05:23 23/05/2012

Xã hội hóa việc làm phim

Sự xuất hiện của những cá nhân hoặc nhóm làm phim như 8 cậu sinh viên của Bình Định cho thấy sự mạnh dạn trong suy nghĩ của những người trẻ, vốn lớn lên trong môi trường mà văn hóa nghe nhìn được phát triển mạnh.

Cơn sóng ngầm của nền điện ảnh

Tháng 10/2010, 8 nam sinh Bình Định đã khuấy đảo cộng đồng mạng với bộ phim hành động mang tên “Đòn bẩy”. Trong 28 phút của bộ phim, họ đã làm người xem kinh ngạc với những pha đấu võ đẹp mắt mang phong cách điện ảnh Thái Lan. Thống kê sơ bộ trên trang Youtube cho thấy, từ thời điểm công bố đến nay bộ phim này đã được gần 1 triệu lượt người xem.


Bộ phim được làm ròng rã trong vòng 6 tháng, với những chiếc máy quay đi mượn và kinh phí thực hiện bộ phim là… không một đồng nào. Các thành viên đoàn làm phim học những ngành không liên quan đến điện ảnh như: Điện tử, xây dựng, kiến trúc, y dược… Họ làm bộ phim này chỉ vì đam mê.

Cảnh trong phim “Dành cho tháng 6”.


Trong khoảng 3 năm trở lại đây, trên mạng Internet đã xuất hiện rất nhiều sản phẩm đa phương tiện rất gần với điện ảnh do những người Việt trẻ sản xuất. Phần lớn trong số họ được sinh ra cuối những năm 80 đầu những năm 90.


Sự xuất hiện của những sản phẩm này giống như là một phong trào trong giới trẻ. Khó để định nghĩa chính xác về làn sóng này. Nó giống như một thú chơi và người chơi phải bỏ rất nhiều chất xám, thời gian và tiền bạc để đi theo.


Rất nhiều trong số các sản phẩm được đưa lên mạng là của sinh viên sân khấu điện ảnh. Nhưng cũng có không ít các bộ phim là do những người nghiệp dư sản xuất.


Hiện tại đa phần các clip do cộng đồng mạng sản xuất chỉ là những clip ngẫu hứng hoặc tình cờ ghi lại được. Nhưng với những nhà làm phim trẻ này, clip của họ thường có một kịch bản, góc quay trau chuốt, và được dựng hậu kì, lồng tiếng, làm nhạc kĩ lưỡng. Về cơ bản, công việc họ làm cũng gần giống các nhà làm phim, chỉ khác về mức độ phức tạp.


Trong trường hợp bộ phim “Đòn bẩy”, người xem sẽ bất ngờ khi thấy những cậu sinh viên thể hiện những pha ra đòn dứt khoát, mạnh mẽ như ngôi sao võ thuật Tony Jaa của điện ảnh Thái Lan. Những pha hành động đẹp còn được đạo diễn bố trí 2-3 máy quay và khi lên phim thì cho chiếu lặp lại ở nhiều góc khác nhau. Đây là cách phô diễn võ thuật quen thuộc mà người hâm mộ điện ảnh Thái Lan dễ dàng nhận ra.


Một đặc điểm khác của làn sóng này, đó là các nhà làm phim rất thành thạo trong việc sử dụng kĩ xảo điện ảnh.


Trong bộ phim hành động “Locked” do một nhóm sinh viên Học viện FPT Arena thực hiện, người xem có thể thấy đạn bay chíu chít, găm phầm phập vào bức tường bê tông của một khu tập thể cũ tại Hà Nội. Trên tay các diễn viên, những khẩu súng đồ chơi bỗng khạc lửa ầm ĩ. Tất cả đều là hình ảnh do sự thêm thắt của máy vi tính.


Bộ phim này đến nay cũng thu hút được nửa triệu lượt xem, kể từ khi công bố tháng 10/2010.


Sẽ là thiếu sót nếu như không nói đến chất lượng hình ảnh của những bộ phim nghiệp dư này. Sự thực, nhiều sản phẩm nghiệp dư hiện nay có chất lượng hình cực cao. Thậm chí xét về độ sắc nét, độ tương phản… các sản phẩm này còn tốt hơn nhiều nếu so với sản phẩm phát sóng do các đài truyền hình tại Việt Nam sản xuất.


Lý do xuất phát từ sự phổ cập các công nghệ mới như phim HD (phim độ phân giải cao) hoặc máy ảnh ống kính rời tích hợp chức năng quay phim. Việc thị trường máy ảnh tại Việt Nam tăng trưởng 20-30%/năm đã gián tiếp tạo nên một cú hích cho những người yêu thích làm phim.


Triệu Quang Huy là đạo diễn cho những clip ca nhạc đang gây sốt như “Nếu như anh đến” của Văn Mai Hương, “Nhớ Mưa” của Mỹ Linh hay “Hồ Gươm sáng sớm” của Hoàng Hải. Anh hoàn toàn tin tưởng vào những chiếc máy ảnh có khả năng quay phim như 5D MarkII hay 7D.


“5D MarkII giúp cho người quay phim tạo ra những thước phim đúng chất điện ảnh và độ phân giải thì không thua phim nhựa là mấy”, Triệu Quang Huy cho biết.


Những chiếc máy ảnh ống kính rời hiện nay có giá chỉ bằng một chiếc xe máy. Nhớ đó, người yêu điện ảnh đã có thể tự làm những bộ phim mà mình ấp ủ một cách dễ dàng chưa từng có với chất lượng không thua kém phim chiếu rạp thực thụ.


Sự xuất hiện của những cá nhân hoặc nhóm làm phim như 8 cậu sinh viên của Bình Định cho thấy sự mạnh dạn trong suy nghĩ của những người trẻ, vốn lớn lên trong môi trường mà văn hóa nghe nhìn được phát triển mạnh.


Giới trẻ đang đi theo những yêu cầu cao về thẩm mỹ và kỹ thuật, quan trọng hơn nữa, họ bắt tay vào làm.


Những cuộc chơi lớn dần


Năm 2010, cuộc thi “Làm phim 48h” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Tuy là lần đầu tiên nhưng đã có đến 47 nhóm tham gia cuộc thi. Khoảng một nửa trong số đó là các học sinh trung học phổ thông.


Sang năm 2011, cuộc thi được tổ chức ở cả hai miền Nam Bắc. Riêng ở Hà Nội có tới 50 đội đăng kí tham gia.


Theo luật chơi, các đội sẽ phải bốc thăm chọn thể loại phim, nhận những yêu cầu và tiến hành làm một bộ phim trong vòng 48 giờ. Đội nào quá giờ chưa có sản phẩm nộp sẽ bị loại.


Đây là cuộc thi quốc tế được khởi xướng từ năm 2001, từng được tổ chức tại 100 thành phố trên khắp thế giới. Trong hơn 10 năm tồn tại, cuộc thi đã tạo ra hơn 13.000 bộ phim. Những bộ phim hay nhất sẽ được đem đến chiếu tại Liên hoan phim Cannes.


Tại Việt Nam, giám khảo cuộc thi là những đạo diễn có tên tuổi như Phillip Noyce, Phan Đăng Di, Nguyễn Quang Dũng, Vĩnh Sơn, Nguyễn Tranh…


Đề thi cũng khá là hóc hiểm, ngoài việc bốc thăm chọn thể loại phim mình sẽ phải làm, các đội thi còn được cho một số yếu tố bắt buộc phải có trong phim như một đồ vật, một câu thoại, một cái tên nhân vật… Từ lúc ra đề cho đến lúc thu bài, tất cả chỉ có 48 giờ.


Thống kê trên khắp thế giới cho thấy chỉ có khoảng 76% số đội thi là hoàn thành đúng thời hạn. Cuộc thi đòi hỏi các đội chơi phải có sự làm việc tập thể cao từ khâu lên ý tưởng cho tới lúc hoàn thành hậu kì. Đó thực sự là cuộc đua với thời gian để kịp tiến độ sản xuất.


Cuộc thi không chỉ đề cao giá trị điện ảnh mà còn thúc ép người chơi phải lao động một cách nghiêm túc và gấp rút nếu mong muốn đoạt giải.


Tại Việt Nam, trong năm thi đầu tiên chỉ có 39/47 đội hoàn thành đúng thời gian. Tuy nhiên chất lượng phim thì đã được nhà sản xuất Ross Stewart tán thưởng: "Lần đầu tiên tổ chức, chất lượng các phim tham gia đã vượt quá dự đoán của tôi. Một số nhà làm phim độc lập của VN có cảm nhận thị giác rất tốt về bố cục, cũng như có năng khiếu độc đáo về cách kể chuyện thông qua những hình ảnh có tính biểu tượng".


Bộ phim đoạt giải phim hay nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2010, A Good day to die của Young Media đã được trình chiếu tại LHP quốc tế Cannes.


Rất nhiều cá nhân từng tham gia cuộc thi này cũng mạnh dạn hơn trên con đường điện ảnh. Đầu năm nay, đạo diễn sinh năm 1991 Nguyễn Lê Hoàng Việt cũng đã cho ra mắt bộ phim “The visitor”. Bộ phim đã lọt vào top 10 phim tranh giải bình chọn tại cuộc thi phim ngắn Á – Âu ( Asina - Ẻurope Short Film Contest).


Cơ hội kiếm tiền


Đạo diễn Triệu Quang 

 

Các bạn làm phim trẻ bây giờ thì có lợi thế là được tiếp cận với máy ảnh DSLR rất sớm. Phim quay bằng các máy này thì có góc nhìn giống gần như 100% với phim nhựa. Nhưng mặt khác thì cũng do máy ảnh tốt quá, khi quay lên đã đem lại cái không khí điện ảnh rồi nên các bạn không chú ý lắm đến việc bố trí ánh sáng. Với những người chuyên nghiệp thì cái cách bố trí ánh sáng của họ sẽ mang rất nhiều cảm xúc. Tóm lại, họ còn thiếu nhiều những kiến thức cơ bản.

Còn về việc làm phim ở Việt Nam thì mình thấy cũng không có gì khó khăn lắm. Ở Hà Nội thì nắng mưa rất thất thường nên hay phải hoãn quay lại. Còn việc liên hệ địa điểm ở Hà Nội thì rất dễ dàng. Ngoài ra thì về trang thiết bị có một số thứ hơi khó kiếm ở Việt Nam.

Cái hay của các bạn trẻ là rất thoải mái chia sẻ. Mình vẫn hay mở những buổi nói chuyện ở nhà, chia sẻ cách làm màu phim hoặc đặt ánh sáng. Anh em đến rất đông.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn:

Một cái khó của nhà làm phim trẻ là có ít sự tin tưởng. Ngoài việc khó để huy động vốn nhiều khi trong đoàn làm phim mình cũng cảm thấy khó để giải thích hoặc thuyết phục mọi người. Bản thân mình đôi lúc cũng mất tự tin. Ba tháng trước khi khởi quay, mình tin 100% là mình làm được, nhưng càng lúc niềm tin càng sụt xuống. Đến lúc khởi quay thì mình chỉ còn tin 70% là mình làm được thôi. May mắn là sau 3 ngày làm việc thì mình đã lấy lại được sự tự tin. Tâm lý chung thì người ta thường sợ những cái chưa làm mà.

Anh em làm phim trẻ cũng đang chờ đợi động tĩnh từ phim “Dành cho tháng 6” của mình. Nhiều người hi vọng mình có thể nổ phát súng đầu tiên thành công. Cá nhân mình cũng muốn thể hiện tiếng nói của giới trẻ trong ngành điện ảnh.

Mình cũng rất ngạc nhiên về sự đổi mới của các đạo diễn già. Mình thấy hơi bất ngờ vì cách xử lý của bộ phim “Đừng đốt” và “Trăng nơi đáy giếng” là rất hiện đại. Các đạo diễn già hình như cũng đang trẻ hóa.

“Thị trường là rất tốt”, đạo diễn Triệu Quang Huy nói. “Hiện tại tôi phải từ chối bớt việc. Cách đây 45 năm thì chả có ca sĩ nào dám bỏ cả trăm triệu đồng ra để làm clip ca nhạc. Nhưng bây giờ thì họ sẵn sàng”.


Sau sự thành công của hàng loạt video ca nhạc, hiện tại có rất nhiều đơn đặt hàng đến với anh. Tuy nhiên anh phải từ chối vì một số loại nhạc anh không thể “cảm” được.


Ngoài các ca sĩ cũng có rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền ra để quảng bá cho doanh nghiệp của mình. Tại các sự kiện lớn, các công ty cần có những sản phẩm media giới thiệu.


Trong năm 2011, đạo diễn này đã làm không dưới 20 sản phẩm mang tính thương mại như vậy. Không tiết lộ về doanh thu nhưng anh cho biết mình đang sống rất tốt nhờ nghề. Cơ hội cho các nhà làm phim trẻ có thể kiếm ra tiền để theo đuổi đam mê là không ít.


Mặc dù vậy, không có con đường nào là dễ dàng cả. Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn (SN 1985), một nhà làm phim độc lập, đã mất 2 năm cho bộ phim dài đầu tay “Dành cho tháng 6”.


“Mọi nguồn kinh phí đều phải tự huy động. Liệu có hãng phim nào tín nhiệm một người trẻ như mình không? Còn vay ngân hàng thì càng khó. Ai mà chịu cho vay để làm một dự án khó đánh giá thành quả như vậy”, Nguyễn Hữu Tuấn nói.


Thông thường những bộ phim có hãng phim lớn đỡ đầu sẽ được lợi thế về bộ máy chuyên nghiệp, tài chính ổn định, và guồng máy quảng bá sản phẩm rộng khắp. Còn những đạo diễn độc lập như Tuấn sẽ phải tự lo từ việc tìm nguồn kinh phí, xây dựng ê kip làm việc cho đến quảng bá sản phẩm.


Tuấn đã sử dụng hoàn toàn công nghệ quay bằng máy ảnh để tiết kiệm chi phí sản xuất. Những người quan trọng nhất của đoàn làm phim đều được anh “nhặt” từ những mối quan hệ bạn bè.


Bộ phim của anh mất tới hơn 1 năm ròng cho công đoạn hậu kì, mặc dù bộ phim không thuộc thể loại hoành tráng la liệt kĩ xảo. Một phần vì đạo diễn trẻ muốn trau chuốt từng ly từng tý cho đứa con cứng, song mặt khác anh tốn rất nhiều thời gian cho các công đoạn phụ. Rất nhiều công đoạn chỉ là chuyện nhỏ đối với các hãng làm phim có qui trình công nghiệp, nhưng với nhà sản xuất độc lập như Tuấn lại là một trở ngại lớn.


Bản thân anh cũng phải đóng vai nhân viên bán hàng khi đi chào mời các nhà phát hành mua phim của mình. Bộ phim sau đó đã được hãng BHD mua để phát hành trên hệ thống rạp tại Việt Nam.


Liệu bộ phim có thành công về mặt thương mại hay không. Nguyễn Hữu Tuấn chưa dám chắc. Anh chỉ biết rằng: “Chưa làm thì thấy sợ chứ làm rồi thì không còn sợ nữa”.

Phong Anh