập danh sách 1.220 đối tượng, trong đó phát hiện 2 đối tượng truy nã, 404 đối tượng có tiền án tiền sự, 120 trường hợp tái nghiện tại TP… Ngoài ra, người dân cũng cảm thấy yên tâm hơn vì không bị người nghiện quấy rối, đe dọa trộm cướp.


Tuy nhiên, tại các cơ sở xã hội có một số đối tượng nghiện ma túy có nguy cơ hành hung cán bộ, gây mất trật tự an ninh. Vì vậy, sắp tới cán bộ công an, cán bộ các cơ sở xã hội kiến nghị TP tập trung xác minh hoàn chỉnh hồ sơ, đưa ra tòa án, nhằm giảm quá tải tại các trung tâm.


“Khó khăn, vướng mắc khi thực hiện đề án của TP hiện nay nằm trong việc xác định tình trạng nghiện do chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế. Đồng thời, việc lập bệnh án đối với người nghiện ma túy còn mới mẻ, đặc biệt việc xác minh nơi cư trú của người còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, do tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp chiếm gần 50% tổng số người đưa vào cơ sở xã hội cho nên việc xử lý ban đầu còn vướng mắc… Vì vậy, đến nay ngành tòa án vẫn chưa ”- Ông Dũng cho biết thêm.


Lập thêm điểm tiếp nhận


Để giải quyết những khó khăn trên, ông Dũng cho biết: Hiện thành phố cũng đã có kiến nghị lên ngành Y tế để trong thời gian sớm nhất sẽ có những hướng dẫn cụ thể để TP xác định tình trạng nghiện được nhanh. Đồng thời, tăng cường lực lượng cán bộ tại các quận, huyện, phường xã để đẩy nhanh tiến độ các thủ tục ban đầu khi các đối tượng nghiện được đưa về. Ngành công an TP liên hệ tích cực với các địa phương nhằm đẩy nhanh việc xác định nơi cư trú của người nghiện tại địa phương… từ đó, giúp TP hoàn thiện các quy trình đúng thời hạn 10-15 đưa người nghiện ra tòa án xem xét, xử lý đưa đi cai nghiện tập trung.”

Người nghiện lang thang không nơi cư trú sẽ điều trị cắt cơn, giải độc tại các cơ sở xã hội của TP.


Theo UBND TP Hồ Chí Minh, công tác quản lý, xử lý cai nghiện tại TP đang thực hiện đều dựa trên tinh thần nhân văn nhân đạo, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho những người nghiện. TP cũng đã không ngừng tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực để đáp ứng việc tiếp nhận người nghiện vào cơ sở xã hội, đảm bảo cho công tác tiếp nhận theo đúng quy trình. Sắp tới, ngoài 2 cơ sở xã hội đang tiếp nhận điều trị ban đầu cho người nghiện TP sẽ đưa vào sử dụng cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2 tại huyện Củ Chi để tiếp nhận thêm người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào điều trị, cắt cơn giải độc nhằm “chia lửa” cho 2 cơ sở Bình triệu, Nhị Xuân.


Bài, ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN