ĐBSCL chủ động ứng phó với lũ năm 2012

Đợt lũ năm 2011 đã gây thiệt hại không ít về tài sản lúa, rau màu, đê bao của các tỉnh khu vực ĐBSCL. Chính vì vậy, vào thời điểm trước lũ năm nay, các tỉnh đầu nguồn lũ như An Giang, Đồng Tháp, Long An đã chủ động hơn trong việc phòng chống lũ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

 

Tăng cường gia cố đê bao ở mức an toàn

 

Cảnh lũ lụt tại tỉnh Long An năm 2011. Ảnh: TTXVN

 

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, cao trình lũ tại trạm Tân Châu đến ngày 23/8 là 2,47 mét, thấp hơn ngày 22/8 0,6 mét do dao động theo triều cường đi xuống, thấp hơn so với cùng kì năm ngoái 0,8 mét. Tuy nhiên, diễn biến lũ năm nay khá phức tạp nên khâu chuẩn bị phòng chống lũ vẫn được quan tâm hàng đầu tại các địa phương vùng lũ.
Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, rút kinh nghiệm mùa lũ 2011, Sở NN-PTNT và các địa phương đã tiến hành rà soát các đê bao, bờ bao, để có kế hoạch tu bổ lại, đảm bảo đê, cống an toàn. Trước đây, sau khi lũ năm 2000 kết thúc, tỉnh có chủ trương xây dựng các tuyến đê bao đảm bảo, cao hơn cao trình lũ năm 2000 khoảng 50 cm. Tuy nhiên, qua thời gian dài, đê bao bị xuống cấp, đất làm đê bị dẻ lại nên cao trình thực tế không đạt với yêu cầu hiện nay, có nơi chỉ cao hơn cao trình lũ chỉ 20cm nên đê bao bị đe dọa. Chính vì vậy, các đoạn đê bị yếu đều phải gia cố lại cho chắc chắn trước khi đón lũ năm 2012.

 

Bên cạnh việc tăng cường gia cố đê bao, huyện An Phú đã thành lập được 58 chốt cứu hộ, gồm hội phụ nữ, công an, xã đội, hội chữ thập đỏ, quân sự ra quân cứu hộ khi người dân bị nạn, 37 điểm giữ trẻ, 26 điểm đưa rước học sinh. Tại cầu Phú Quý, điểm phân ranh 3 xã Phú Lộc, Tân Châu và Phú Hữu, cũng là điểm xung yếu đón nhận 70% lượng nước của 2 luồng nước lớn từ Campuchia và sông Tiền đổ về khi lũ lớn nên huyện đã thành lập chốt cứu hộ gồm 15 thành viên trực chốt 24/24 giờ để kịp thời ứng cứu người bị nạn trong mùa lũ.
Còn tỉnh Đồng Tháp, đợt lũ năm 2011 đã làm vỡ đê 2.000 ha lúa thu đông tại địa bàn 2 huyện Tân Hồng và Hồng Ngự, gây ngập 4000-5000 ha cây ăn trái, trong đó hơn 1.000 ha bị thiệt hại 100% tại địa bàn các huyện thị phía Nam của tỉnh. Chính vì vậy, từ đầu năm 2012, chính quyền địa phương tỉnh Đồng Tháp đã lên kế hoạch lồng ghép nhiều chương trình thực hiện gia cố, nâng cấp 686 đê bao với tổng chiều dài nâng cấp đạt 681km. Dự kiến, các công trình này sẽ hoàn thành vào cuối tháng 9/2012, trước khi đỉnh lũ ở mức báo động 3. Cụ thể, huyện Tân Hồng đã gia cố 15 đê bao với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng, tăng cường 3 gói thầu để gia cố 5km đê Chín Kheo Cả Mũi.

 

Chủ động trong sản xuất lúa thu đông

 

Theo ông Lê Thanh Tùng, chuyên viên Cục trồng trọt cho biết, cho đến nay, các tỉnh ĐBSCL đã xuống giống 405.000 ha lúa thu đông, đạt 68% so với kế hoạch (600.000 ha). Trong đó, có những tỉnh đã hoàn thành xuống giống thu đông như Cần Thơ 58.000 ha, Vĩnh Long 61.000 ha, Kiên Giang 64.000 ha. Các tỉnh An Giang đã xuống giống 65.000/142.000 ha, Đồng Tháp 88.000/110.000 ha.

 

Nhằm chủ động hơn khi đỉnh lũ lên cao và giảm áp lực chống lũ, các tỉnh trong vùng lũ cũng đã thực hiện chủ trương chỉ xuống giống ở những vùng đê bao chắc chắn, an toàn. Đồng thời, ở những vùng xả lũ như huyện An Phú (An Giang), huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) không thể xây đê bao ngăn lũ, thì không xuống giống vụ thu đông, nhằm mục đích lấy nước vào đồng, cung cấp phù sa cho vụ đông xuân. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo nông dân chỉ sản xuất 3 năm 8 vụ luân phiên theo năm nhuận, để phục hồi đất, diệt mầm bệnh và điều chỉnh lịch thời vụ, thu hoạch thu đông trước khi lũ về.

 

Ông Đoàn Ngọc Phả cho biết, trong vụ này tỉnh đưa ra chủ trương không xuống giống ở những nơi đê bao không bảo đảm an toàn, mà tiếp tục gia cố, nâng cấp để năm sau sản xuất. Điển hình như huyện An Phú, An Giang có 9 vùng sản xuất lúa thu đông, 8 vùng cũ với diện tích 3.500 ha đã nằm trong đê bao an toàn, còn 1 vùng mở mới ở 3 xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc và Vĩnh Hội Đông với diện tích 1.500 ha đang hoàn thiện đê bao ứng phó với cao trình lũ 6 mét.

 

Tại tỉnh Đồng Tháp cũng đã vận động và khuyến cáo nông dân chỉ xuống giống ở những nơi đê bao ăn chắc. Những nơi đê bao không hoàn chỉnh, hoặc đang làm mới thì không xuống giống. Chính vì vậy, diện tích lúa thu đông đã xuống giống của tỉnh khoảng 88.000 ha. Bên cạnh đó, Đồng Tháp cũng đầu tư xây dựng các trạm bơm tiêu chống úng lúa thu đông. Điển hình huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) có 5 trạm bơm nước tiêu úng cho 2.600 ha lúa vụ thu đông. Trong đó, một trạm lớn được xây dựng sắp hoàn thành với kinh phí đầu tư 8 tỷ đồng. Chính vì vậy, cho dù trong mùa lũ xảy ra mưa lớn dài ngày thì các trạm bơm vẫn chủ động phòng chống ngập úng cho cây lúa. (Còn nữa)

 

 

Hồng Nhung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN