Ấm tình sắc nắng bên sông Cấm

Thong dong trên con đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ, bà Trần Thị Nghiêm vẫn ngỡ như mình đang trong một giấc mơ khi ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, bà và các con cháu lại được an cư trên bờ như thế.

 
Trung tá Ngô Minh Tuệ trao đổi với bà Trần Thị Nghiêm.
 
Đến giờ, bà chẳng thể nhớ được mình đã lênh đênh trên thuyền từ năm bao nhiêu tuổi, đã đi bao nhiêu năm nữa. Hết đêm rồi ngày, hết ngày đến đêm, thời gian trôi đi vô định bên những phận đời mong manh, sa cơ như bà. Quẩn quanh trên chiếc thuyền nhỏ, gia đình hai người con trai đi đâu, bà đi theo đấy. Ngày cơm nước, phụ giúp các con bán hàng trên sông, tối cắm sào neo thuyền tiện đâu, đỗ đó, bên những bờ lạch sình lầy của con sông Cấm để nghỉ ngơi, trú ẩn, tránh mưa giông, gió bão. 5-6 người chen chúc trên thuyền, cái đói, cái nghèo còn đeo đẳng, nói gì đến phim ảnh, ti vi, thế nên bà chẳng biết đến thời gian, điều còn đọng lại trong bà chỉ còn là quê quán ở Hải Dương.
 
 
Ấm áp làng chài
 
Cuộc sống cực khổ, đói nghèo đeo đẳng, đôi khi còn phải nhịn để dành cho con, cháu ăn trong lúc phong ba bão táp, thuyền cũ nát, ăn cơm cũng phải cúi xuống tát, múc nước đổ ra, không dám đỗ chỗ sóng to mà phải vào ngòi lạch nhỏ trú ẩn… những hình ảnh ấy vẫn ám ảnh bà Nghiêm đến bây giờ. Ngẫm lại, bà rưng rưng: “đúng ra mà nói, mình là người sông nước, theo đuôi con cá, cứ dựa vào bờ sông, bãi sú. Nếu không được các bác ở đây hỗ trợ thì cũng không được trên phường quan tâm vì người ta biết mình ở đâu, có đáng tin không, hay trộm cắp, nghiện hút, quấy rối an ninh trật tự… Không nhờ các bác ở đường thủy nhân đạo bố trí tụ tập về đây, chúng tôi cũng chả bao giờ được ở như thế này. Được các bác giúp đỡ mọi mặt, cuộc sống của chúng tôi đỡ hơn nhiều rồi, sung sướng quá… Chúng tôi rất biết ơn đồng chí Tuệ, các đồng chí trong đội và các cấp, các ngành”.
 
Người mà bà nói đến, đó là Trung tá Ngô Minh Tuệ, Phó Thủy đội trưởng Phòng cảnh sát đường thủy, Công an thành phố Hải Phòng. Quả chẳng ngoa khi nói anh là người có công khai sinh ra làng chài khu cống Máy Chai trên sông Cấm (phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, Hải Phòng). Anh Tuệ nhớ lại năm 2005, khi được phân công làm trinh sát khu vực này, anh đã thấy các hộ dân sống trên thuyền, nơi những lạch nước từ bao giờ. Đơn vị của anh lúc đó cũng chỉ ở trên một con tàu neo phía bên kia bờ. Ở bên sông, bên bến phà, mỗi lần bão gió ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân, anh lại xuống phát áo phao, nhắc các hộ đưa trẻ con lên bờ trú ẩn nhờ. Chẳng đành lòng khi chứng kiến những gia cảnh khốn khó, chấp chới, thường xuyên bị thiên tai đe dọa, chàng trai 31 tuổi đã chủ động đề xuất với chỉ huy và cán bộ lãnh đạo Phòng cảnh sát đường thủy tìm hướng an cư cho các hộ dân mà điểm an cư được anh chọn chính là cái bãi bồi ven bờ lạch bị bỏ hoang này.
 
Nhen nhóm ý tưởng tới hơn 6 năm trời, anh mới thực hiện được dự án mà người dân nơi đây gọi là việc làm nhân đạo, phần vì giữa năm 2006 anh chuyển công tác mất gần 2 năm mới trở lại đội, phần do việc làm của anh không chỉ không được người dân sở tại và chính quyền địa phương ủng hộ mà ngay chính các hộ làng chài cũng không đồng tình. Chỉ cho tôi xem những tấm hình vàng vọt anh tự chụp trong tập hồ sơ dày đến nửa gam giấy, những chiếc thuyền nan nhỏ bé được neo trên bãi sình lầy, anh bảo trước người dân chỉ sống trên thuyền như thế. Nhiều nhà còn chẳng nhớ nổi tên con mình, chồng hỏi vợ “em ơi thằng này tên gì?”. 6 năm anh đôn đáo xuôi ngược, lập dự án, hết vận động người dân và chính quyền địa phương, lại lo vận động các hộ thuyền chài lên bờ.
 

Trung tá Ngô Minh Tuệ luôn thân thiện với người dân làng chài.

 
“Đầu tiên, chính quyền địa phương và người dân trong khu không đồng ý, nhất là doanh nghiệp bên cạnh, họ muốn lấy bãi lầy này nên khi đưa các hộ về đây, chúng tôi không được ủng hộ. Sau nhiều thời gian thuyết phục, vận động, báo chí, các nhà từ thiện về ủng hộ, các hộ dân mới được thế này” – anh Tuệ kể.
 
Không được chính quyền và người dân địa phương ủng hộ, âu cũng là điều dễ hiểu. Là người dân tứ xứ tụ về, công ăn việc làm không ổn định, sinh đẻ không kế hoạch, nhà nào cũng 4-5 con trở lên, thành phần phức tạp, trộm cắp cũng có, đi đâu, người làng chài cũng bị “tẩy chay”, sợ làm mất an ninh trật tự, mất thành tích thi đua của khu phố. Bản thân Trung tá Ngô Minh Tuệ cũng nhận thấy rõ điều này. Nhớ về những ngày cơ hàn của người dân vạn chài, anh cho biết, vì nghèo, vì đói khổ, có những người đã đi cắt dây neo, ăn cắp thiết bị của các phương tiện để bán kiếm lấy miếng cơm qua ngày và bị anh bắt. Thấm thía câu “an cư, lạc nghiệp”, để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, an ninh trật tự, phải an cư cho các hộ dân, anh quyết tâm làm bằng được.
 
Anh nhớ lại, khi bắt đầu đưa các hộ lên bờ, nước không có, điện thì không, người dân sử dụng luôn nguồn nước dùng để xúc xạc bình ga của nhà máy kế bên, rất mất vệ sinh. Không muốn bị quản lý, không muốn sống bó buộc, thích cuộc sống tự do sông nước, ban đầu rất ít hộ muốn lên bờ, anh buộc phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế, ép các thuyền phải nằm lại khu vực này, ngày người lớn đi làm, trẻ em lên bờ đi học. Anh dùng ảnh hưởng, uy tín của mình đi xin từng món đồ chơi cho trẻ, từng tấm áo, manh quần, từng túi gạo, viên gạch, tấm tôn để hỗ trợ các gia đình. Hết huy động trong đội, anh kêu gọi các tổ chức, cơ quan bên ngoài. Được các nơi quyên góp hỗ trợ tiền mặt, sợ người dân tiêu xài lãng phí, anh lại mua từng cân gạo, gói đường, mỳ chính, từng chai nước mắm, can dầu phát cho các hộ.
 
Dần dần từng bước, hộ nọ nhìn hộ kia, nhận thấy lợi ích thiết thân, họ chung tay cùng anh làm đường. Ngày ngày anh đóng từng bao cát, xin từng xe đất đổ làm đường và nền nhà cho người dân. Đến bây giờ, tuổi đã cao, khó để nhớ hết những gì đã diễn ra trong cuộc đời nhưng bà Nghiêm vẫn nhớ mồn một câu chuyện “dựng làng, lập ấp” vài năm trước. Ngày ấy, bãi sình này thụt sâu lút một thân người bà (khoảng 1,5 mét), sức còn khỏe, hàng ngày bà đi chở đò, vớt những cây gỗ chống cảng, chống đò dài tới 1,2m dìu về, bắc từ mép sông nối vào tận khu dân cư. “Các bác đứng lên nhận làm đường, bà con ai cũng sung sướng. Bác Tuệ gọi cát về, đóng vào bao chất lên, chúng tôi già trẻ lớn bé đều tham gia phụ với các bác” – bà Nghiêm hào hứng.
 
“Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, qua nhiều năm đổ, đắp, năm 2012, hình hài con đường bê-tông dài tới 100 mét và một làng chài trên bờ với những mái nhà tôn nho nhỏ thay cho con thuyền mỏng manh, dần hiện hữu. Sóng to, gió lớn, tàu bè ra vào nhiều, khó sống bằng nghề đánh bắt ven sông, nhiều người đã lên bờ làm thủy sản, da giày, kinh tế đỡ chật vật và dần có tích cóp, tạo nền tảng ổn định cuộc sống, ít phải trông chờ đến sự trợ giúp của xã hội. Gia đình hai con trai bà Nghiêm có vẻ như khá giả nhất trong số 22 hộ neo về an cư nơi con lạch này. Cũng tivi, tủ lạnh, xe máy, bàn ghế, giường tủ đàng hoàng. Do chưa được chính quyền địa phương công nhận nên tất cả 22 hộ vẫn phải sống trong những căn nhà tạm quây tôn nhưng quy củ, gọn gàng chẳng khác nào một khu dân cư trong phố xá. Thủy đội của anh cũng quyết định chuyển về đây để quản lý các hộ dân tốt hơn. Nhờ sự kêu gọi của anh Tuệ, đến nay, người dân nơi đây đã có nước sạch để dùng, cuộc sống văn minh hơn.
 
Trong số 76 khẩu của 22 hộ ngày đó, hơn chục trẻ trong độ tuổi đã được lên bờ đi học. Để cho bọn trẻ được đi học cũng không phải là điều dễ dàng. Anh phải can thiệp với chính quyền địa phương, làm hồ sơ xin xác nhận hộ nghèo cho các gia đình rồi mới can thiệp trường học để cho trẻ tới lớp. Việc làm của anh đã khiến người dân thay đổi hẳn nhận thức. Từ chỗ không coi trọng việc học hành, đến giờ, các gia đình đều mong cho con được đi học. 3 năm trước, đã có 2 cháu đỗ đại học, niềm vui ấy khiến nhiều người dân làng chài rơi nước mắt. Để an ủi, anh Tuệ cùng đồng đội bỏ tiền túi ra thưởng cho các cháu. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn, một cháu đi học được 2 năm đã phải rời ghế giảng đường dù anh vận động lên xuống nhiều lần.
 
Không phải lo cảnh “sống vô gia cư, chết vô địa táng”, đó là niềm ao ước của bao đời người dân làng chài, nhất là những người sắp nhắm mắt, xuôi tay. Do quan niệm mê tín, người dân địa phương tối kỵ việc cho người chết ở dưới làng chài lên bờ. Thế nên, sống đã khổ, nằm xuống cũng chẳng sung sướng gì. Những người làng chài mất thường phải đóng thuyền, kéo về quê hoặc đi nơi khác, đến cái bát hương cũng không được yên lành, một cơn sóng làm nghiêng thuyền có thể làm bát hương lật úp. Ông Lý – một người dân làng chài khu cống Máy Chai chỉ có một tâm nguyện duy nhất cuối đời mình, đó là làm sao chết có bát hương trên bờ. Con đường nối vào trong xóm hoàn thành được 2 tháng rưỡi thì ông chết. Đám tang của ông có sự xót thương, chia sẻ của người dân làng chài nhưng thiếu sự đồng cảm của người dân địa phương, họ không cho đưa thi hài ông đi qua khu dân cư, anh Tuệ và chính quyền xã lại phải xuống tận nơi vận động nhân dân cho đi nhờ để đưa ông trở về quê.
 
Màu sắc phục cảnh sát đường thủy như ánh nắng nhẹ mang tình cảm ấm áp về với làng chài. Tôi hỏi, “anh có nhận đỡ đầu cháu nào trong làng không?”, anh cười “tất cả, ở phường vẫn trêu xóm này toàn con ông Tuệ”! Anh thuộc làu gia cảnh của từng hộ trong làng. Thấy anh, người dân kéo bằng được vào uống chén nước, hỏi han dăm câu chuyện. Chị Nguyễn Thị Phượng tâm sự “20 năm sống lang thang sông nước trôi dạt, mấy bác đi đường sông thấy bọn em nghèo khổ bảo vào đây cắm cái lều lên cho trẻ con đi học, biết cái chữ, bọn em mừng lắm. Hai cái Tết được ở trên bờ yên ổn, gia đình đoàn tụ, con cái không phải đi gửi”.
 
Với bà Nghiêm, bà chưa bao giờ nghĩ rằng cuộc đời mình lại có hậu đến thế, nếu không nhờ Trung tá Ngô Minh Tuệ và các đồng đội của anh, chắc hẳn bà đã không có được cuộc sống như hôm nay. Không thể diễn tả hết tấm lòng của mình, bà Nghiêm thực thà “cám ơn thì nói thực là cứ để trong bụng ghi nhớ những người giúp mình được lên bờ. Sung sướng vô cùng không gì bằng. Các bác làm việc cho Đảng, Nhà nước nhưng có tấm lòng cao cả, nhân hậu… Tôi già rồi, không làm gì được, chỉ biết bảo ban con cháu sống đoàn kết, giữ gìn yên ấm, an ninh trật tự”. Hộ bà Nghiêm là một trong 4 hộ may mắn đã được đăng ký tạm trú tại phường Máy Chai này. Các hộ dân khác do không còn giấy tờ tùy thân, không nhớ quê quán nên vẫn chưa được nhập cư.
 
Nhiệt huyết là vậy, song cũng có lúc Trung tá Ngô Minh Tuệ không tránh khỏi tâm tư. Việc làm của anh, không phải ai cũng hiểu, có người nói “ông này hấp”, “thích thể hiện”, người trong đơn vị còn không đồng tình, trách anh không lo cho anh em, chỉ đi lo việc đâu đâu. Dù rằng giờ đây, người dân đã yên tâm lạc nghiệp nhưng trong anh vẫn còn nhiều điều trăn trở. Người dân vẫn chưa có điện lưới để dùng, phải mua lại của các hộ và doanh nghiệp trên địa bàn. Vệ sinh môi trường không đảm bảo. Là lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy nhưng Thủy đội kiêm cả công việc của chính quyền, đó là quản lý các hộ dân làng chài, mọi việc khó khăn của dân, anh và đồng đội phải xắn tay giải quyết.
 
“Cái tầm chúng tôi chỉ biết tạo điều kiện đến đó. Đã đưa vào đây thì liên quan đến chính quyền địa phương là phải thực hiện biện pháp an sinh cho người dân chứ bọn tôi cũng chỉ đưa vào đây là hết quyền. Nhưng nay chuyển giao giữa đường thủy và đường bộ chưa có, chúng tôi và lực lượng biên phòng vẫn đang quản lý” – giọng anh trùng xuống.
 
Khắc tinh của tội phạm
 
Không ai nghĩ một khắc tinh của tội phạm như anh lại rất hiền trước một câu bông đùa của ai đó. Trong anh có một trái tim nhân hậu và một ý chí sắt đá, cứng rắn, chẳng tội phạm ranh ma nào khiến anh dừng bước. Những câu chuyện anh kể chẳng khác nào một bộ phim hành động.
 
Dọc tuyến sông Cấm trước đây, có rất nhiều băng, ổ nhóm trộm cắp, cướp bóc hung hãn. Những tên thủy tặc chẳng khác gì đặc công nước, leo qua mạn những con tàu cao đến 4 - 5 mét lên boong để trộm cắp tài sản, cắt những dây cáp to bằng bắp tay. Điển hình là băng nhóm của Sơn “vổ” (tức Nguyễn Ngọc Sơn, sinh năm 1977, ở bờ đê Bến Bính, huyện Thủy Nguyên). Chúng khá tinh vi, thường bố trí đàn em quan sát động tĩnh trước khi hành động. Khi có điều kiện, Sơn “vổ” cùng đồng bọn chèo thuyền nan áp sát mạn leo lên boong trộm cắp. Chỉ cần vài phút cắt đứt dây neo, chúng đã lấy được chiếc mỏ neo nặng hàng trăm kg mang đi bán sắt vụn. Khi bị phát hiện, chúng sẵn sàng dùng gậy gộc và mái chèo chống cự hoặc nhanh chóng lao xuống sông lặn mất.
 
Để bắt được Sơn “vổ”, Trung tá Ngô Minh Tuệ phải cho trinh sát phục hàng tháng trời để nắm quy luật hoạt động rồi bài binh, bố trận khiến chúng không kịp trở tay, giữ toàn bộ người và tang vật vừa trộm cắp được.
 
Từ năm 2013 đếnnay, anh và đồng đội đã bắt được 3 nhóm trộm cắp, có nhóm phải phục đến 3 tháng mới bắt được. Trung tá Ngô Minh Tuệ cho biết, sông nước mênh mông, tội phạm hoạt động vô cùng tinh vi khiến cho công tác đấu tranh của lực lượng công an không ít khó khăn. Phát hiện dấu vết nhưng không nhanh trí xử lý kịp thời, chúng sẽ nhanh chóng phi tang.
 
Quản lý địa bàn không chỉ phức tạp về an ninh trật tự mà an toàn giao thông cũng luôn là vấn đề nóng bỏng, xung đột giữa luồng hàng hải và đường thủy nội địa, trong khi luật lệ mỗi luồng lại khác nhau, bất cập trong điều tiết, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông, anh phải tự học các quy định của Luật hàng hải. Bản thân anh và đồng đội thậm chí nhiều lúc phải làm thay cả công việc của Cảng vụ, khi phân luồng phải ra hướng dẫn trực tiếp cho các tàu. Công việc khó khăn, vất vả là vậy, nhưng chẳng bao giờ anh nề hà gian khó.
 
Chu Thanh Vân (TTXVN)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN