Để khai thác hiệu quả đường Hồ Chí Minh

Khai thác hiệu quả đường Hồ Chí Minh đã được Bộ GTVT cùng nhiều ngành hữu quan khác nhau đặt ra trong nhiều năm qua khi hầu hết các đoạn tuyến nối thông Bắc - Nam đã cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác. Vấn đề này tiếp tục được dư luận đặc biệt quan tâm khi hiện nay lưu lượng xe chạy trên quốc lộ 1A quá tải gấp 3 lần công suất thiết, cộng với nhu cầu cần phải cải tạo nâng cấp quốc lộ 1A.


Thực tế đó đòi hỏi một giải pháp toàn diện là làm thế nào để đường Hồ Chí Minh phát huy hiệu quả, không chỉ thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn bộ vành đai phía tây nơi tuyến đường đi qua phát triển, mà còn góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng đất nước.


Thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức khai thác hiệu quả đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 nhằm mục đích tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đất phía tây của con đường, đồng thời “chia lửa” với QL1A.


Giảm tải cho quốc lộ 1, giúp vùng phía tây phát triển


Đường Hồ Chí Minh được xây dựng nhằm tạo sự liên thông khu vực phía tây Tổ quốc và kết nối chặt chẽ cả ba miền Bắc – Trung - Nam; hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng để khai thác và phát triển một vùng đất đai rộng lớn, giàu tiềm năng phía tây đất nước.


Đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Nghệ An.
Ảnh: Huy Hùng – TTXVN


Đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 3.183 km, trong đó, tuyến chính dài khoảng 2.499 km, tuyến phía tây dài khoảng 684 km. Đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), đi qua 28 tỉnh, thành phố.


Phân kỳ đầu tư thực hiện đường Hồ Chí Minh được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ năm 2000 – 2007) đã được đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn đường, từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kom Tum) và đưa vào khai thác sử dụng toàn bộ vào năm 2008; Giai đoạn 2 ( từ năm 2007 – 2015) đầu tư nối thông toàn tuyến Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe, trong đó, một số cầu lớn dự kiến hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020; giai đoạn 3 tập trung đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt.


Để phát huy hiệu quả đường Hồ Chí Minh, Thủ tưởng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành liên quan triển khai một số quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế vùng, hệ thống cửa hàng xăng dầu, hệ thống đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh, quy hoạch các trạm dừng nghỉ… đến nay, các quy hoạch này đã và đang được triển khai.


Theo đánh giá của các chuyên gia, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, khoảng 1.350 km, hiệu quả khai thác của đường Hồ Chí Minh từng bước được nâng lên, bước đầu đã hỗ trợ một phần cho quốc lộ 1, đặc biệt là đoạn Hà Nội – Thanh Hóa – Nghệ An và đoạn Hòa Cầm – Thạch Mỹ - Ngọc Hồi – Tân Cảnh đi lên khu vực Tây Nguyên.


Thống kê, trên toàn tuyến, hệ thống mạng lưới viễn thông di động đã cơ bản đáp ứng gần 100% nhu cầu thông tin liên lạc; đoạn từ Hà Nội đến Nghệ An đã có 34 cơ sở dịch vụ sửa chữa dạng trung tu thiết bị máy móc; khoảng 34 trạm cung cấp xăng dầu, 15 điểm kinh doanh đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu dừng nghỉ của chủ phương tiện và hành khách…


Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng đường Hồ Chí Minh đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với hàng chục triệu đồng bào các dân tộc, đặc biệt đồng bào các dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây; tạo điều kiện phát triển kinh tế phía tây đất nước; rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi, miền núi với đồng bằng, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo…


Qua khảo sát trực tiếp, lưu lượng phương tiện đông nhất trên tuyến chính là đoạn từ nút giao đại lộ Thăng Long đến ngã ba Xuân Mai (trên 7.300 phương tiện/ngày đêm). Xe vận tải khách trên tuyến chỉ có một số doanh nghiệp đang khai thác tuyến Hà Nội - Thanh Hóa, Hà Nội - Vinh và cũng chỉ tập trung vào những ngày cuối tuần.


Lưu lượng xe vận tải khách tuyến này dao động từ 400 đến 7.300 đơn vị phương tiện/ngày đêm (mỗi đơn vị phương tiện tương đương một xe 4 chỗ ngồi), bình quân toàn tuyến gần 4.000 phương tiện/ngày đêm. Với vận tải hàng hóa, con số này còn khiêm tốn hơn nhiều, xe tải lưu thông trên tuyến đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… phần lớn là loại nhỏ (tải trọng dưới 25 tấn) chủ yếu phục vụ nội vùng, nội tỉnh. Trong số đó, chỉ có khoảng 10% xe tải trên tuyến đi theo chiều Bắc - Nam và ngược lại.


Báo cáo của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải mới đây cho thấy, thực trạng khai thác nghèo nàn và còn mang nặng tính tự phát trên toàn tuyến đường Hồ Chí Minh như trên rất cần phải khắc phục. Nếu so sánh với quốc lộ 1A, con đường đang phải gánh từ 25.000 đến 40.000 phương tiện/ngày đêm (gấp 3 lần công suất thiết kế, gấp 10 lần phương tiện trên đường Hồ Chí Minh), để lại nhiều hệ quả xấu cho xã hội như gia tăng ùn tắc và tai nạn giao thông, hao tốn nhiều thời gian và nhiên liệu trên đường, làm hư hại hạ tầng, ô nhiễm môi trường… mới thấy nhu cầu bức thiết tổ chức khai thác hiệu quả đường Hồ Chí Minh đến mức nào!


Sau khi phân luồng, lượng xe lưu thông tăng nhanh


Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã khẩn trương tổ chức phân luồng, tập trung khai thác đường Hồ Chí Minh đoạn từ Hà Nội – Vinh. Theo đó, đối tượng phân luồng bắt buộc đối với các xe vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định đi từ các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc và Hà Nội đến khu vực từ thành phố Vinh trở vào phía Nam và ngược lại.


Việc phân luồng phương tiện vận tải có liên quan đến 33 Sở GTVT, điều chỉnh phân luồng khoảng 200 tuyến vận tải từ 300km trở lên (áp dụng đối với 180 doanh nghiệp, hợp tác xã với gần 600 phương tiện). Ngoài ra, khuyến khích xe vận tải hàng hóa có tải trọng dưới 30 tấn, xe du lịch, xe hợp đồng sử dụng đường Hồ Chí Minh đoạn từ Hà Nội – Vinh thay cho quốc lộ 1.


Báo cáo khảo sát kết quả tổ chức lại hành trình tuyến vận tải cho thấy, phương tiện vận tải trên đường Hồ Chí Minh đoạn Hà Nội – đường Hồ Chí Minh – quốc lộ 48 tăng mạnh đối với phương tiện xe con, xe tải.


Để đảm bảo cho các phương tiện hoạt động trên tuyến thuận lợi, Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo các bộ phận liên quan hoàn thành cắm bổ sung biển báo, biển hướng dẫn, sơn kẻ mặt đường Hồ Chí Minh đảm bảo phương tiện lưu thông đoạn Hà Nội – Vinh; đã xử lý một số điểm đen trên tuyến, sửa chữa mặt đường Hồ Chí Minh và QL48 đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông. Ngoài ra, một loạt những hệ thống dịch vụ khác như dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, y tế, cây xăng và gara sửa chữa phương tiện trên đoạn Hà Nội – Vinh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu.


Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu các sở GTVT chỉ đạo các đơn vị vận tải khảo sát, phân tích nhu cầu đi lại của khách, bố trí 30% các chuyến xe không có khách lên xuống trong đoạn Hà Nội - Vinh đang đi trên QL1 hiện nay chuyển sang đi đường Hồ Chí Minh.


Theo hướng dẫn của tổng cục, các sở sẽ cấp lại sổ nhật trình mới cho các phương tiện thực hiện phân luồng (bao gồm toàn bộ các phương tiện vận tải khách tuyến cố định có hành trình trên 1.000km và 30% xe khách từ 300 - 1.000 km có hành trình qua Hà Nội - Vinh). Trong sổ ghi rõ hành trình mới để làm cơ sở cho việc kiểm tra, kiểm soát trên đường. Hiện có 117 doanh nghiệp, HTX vận tải phải điều chỉnh hành trình.


Khó khăn cần giải quyết


Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình Võ Như Quang:

 Việc giảm tải cho quốc lộ 1A là điều hoàn toàn đúng đắn, cấp bách hiện nay. Nhưng để giảm tải thì quy định luật pháp, văn bản hướng dẫn của các ngành, địa phương liên quan cần phải đồng bộ, nhất quán. Trước hết, ngành Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương có đường Hồ Chí Minh chạy qua lựa chọn địa điểm phù hợp để xây dựng các bến xe, bến đỗ cho xe chạy trên tuyến đường.

Thiếu tá Bùi Quang Thanh - Phó phòng CSGT Công an Quảng Bình:

Luật đã quy định; hành khách đi tuyến cố định phải có vé, được bố trí chỗ ngồi, dọc đường được bán vé bổ sung... Điều này khẳng định nếu tất cả các xe khách chấp hành đúng luật, có điểm bán vé dọc đường Hồ Chí Minh thì chắc chắn vấn đề các nhà xe lo không có khách đã được giải quyết. Mặt khác, khi đã buộc xe tuyến chạy đường Hồ Chí Minh thì hành khách buộc phải lên đường Hồ Chí Minh mới có xe đi. Nhưng phải làm nghiêm, còn nếu không lại sinh ra xe chạy dù theo quốc lộ 1A để hốt khách của xe chạy đường Hồ Chí Minh. Việc thiếu các dịch vụ phụ trợ cho vận tải không đáng lo, vì thị trường khi có cầu ắt có cung.

Anh Cao Thế Trung - chủ nhà xe Quân Trung, Hà Nội:

Là đơn vị thường xuyên chở khách đi các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, tôi thấy thực tế những tuyến xe khách chạy đường dài không có mấy khách đi từ đầu tuyến đến cuối tuyến, nên nhà xe luôn muốn chở cả khách các tuyến ngắn để đảm bảo nguồn thu. Đây là một trong những lý do những xe chạy tuyến dài cả ngàn kilômét còn e ngại cung đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc thử nghiệm khai thác xe khách tuyến Hà Nội - Vinh, kể cả đến Quảng Bình là khả thi, vì các đoạn này có đường kết nối, lưu lượng khách tăng dần theo thời gian, lại giảm được thời gian trên đường và chi phí đường. Anh Trung kiến nghị, nếu vì lợi ích giao thông chung thì cần công bằng giữa xe khách với xe tải, vì hiện nay cơ quan chức năng mới yêu cầu xe khách chạy trên tuyến Hồ Chí Minh.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, cho dù việc thực hiện này tạo ra nhiều lợi ích song hành nhưng hiện nay các sở GTVT triển khai vẫn còn chậm, chưa có các biện pháp cụ thể để đôn đốc, giám sát việc thực hiện của các đơn vị kinh doanh vận tải. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chưa nghiêm túc thực hiện việc phân luồng.


Một số doanh nghiệp có văn bản gửi về Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị được thực hiện theo hành trình cũ hoặc dãn, lùi thời gian thực hiện với lý do chung là nếu chạy theo hành trình mới sẽ giảm doanh thu do tuyến đường Hồ Chí Minh không đi qua các khu dân cư, khó khăn cho hành khách lên, xuống dọc đường.


Nhiều doanh nghiệp nêu cơ sở hạ tầng đường xá, chất lượng dịch vụ ăn, nghỉ, y tế, sửa chữa và cứu hộ cứu nạn trên tuyến còn bất cập. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra và khẳng định trên đường Hồ Chí Minh (đoạn Hà Nội – Vinh) đã cơ bản đáp ứng yêu cầu để phục vụ vận tải.


Mặt khác, chế tài xử phạt những phương tiện chạy sai hành trình hiện nay chưa đủ sức răn đe. Theo đó, hiện nay chúng ta đang áp dụng chế tài xử phạt chạy sai hành trình trong NĐ 34/2010/NĐ-CP với mức từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng là còn thấp, chưa đủ mạnh để răn đe các lái xe chạy tuyến cố định phải chạy theo hành trình mới, vì vậy nhiều xe vẫn chạy theo hành trình cũ trên QL1A để thuận tiện đón, trả khách.


Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định về chế tài xử lý của cơ quan quản lý tuyến nên Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT chưa có căn cứ để xử lý vi phạm những đơn vị không thực hiện phân luồng.


Để khắc phục những khó khăn này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng kiến nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Cảnh sát để tăng cường kiểm tra phương tiện hoạt động trên tuyến QL1A, xử lý nghiêm xe vi phạm chạy sai hành trình; Xem xét cho phép cơ quan quản lý tuyến trước mắt áp dụng một số chế tài xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện đúng quy định; Tiếp tục kiểm tra việc lưu thông của phương tiện trên đường Hồ Chí Minh và QL1A để có biện pháp phân luồng tiếp theo phù hợp nếu lưu lượng đường Hồ Chí Minh còn thấp; Tăng cường thông tin tuyên truyền trên đài tuyền hình và các báo để thu hút phương tiện hoạt động trên đường Hồ Chí Minh.


Ngoài ra, do hiện nay trên tuyến đường Hồ Chí Minh có một số đoạn tuyến chưa được phủ sóng điện thoại di động, gây khó khăn cho việc thu hút phương tiện hoạt động trên tuyến. Đề nghị Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị Viễn thông phủ sóng thông tin di động trên toàn tuyến đường Hồ Chí Minh.



Thành Hiển

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN