Cần ‘triệt’ tận gốc các video nhảm nhí trên mạng xã hội

Trên mạng xã hội đang tràn lan những video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm lôi kéo càng nhiều lượt xem càng kiếm được nhiều tiền. Đáng lo ngại là những video nhảm nhí này lại thu hút hàng triệu người, ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống, hành vi, thậm chí có thể tác động tới sự phát triển nhân cách của một số người xem.

Nhiều năm trở lại đây, mạng xã hội đã cung cấp một lượng lớn thông tin, trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ cuộc sống, công việc, giải trí cho con người. Tuy nhiên, tác hại và hệ lụy kéo theo cũng không ít đối với những người sử dụng mạng xã hội quá đà hoặc thiếu hiểu biết, hoặc xem một số video có nội dung nhảm nhí, giật gân...

Khi xem các nội dung nhảm nhí, phản cảm trên YouTube, nhiều người trẻ dễ có xu hướng bắt chước theo những hành động trong video. Điều này khiến cho những hành động tiêu cực dễ dàng lan truyền và trở nên mất kiểm soát.

Một số video dù có nội dung nhảm nhí, vô bổ, thậm chí là phản cảm, nhưng trào lưu làm video trêu đùa người khác hoặc hành động kém văn hoá vẫn luôn thu hút được lượng xem khá lớn trên YouTube tại Việt Nam. Đây còn trở thành công cụ cho những kẻ chuyên làm nội dung xấu kiếm lượt xem, thu tiền.

Chú thích ảnh
Hành động phản cảm trong video của Nguyễn Văn Hưng đăng trên YouTube về nấu cháo với gà nguyên lông. Ảnh: chụp từ video

Gần đây, Nguyễn Văn Hưng, một người làm YouTube ở Bắc Giang đã bị xử phạt hai lần với tổng số tiền 17,5 triệu đồng và phải xóa video vì đăng các video có nội dung phản cảm lên YouTube. Những video này không phù hợp với thuần phong mỹ tục, có thể tạo hình ảnh xấu về địa phương, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, cổ suý cho hành vi kém văn minh.

 Nhu cầu xem và tạo video ở Việt Nam thời gian qua tăng trưởng mạnh. Bên cạnh các kênh với nội dung hữu ích, nhiều kênh bị đánh giá là nhảm nhí, có thể ảnh hưởng xấu đến người xem. Năm 2019, kênh YouTube của Khá "Bảnh" hay Dương Minh Tuyền với hàng triệu lượt đăng ký cũng bị YouTube xóa, vì có hành vi tiêu cực, làm tổn hại đến danh tiếng chung của cộng đồng.

Ông Nguyễn Lâm Thanh – Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, Giám đốc Chính sách và Đại diện Tiktok tại Việt Nam chia sẻ: Việc phạt tiền đối với các kênh sản xuất nội dung xấu chỉ là một phần của câu chuyện. Trên thực tế, không ít người làm nội dung vì lợi nhuận hoặc câu view sẽ tìm cách lách luật hoặc đưa những nội dung của mình tiệm cận vào mức độ bị phạt hoặc bị cấm. Ví dụ: sử dụng các câu từ lóng, từ viết tắt, thay vì mặc hở thì mặc mỏng,… Cái cần có ở đây là một cơ chế hiệu quả hơn để giảm uy tín, giảm lượt xem, lượt theo dõi của những kênh sản xuất video, nội dung nhảm, độc. Tuy nhiên, nếu sau khi phạt tiền mà lượng người theo dõi, lượt xem vẫn không hề thay đổi thì cần phải xem xét lại phương pháp.

Ông Nguyễn Lâm Thanh cũng nhấn mạnh: “Điều cần thiết lúc này vẫn là sự vào cuộc của người xem, người xem chủ động báo cáo những nội dung độc, hại cho nhà cung cấp dịch vụ. Gần như mạng xã hội nào cũng có chức năng báo cáo những video, nội dung phản cảm cho người dùng. Khi nhà cung cấp dịch vụ nhận được nhiều báo cáo về cùng một nội dung xấu, chủ kênh có thể bị giảm mức độ tương tác hoặc thậm chí bị loại bỏ ra khỏi hệ thống. Hai là cần cổ vũ, tôn vinh những người làm nội dung tốt. Càng nhiều nội dung tích cực, nội dung tốt thì tỉ lệ nội dung xấu càng ít đi”.

Hành vi câu view, thu lợi cá nhân qua các video xấu, độc hại, kích động hành vi phản cảm cần được xử lí thật nghiêm để răn đe, từ đó chấm dứt ngay tình trạng lan truyền các video nhảm nhí trên mạng xã hội.

Hiền Anh/ Báo Tin tức
Mạng xã hội Trung Quốc tranh cãi về clip nhân viên vệ sinh uống nước bồn cầu
Mạng xã hội Trung Quốc tranh cãi về clip nhân viên vệ sinh uống nước bồn cầu

Một nhân viên vệ sinh đã làm bùng nổ các cuộc tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc khi cô đã uống nước trực tiếp từ bồn cầu để chứng minh sự tân tâm với công việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN