Giao thông trên cầu, đường mới tại Hà Nội: Hệ lụy từ sự "khập khiễng"

Tổ chức giao thông đồng bộ là biện pháp chủ yếu giúp người tham gia giao thông thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), góp phần ngăn chặn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), bảo vệ các tuyến đường.

Ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi hay xảy ra tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông. Ảnh: CTV

Thế nhưng trong thực tế, các ngành chức năng còn xem nhẹ vấn đề này, vẫn để tồn tại tình trạng thiếu biển báo hiệu hoặc lắp đặt hệ thống tín hiệu, cảnh báo chưa phù hợp với tuyến đường. Sự "khập khiễng" này tiềm ẩn nhiều hệ lụy cần sớm có giải pháp giải quyết triệt để, nhất là đối với những tuyến cầu, đường mới đưa vào sử dụng.

Quá nhiều bất cập

Theo phản ánh của người đi đường, trên nhiều tuyến, cầu đường mới hoàn thành đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây, bất cập lớn nhất khiến người tham gia giao thông "không biết đâu mà lần", thậm chí chỉ khi bị lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) "tuýt còi" hoặc xảy ra va chạm giao thông mới biết bị vi phạm, đó là: Cầu không cấm giờ, đường lại cấm giờ; đường nội đô lại không quy định đường đô thị đặc biệt, thiếu biển quy định cấm đối với một số loại xe, thiếu điểm dừng đỗ...

Cầu cạn Pháp Vân (đoạn Linh Đàm, quận Hoàng Mai) mới đưa vào sử dụng gần 1 năm nay. Thế nhưng, từ 6-9 giờ sáng, 15-21 giờ chiều, tối hàng ngày, hàng loạt xe tải có trọng tải 0,5 tấn trở lên xếp hàng, nối đuôi nhau kéo dài, dừng, đỗ trên cầu cạn Pháp Vân và đường Nghiêm Xuân Yêm. Nghịch lý ở chỗ, trong khi cầu cạn Pháp Vân hiện không quy định thời gian phương tiện lưu thông, nhưng đường Nghiêm Xuân Yêm lại cắm biển “Cấm xe tải có trọng lượng từ 0,5 tấn trở lên hoạt động trong thời gian 6-9 giờ; 15-21 giờ”. Thực tế này khiến nhiều phương tiện vô tư lưu thông trên cầu, đến đường Nghiêm Xuân Yêm vào giờ cấm thì buộc phải dừng đỗ ven đường, kéo thành hàng dài gây ùn tắc giao thông (UTGT). Và lực lượng CSGT thường xuyên phải bố trí chốt trực tại điểm xuống của cầu cạn Pháp Vân nối với đường Nghiêm Xuân Yêm để phân luồng, tổ chức giao thông từ xa.

Đường Lê Văn Lương kéo dài, qua địa bàn các quận Thanh Xuân, Hà Đông và huyện Từ Liêm, sau khi đưa vào sử dụng, đến nay vẫn chưa có biển quy định phạm vi đường đô thị đặc biệt, dẫn tới việc không xác định được mức xử phạt trên tuyến. Cụ thể, trên địa bàn quận Hà Đông và quận Thanh Xuân, nếu áp dụng mức xử phạt theo đô thị đặc biệt, sẽ bị người dân phản ứng, vì đoạn qua địa bàn huyện Từ Liêm, hiện vẫn áp dụng mức xử phạt thông thường. Trong khi đó, nếu áp dụng toàn tuyến theo mức xử phạt thông thường là bất hợp lý, vì “chiểu” theo các quy định của thành phố, các tuyến đường trong khu vực các quận áp dụng xử lý các vi phạm TTATGT theo đô thị đặc biệt.

Thêm vào đó, đường mới mở tới đâu, các công trình đô thị hai bên đường lập tức mọc theo tới đó. Và chính sự lơi lỏng trong quản lý, giám sát quá trình đô thị hóa đã tàn phá, làm hư hỏng những con đường vừa hoàn thành, trị giá hàng ngàn tỷ đồng của Thủ đô. Đoạn đường Lê Văn Lương kéo dài từ đường 70 đến ngã tư Khuất Duy Tiến hiện nay, nhiều đoạn vỉa hè, lòng đường bị băm nát, đọng nước. Dọc tuyến có khoảng 8 tòa nhà lớn đang xây dựng, nhiều vị trí nằm kề với vỉa hè, nhưng không có đường dẫn, biển báo vào công trường, trong khi phương tiện thi công, chở vật liệu nườm nượp ra vào. Còn đoạn đường Lê Văn Lương kéo dài từ đường 70 đến phường Đồng Mai (quận Hà Đông), có 5 khu đô thị mới đang triển khai, với khoảng 15 tòa nhà chung cư, xe tải hoạt động ngày đêm, khiến vỉa hè, lòng đường biến dạng, mặt đường bị đọng nước, nham nhở, cộng với hàng chục hố ga bị mất nắp há miệng trên tuyến, mà không hề có một biển báo cấm.

Chưa hết, việc bố trí không đồng bộ hệ thống biển báo, cảnh báo không chỉ là nguyên nhân tiềm ẩn gây TNGT, UTGT cho phương tiện và người đi đường, mà còn trở thành "khe hở" để cho xe quá tải ngày đêm "băm nát" các tuyến đường. Mới đưa vào sử dụng hơn một năm nay, nhưng tuyến đường đê Bát Tràng (Gia Lâm) hiện đã bị xuống cấp nghiêm trọng, do mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải lớn nhỏ chở vật liệu xây dựng, đất phế thải rầm rập qua lại… Chính sự không đồng bộ của các biển báo cấm trên tuyến đường đang trở thành "thủ phạm".

Việc triển khai dự án nâng cấp tuyến đường đê dài khoảng 10 km từ chân cầu Chương Dương đến điểm cuối khu đô thị sinh thái Ecopark, qua các xã Cự Khối, Đông Dự, Đa Tốn, Bát Tràng của huyện Gia Lâm đang gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT... khiến người dân nơi đây ngày đêm phải gánh chịu. Trên tuyến đường đê này có ít nhất 3 điểm bị ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT, là đoạn trước Công ty Thép Việt Đức, ở tổ 16 (phường Long Biên); khu Công viên giải trí sinh thái phường Cự Khối và đoạn quanh Xí nghiệp Cảng, Binh đoàn 11 (Bộ Quốc phòng). Tại những điểm này, đất phế thải từ hàng chục xe tải trọng lượng 2,5-10 tấn ngày đêm tập kết, vận chuyển, "giày xéo" tuyến đường, làm rơi vãi đất cát trên mặt đường, có đoạn còn chất thành từng đống và chỉ cần một cơn mưa nhỏ cũng khiến những ụ đất bong tróc, tuồn xuống mặt đường, gây trơn trượt… Đáng nói là tại 2 đường dẫn lên cầu Thanh Trì và Vĩnh Tuy, ngành giao thông vận tải đã cắm biển cấm xe tải có tải trọng 1,25 tấn không được hoạt động từ 6-8 giờ 30 và từ 16 giờ 30-20 giờ; cấm xe tải có tải trọng trên 1,25-2,5 tấn hoạt động từ 16-20 giờ; cấm xe tải có tải trọng từ 2,5-10 tấn hoạt động từ 6-21 giờ. Nhưng những biển cấm này dường như không có tác dụng, vì các xe nằm trong danh mục cấm vẫn hoạt động ngang nhiên. Đặc biệt, tại những khu vực này, nhiều vụ va quệt, TNGT, nhất là vào ban đêm đã xảy ra.

Cần một cuộc “cách mạng” về biển báo giao thông

Thực tế trên cho thấy, để "đẩy lùi" TNGT, hạn chế ùn tắc đến mức thấp nhất, cần phải đổi mới công tác tổ chức giao thông. Tổ chức giao thông đường bộ bao gồm việc phân tuyến, phân làn xe, lắp đặt hệ thống báo hiệu, tín hiệu, cảnh báo cho người đi đường... Mặc dù thời gian qua, thành phố Hà Nội đã duy trì các biện pháp tổ chức giao thông phù hợp, đem lại hiệu quả rõ rệt, song, quy trình tổ chức giao thông của các cơ quan chuyên ngành bộc lộ một số bất cập giữa hạ tầng với quy hoạch và thực tế sử dụng. Do đó, đã đến lúc phải kiện toàn lại công tác tổ chức giao thông một cách bài bản, hoàn chỉnh, liên thông, nhất là tránh tình trạng làm cầu xong mới có đường hoặc cầu đường xong mới lắp hệ thống cảnh báo, tín hiệu...

Sở GTVT Hà Nội cũng đã có kế hoạch từ nay đến cuối năm tổ chức duy tu, sửa chữa và lắp mới hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao thông quan trọng. Cụ thể, tại nút Ba La (quốc lộ 6), Lê Trọng Tấn -Quang Trung (Hà Đông), Bưu điện Hà Đông, Cầu Trắng (Hà Đông), Lạc Long Quân - Âu Cơ, Lạc Long Quân - An Dương, Nguyễn Khánh Toàn - Xuân Thủy; bổ sung cụm đèn tín hiệu giao thông khu vực nút giao Mễ Trì - Phạm Hùng; lắp đèn tín hiệu giao thông cho người đi bộ trên đường Xuân Thủy (đoạn giao Phan Văn Trường và cổng Trường Đại học Quốc gia); đồng thời tiếp tục rà soát các điểm, nút giao thông có nguy cơ ùn tắc, xác định nguyên nhân và có giải pháp tổ chức giao thông phù hợp trên các tuyến cầu, đường mới đưa vào sử dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN