"Kỹ năng làm cha mẹ" 2010:

Hãy biết lắng nghe và trò chuyện

Có rất nhiều tình huống thú vị được các chuyên gia tâm lý đưa ra, khiến hội trường ồ lên tiếng cười. Nhưng cũng có những câu chuyện của chính những khán giả chương trình run run kể lại, khiến nước mắt rơi dài trên má người kể lẫn người nghe... Nhiều tâm trạng, nhiều nỗi niềm của những bậc làm cha, làm mẹ đã được bộc bạch trong chương trình "Kỹ năng làm cha mẹ 2010" với chủ đề "Đồng hành cùng con trong cuộc sống" do báo Doanh nhân Sài Gòn và Dai-ichi Việt Nam phối hợp tổ chức, vừa diễn ra tại Hà Nội.



6 vị phụ huynh được mời lên sân khấu cho một trò trắc nghiệm "Nhịp bước đồng hành", gồm 2 ông bố và 4 bà mẹ. Câu hỏi mà Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý học - ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra là: "Tuổi trái tim biết "động đậy" là lứa tuổi THPT, đúng hay sai?". Và đã có 3/6 người chơi sai trong câu hỏi này, vì vẫn "tin" rằng con cái mình tới cấp III mới bắt đầu biết rung động, trong đó cả 2 ông bố đều trả lời sai. 3 bà mẹ còn lại đã đúng khi cho rằng giờ đây trẻ đã biết yêu sớm hơn thế. Còn theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, lứa tuổi biết yêu của trẻ là lớp 6-7... Với những câu hỏi tiếp theo thì những người tham gia chơi cũng không phải 100% trả lời chính xác.


Chỉ qua một trò chơi như vậy, cũng có thể thấy, những bậc làm cha, làm mẹ không hoàn toàn hiểu hết con mình, nếu không muốn nói là hiểu sai những biểu hiện tâm lý, tính cách, tình cảm của con. Và, cũng không nhiều người biết đặt mình vào vị thế của con để có thể "đồng hành" cùng con trong cuộc sống. "Em không thể tưởng tượng nổi rằng con em giờ lại hư như thế. Em dạy dỗ cháu mà cháu dám nói rằng: "Mẹ để cho con trình bày ý kiến của mình". Làm gì có chuyện đó, em là mẹ cơ mà"- một bà mẹ đã đến tâm sự đầy bức xúc với chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai như vậy. "Tất nhiên, đây là một quan điểm hoàn toàn sai của cha mẹ. Làm sao có thể đồng hành cùng con khi mà chúng ta luôn luôn cho là mình đúng và không ghi nhận những ý kiến của con, thiếu công bằng với con và đặc biệt là không chấp nhận thực tế là con của chúng ta đã lớn. Đây chính là một trong những sai lầm lớn khiến chúng ta không thể đồng hành cùng trẻ trong hành trình của cuộc sống” - chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai nhấn mạnh.


Theo chuyên gia Lý Thị Mai, đồng hành cùng con "đúng cách" trước hết là hãy biết lắng nghe con, hãy biết ở bên con bất cứ lúc nào. "Tôi còn nhớ thời kỳ tôi làm tổng đài tư vấn 1088, phải tư vấn liên tục. Lúc đó, con gái tôi học lớp 7, cháu rất ít gặp mẹ, nếu muốn nói chuyện gì với mẹ thì chỉ có 1 cách là viết lên giấy và... giơ qua cửa kính. Một lần, con gái tôi ngỏ ý là muốn tâm sự với mẹ 30 phút, tôi đồng ý và bảo con chờ. Cháu đã chờ tôi cho tới khi lăn ra ngủ mà tôi vẫn chưa thể dứt công việc ra được. Sau lần đó, tôi thấy ân hận và tự giật mình, tôi đã quyết định là sẽ bỏ bớt ca trực, dành thời gian cho con, và không bao giờ để con rơi vào tình trạng phải chờ để được nói chuyện với mình nữa”.

*

*           *

"Có một thực tế hiện nay, các gia đình ở Việt Nam hầu hết chỉ có 1 bữa ăn trong ngày cùng nhau, đó là bữa tối. Những gia đình có thể ăn 2 bữa cùng nhau trong ngày thật sự hiếm hoi. Và vì vậy, thời gian dành cho nhau càng hiếm hoi hơn, đặc biệt thời gian dành cho con là không có"- chuyên gia Lý Thị Mai cho biết.


Trong khi đó, nguyên lý để đồng hành cùng con là: Hãy có cùng sở thích, hứng thú với con; hãy có cùng suy nghĩ và quan điểm với con ở trong một chừng mực nào đó, hãy có cùng định hướng hoặc ít nhất là có cùng 1 niềm đam mê với con; hãy biết chấp nhận và hết lòng với con; hãy biết quan tâm và thể hiện sự chăm sóc con một cách công bằng... Và để làm được tất cả những điều đó, hãy có một khoảng thời gian nhất định dành cho con trong ngày, dù bận rộn tới đâu!


Câu chuyện mà TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn kể thật đáng suy ngẫm. Trong ngày sinh nhật thứ 13 của mình, cậu con trai mới lớn được mẹ tặng cho 1 tá "quần nhỏ". Sau khoảng nửa tháng, thấy cậu lại rụt rè hỏi mẹ mua cho "quần nhỏ". Bà mẹ rất vô tư và hồn nhiên bảo: "Mẹ mới tặng cho con 1 tá mà. Vừa dùng vừa ăn hay sao mà lại đã hết?". Cậu con trai lặng lẽ bỏ bữa cơm lên phòng nằm... Sau đó, người mẹ lên phòng con, gặng hỏi, mới biết, trong số 1 tá quần đó, có những chiếc cậu con đã phải... giấu nhẹm vào thùng rác hàng ngày vì những lý do của "tuổi mới lớn". Lúc đó, chị mới ân hận với câu nói vô tâm của mình, và ân hận hơn vì đã không thể "đồng hành" chia sẻ cùng con trong những lúng túng buổi ban đầu ấy.


"Rất nhiều câu chuyện của những chuyên gia tâm lý mà chúng tôi được nghe khiến chúng tôi buồn và đau lòng. Chúng tôi càng đau lòng hơn khi số lượng trẻ em gọi tới tổng đài xin tư vấn ngày một nhiều, mà lý do cũng vì không thể nói chuyện với cha mẹ, không thể vượt qua được bức tường chắn mà vô hình trung những bậc làm cha mẹ đã dựng lên giữa mình với con. Tôi chỉ muốn nói rằng, hỡi những bậc cha mẹ, hãy làm bạn với con, hãy xỏ chân vào đôi giày của con để có thể cùng con sánh bước" - TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN