Kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Quân đôi nhân dân Việt Nam 22/12:

 Bài 2: Bếp ăn tình thương giúp học trò nghèo biên giới

Mô hình “Bếp ăn tình thương” hay chương trình “Nâng bước em tới trường” trong giáo dục của Bộ đội biên phòng (BĐBP) các tỉnh Tây Nguyên tuy quy mô nhỏ nhưng có sức lan tỏa rộng khắp trên địa bàn buôn làng biên giới.

11 giờ trưa, mâm cơm được các chiến sĩ biên phòng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Lệ Thanh, đóng quân ở xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã bày sẵn và chỉ chờ “những chủ nhân tương lai” đi học về dùng bữa.  

Chú thích ảnh
Mâm cơm đã bày sẵn và chỉ chờ “những chủ nhân tương lai” đi học về dùng bữa.

Bếp ăn tình thương này là sáng kiến của các chiến sĩ biên phòng Đồn Biên phòng CKQT Lê Thanh tự bỏ kinh phí từ tiền lương của mình giúp đỡ, hỗ trợ bữa ăn trưa miễn phí cho con em đồng bào dân tộc thiểu số Jrai vơi đi cái đói để có đủ sức chiều tiếp tục lên lớp. Được triển khai từ tháng 6/2012, bếp ăn tình thương hàng ngày nuôi dưỡng từ 14 - 16 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở cả ba trường: Tiểu học Trần Phú, THCS Nguyễn Trãi và THPT Nguyễn Trường Tộ.

Chứng kiến được cảnh này, tôi thật sự xúc động bởi sau giờ học buổi sáng, các em học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số Jrai lại quây quần quanh mâm cơm, vừa ăn vừa tíu tít đủ thứ chuyện trên lớp. Dù các em nhỏ mới lớp 2, lớp 3 tan học về sớm nhưng vẫn gắng đợi các anh chị lớp 9, lớp 10 đi học về muộn để cùng chung vui bữa cơm trưa đầm ấm.  

Trong số các em được bộ đội biên phòng (BĐBP) nuôi cơm trưa miễn phí, tôi có ấn tượng với cô bé Rơ Ma H’Đuối (lớp 7B, trường THCS Nguyễn Trãi). Mái tóc xoăn xoăn với đôi mắt đen nhánh ẩn chứa bao khát vọng ước mơ, em là một trong những học sinh có học lực khá của trường này. Qua tìm hiểu tôi được biết, gia đình H’Đuối thuộc diện đặc biệt khó khăn, mẹ bị bệnh hiểm nghèo, nhà có 4 anh em vẫn đang trong độ “tuổi ăn, tuổi học” nhưng mọi đóng góp ăn học của 2 anh em chỉ trông chờ vào lao động chính là người cha.

Nhờ có Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã có hàng trăm học sinh khu vực biên giới Tây Nguyên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trong đó có cả các em học sinh nước bạn Lào, Campuchia) đã được các đơn vị, Đồn Biên phòng nhận đỡ đầu.

Điều đặc biệt trong bữa cơm tình thương của các chiến sĩ biên phòng là ngoài Rơ Ma H’Đuối còn có Rơ Ma Khải, học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (anh trai của Rơ Ma H’Đuối) cũng được BĐBP nuôi cơm cùng em gái hơn 3 năm qua.  

Em Rơ Ma Khải cho biết, do nhà cách trường cả chục km nên cả hai anh em đều phải đi xe đạp đến trường. Khó khăn là vậy nên cả hai anh em Ma Khải và H’Đuối rất chăm chỉ học tập mong biết được cái chữ Bác Hồ để vươn lên trong cuộc sống. “Sau giờ học trên lớp, hai anh em lại về nhà phụ giúp bố mẹ làm việc gia đình, đi hái cà phê thuê để có tiền ăn học”, Rơ Ma H’Đuối tâm sự.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh cho biết: “Mô hình bếp ăn tình thương được đơn vị duy trì suốt 7 năm qua. Chỉ huy Đồn biên phòng đã phân công Trung úy Rơ Châm Giéo, nhân viên Đội Vận động quần chúng phụ trách bếp ăn; hàng ngày đi chợ, nấu cơm cho các cháu học sinh”.

Đều đặn vào các bữa trưa hàng ngày, dù nắng hay mưa các em được các chú BĐBP nấu cho ăn bữa trưa. Nhờ bếp ăn này mà nhiều em đã vượt qua được khó khăn, tiếp tục bám lớp, bám trường. Nhìn bữa cơm trưa có đầy đủ thịt, cá, rau xanh và đặc biệt cơm trắng dẻo thơm, các em được ăn thoải mái, chúng tôi ai cũng ấm lòng.

Chú thích ảnh
Bữa cơm tình thương của chiến sĩ biên phòng đã làm ấm lòng các em học sinh con em đồng bào dân tộc Jrai sau mỗi giờ lên lớp.

Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, sau nhiều lần xuống cơ sở giúp dân, BĐBP đã phát hiện và giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, như em Rơ Ma H’Win (học cùng khối với Rơ Ma H’Đuối) may mắn được BĐBP cưu mang. Do mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ hai nên cả 3 chị em H’Win nay ở cùng bà ngoại.  

“May nhờ các chú BĐBP phát hiện, động viên, hỗ trợ cơm trưa và tặng sách vở nên em đã tiếp tục được quay lại trường”, Rơ Ma H’Win tâm sự. Hàng ngày, sau giờ lên lớp H’Win lại cùng hai chị gái giúp bà ngoại chăm lo việc gia đình. Trước đó, chị gái của H’Win là Rơ Ma H’Rin cũng từ bếp ăn tình thương này mà đã theo học hết THCS đến THPT, và nay H’Rin đã trưởng thành, có gia đình riêng và sinh được 1 bé gái.

Còn với gia đình chị Y Lới, dân tộc Ca Dong, thôn Tà Kha, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) cũng là trường hợp đặc biệt. Nhà nghèo lại đông con, trong khi thu nhập của cả gia đình chỉ trông chờ vào 6 sào mỳ (cây sắn), thời gian nông nhàn vợ chồng Y Lới đi làm thuê để nuôi 4 con ăn học.  

Đại úy Xiêng Văn Thang, dân tộc Giẻ Triêng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng CKQT Bờ Y cho biết: “Nhận thấy hoàn cảnh gia đình Y Lới hết sức khó khăn, đơn vị đã nhận hỗ trợ cháu Y Bảo Hân, học lớp 2 Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc là con gái thứ 3 trong gia đình có 4 chị em mỗi tháng 500.000 đồng để cháu được đến lớp, đến trường”.  

Ngoài Y Bảo Hân, hiện nay Đồn Biên phòng CKQT Bờ Y còn hỗ trợ, giúp đỡ cho hai em khác, đó là em Nàng Lang, dân tộc Brâu, xã Bờ Y hiện đang theo học lớp 11, Trường PTDT nội trú tỉnh Kon Tum và em Năng Xít, dân tộc Xơ Đăng, đang học lớp 3 tại điểm trường Phu Cưa (bản Phu Cưa, huyện Attapư, nước CHDCND Lào). Trên đây là một trong những câu chuyện xúc động mà các chiến sĩ BĐBP thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”.

Hiện nay, hàng tháng BĐBP hỗ trợ mỗi em 500.000 đồng để các em ăn học. Riêng những suất ăn trưa của các em học sinh dân tộc Jrai ở xã Ia Dom kinh phí được trích ra từ tiền đóng góp của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh.  

Từ mô hình này lại gợi cho chúng ta nhớ về hình ảnh “Thầy giáo quân hàm xanh” có từ vài chục năm về trước. Chính từ những lớp học xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học ngày đó đã giúp cho hàng ngàn người dân tộc thiểu số Jrai, Xơ Đăng, Brâu, Ca Dong… chưa biết chữ trên dải đất biên giới Tây Nguyên đã biết đọc thông, viết thạo. Nhiều người phấn đấu học lên cao hơn, tốt nghiệp đại học, là trí thức, trở thành cán bộ nòng cốt của địa phương sau này...

Đại tá Nguyễn Văn Tưởng, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai, cho biết: Hiện nay các đơn vị đang phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình trang trại, khuyến nông cho các xã biên giới... Cán bộ, chiễn sĩ trong các Đồn Biên phòng đã, đang hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào dân tộc J’rai, Banah thực hiện tốt các mô hình “Trồng lúa nước”, “Trồng hồ tiêu”, “Nâng bước em tới trường” có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn biên giới trong đó có cả các cháu ở ngoại biên đối diện.

Sức lan tỏa của những việc làm mang đầy tính nhân văn của những người lính Biên phòng không chỉ làm thổn thức trái tim của cả nước mà còn lay động tâm hồn những em bé dân tộc Jrai, Ca Dong, Brâu, Xơ Đăng... biết ơn các chiến sĩ BĐBP nỗ lực vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.  

Bài cuối: Điểm tựa trong lòng dân

Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn
Thắm tình quân dân nơi ngã ba biên giới
Thắm tình quân dân nơi ngã ba biên giới

Trấn giữ cửa ngõ quan trọng nằm trong vùng Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, lực lượng Bộ đội biên phòng (BĐBP) các tỉnh Tây Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng. Những chiến sĩ “quân hàm xanh” không chỉ ngày đêm giữ yên biên cương Tổ quốc, các anh còn là điểm tựa tin cậy của nhân dân các dân tộc nơi đây ổn định cuộc sống, vươn lên trong xóa đói giảm nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN