Chuyện những "tiều phu" đường phố Hà Nội

Trên đường phố Hà Nội vào mùa mưa bão, thỉnh thoảng lại bắt gặp từng đoạn phố ngắn bị chăng dây khoanh vùng để những người thợ cắt sửa cây xanh làm việc. Những dịp bão, ở đâu có cây đổ là một lúc sau cũng thấy những người công nhân áo xanh đến cưa, chặt mở lối lưu thông. Chặt cây, sửa cành, hạ tán… là công việc hàng ngày của những “tiều phu” đường phố Hà Nội.

Nghề nguy hiểm

“Những ngày đầu tháng 8, sau cơn bão số 3, chúng tôi nghe thông báo có cây đổ tại đường Phạm Văn Đồng. Đến thực địa, chúng tôi chứng kiến một cây xanh có đường kính khoảng 40 cm bị một xe chở bê tông đâm đổ. Một đội cắt sửa và xe chuyên dụng tức tốc lên đường dọn dẹp vì lúc đó khoảng 8 giờ sáng để không bị ùn tắc giao thông”. Anh Đàm Quang Thanh, tổ trưởng tổ 2 của đội cắt tỉa cây xanh (Công ty Công viên cây xanh Hà Nội), có 18 năm trong nghề kể: “Dọn cây đổ đơn giản do có máy cưa xích nên khoảng 1 tiếng cưa cắt khúc từng đoạn rồi cẩu lên xe là xong. Khó nhất của nghề này chính là leo trèo cắt tỉa cây xanh, hạ tán”.

Dọn dẹp cây gẫy đổ mùa mưa bão.


Tâm sự về nghề mà người dân Hà thành gọi là “trèo me, trèo sấu” này, ông Cao Văn Tín, đội trưởng đội cắt tỉa cây xanh cho biết: “37 năm trong nghề, tôi đã đưa tiễn vài đồng nghiệp do tai nạn trong lúc làm nghề. Còn bị thương là chuyện thường. Thời gian gần đây, tai nạn ít đi do có thiết bị an toàn”. Nhớ lần chết hụt cách đây gần 20 năm, ông Tín vẫn nổi da gà: “Lần đó, tôi được phân công chặt cành cây khô khá lớn, dù đã cẩn thận treo dây ở cành phía trên và buộc dây an toàn để đồng nghiệp níu phía dưới, nhưng khi cưa được một nửa đoạn, bất ngờ một đoạn cây khô gẫy gục, đồng thời kéo cả cành treo phía trên đổ ụp xuống. Khi thấy cành cây đổ, tôi hô người dưới thả dây để tôi trượt thẳng xuống, vừa trượt khỏi thì cành cây to lao thẳng vào vị trí tôi vừa đứng cưa”.

“Nhìn chúng tôi cắt, sửa cây, mọi người nghĩ đơn giản nhưng để làm được công việc này đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật. Từ cách treo dây, cách cưa mở mạch để sao cho cành cây rơi xuống an toàn… Chứ để cành vướng vào cành phía dưới còn khổ nữa, có khi 10 người cũng không kéo được cành vừa cưa đó xuống. Hiện nay, chúng tôi có 1 xe cẩu 24 m, 3 xe đỡ 12 m nhưng cũng chỉ giúp đỡ một đoạn leo, còn lên đến điểm cắt vẫn hoàn toàn làm thủ công. Máy cưa xích hoàn toàn không được phép dùng cho việc chặt tỉa vì quá nguy hiểm do máy nặng, độ rung lớn. Việc chặt tỉa trên độ cao như trên cả chục mét vẫn làm thủ công và dựa vào kinh nghiệm. Cũng giống như những người chơi cây cảnh, nhìn vào dáng cây, độ cao là người có kinh nghiệm biết chặt ở đâu, lựa vị trí để cắt làm sao cho gọn. Đó là chưa kể, do đặc trưng làm trên đường phố, phía dưới người đi lại tấp nập, lại còn nhiều điểm kinh doanh nên cứ thấy chúng tôi khoanh vùng chặt cây là dân phàn nàn, thậm chí có người còn chửi bới vì ảnh hưởng công việc kinh doanh của họ. Rồi lại phải tránh tắc đường, sáng bắt đầu chặt sau 9 giờ, chiều làm xong trước 15 giờ, nên nhiều khi phải làm quá trưa luôn”, ông Tín cho biết.

Ít người theo nghề

Do nguy hiểm và thu nhập thấp nên ít người muốn theo nghề này. Ông Tín cho biết, trước đây đội của ông có 135 người, nay chỉ còn 68 người. Lớp cựu binh đến tầm 50 tuổi đều xin nghỉ chế độ, còn lớp trẻ chẳng ai theo nghề này. Như năm 2008, có tới 30 người xin nghỉ việc, tuyển 8 người nhưng ra thực địa nhìn cảnh trèo leo, 4 người sợ quá xin nghỉ luôn.

Để làm được nghề này, cũng không có trường lớp nào dạy cả, chỉ hướng dẫn lý thuyết khoảng 3 tháng, còn lại ra thực địa nhìn người trước làm rồi tự đúc rút kinh nghiệm. Treo mình ở độ cao từ hơn mười mét để cưa cũng phải học 3-5 năm. Chính vì vậy, số người dũng cảm theo nghề rất hiếm hoi. Gần đây có một số công ty tư nhân cũng tham gia công việc này, nhưng họ cũng tuyển người từ chính người đã nghỉ của đội cắt tỉa cây xanh để làm theo thời vụ. Nhưng chỉ làm được 2-3 năm, người mới không có ai theo, nên việc chặt tỉa cây xanh khu vực nội thành lại giao về hết cho đội cắt, tỉa cây xanh của công ty. Vì vậy, trong những ngày mưa bão này, đội căng người ra trực để giải quyết cây đổ. Ông Tín tâm sự: “Bằng kinh nghiệm của nghề, trong vài năm trở lại đây, do người ta hạ cáp, chặt gốc khiến nguy cơ đổ cây rất lớn. Người thì ít đi, trong khi không tuyển được người mới nên những thành viên đội cắt tỉa cây xanh vẫn phải trực 24/24 giờ trên căn phòng rộng khoảng 30 m2 ẩm thấp trong một con ngõ nhỏ phố Thụy Khuê.

“Ngoài cắt hạ phòng bão, chúng tôi cắt sửa theo tiêu chí để cây trên cùng một tuyến phố đều nhau trông đẹp mắt như tuyến Phạm Văn Đồng, Giảng Võ… từ 20 m xuống khoảng 12 m”, ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội tâm sự, “Họ đang góp phần làm cho những hàng cây tuyến phố đẹp hơn. Đây cũng là lực lượng làm việc nguy hiểm và nặng nhất của đơn vị, nhất là dịp mưa bão này. Việc không tìm được người theo nghề trong gần 5 năm qua trong khi người lớn tuổi đang nhiều lên đang là nỗi trăn trở của chúng tôi”.

Bài và ảnh: Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN