10:06 11/10/2016

Wrigley - ông trùm đế chế kẹo cao su

William Wrigley Jr. là ông trùm của một trong những công ty sản xuất kẹo cao su lớn nhất thế giới với các nhãn hiệu như Orbit, Extra, Juicy Fruit và đặc biệt là “2 lá bạc hà” Doublemint. Chặng đường xây dựng “đế chế” kẹo cao su của người đàn ông kỳ tài dám nghĩ dám làm thực sự khiến thế hệ sau phải ngưỡng mộ.

Sinh năm 1861 tại Philadelphia (Mỹ) trong một gia đình chuyên buôn bán, sản xuất xà phòng, có thể nói dòng máu kinh doanh đã chảy trong huyết quản của Wrigley ngay từ nhỏ. Khi còn đi học, Wrigley đã nổi tiếng ngỗ nghịch, hay chơi khăm. Năm 11 tuổi, Wrigley cùng bạn bỏ nhà và đến New York trở thành trẻ lang thang. Sau một thời gian vạ vật trên đường phố, Wrigley quay về nhà nhưng không lâu sau đó bị đuổi học. 

Cha của Wrigley quyết định rèn giũa con trai bằng cách đưa con đến làm việc tại nhà máy xà phòng của gia đình. Nhưng cậu bé Wrigley không hề muốn đảm nhận việc lao động chân tay nặng nhọc 10 tiếng/ngày do vậy đến năm 13 tuổi cậu đã đi rao bán xà phòng cho cha. 

Lăn lộn trên thương trường từ sớm, Wrigley tích lũy rất nhiều kinh nghiệm về quảng cáo, chào mời sản phẩm. Đến năm 1891, ở độ tuổi 30, Wrigley quyết định tự thành lập công ty có tên Wrigley.  

William Wrigley Jr.

Ban đầu Wrigley không “kết duyên” ngay với kẹo cao su mà chỉ tập trung bán xà phòng. Với sự nhanh nhạy đi trước thời đại, Wrigley nảy ra sáng kiến bổ sung thêm các phần quà nhỏ như ô và bột nở khi khách hàng mua xà phòng. Do kỹ thuật nướng bánh trong thời gian đó đã thay đổi nên không ngạc nhiên khi doanh thu “thăng hoa” nhờ phần quà đi kèm là bột nở.
Wrigley ngay lập tức nhận ra “nhân vật chính” và chuyển từ xà phòng sang kinh doanh bột nở. Ở thời điểm này, bột nở được bán tặng kèm kẹo cao su miễn phí. Và lịch sử lại lặp lại, lần này, kẹo cao su lại hút người tiêu dùng hơn. Vẫn với sự khôn ngoan thường lệ, Wrigley liền “bỏ rơi” bột nở để đến với kẹo cao su và kết quả sau này cho thấy đây là lựa chọn hoàn toàn sáng suốt.

Từ năm 1892, kẹo cao su của công ty Wrigley ra đời. Ban đầu sản phẩm kẹo cao su mà Wrigley chào hàng được một công ty có tên Zeno sản xuất. Wrigley gợi ý Zeno sử dụng chicle (chiết xuất từ nhựa cây hồng xiêm) để sản xuất kẹo cao su thay cho paraffin. Sau đó, Wrigley tập trung cải tiến để kẹo cao su thu hút giới trẻ hơn và khởi động “chiến dịch” với kẹo cao su Vassar và Lotta.

Đến năm 1893, Juicy Fruit - một loại kẹo cao su vị ngọt, hương trái cây - được “trình làng” và đến nay vẫn nổi tiếng. Một vài tháng sau, Wrigley cho ra mắt kẹo cao su hương bạc hà Spearmint. Loại kẹo này đều được bán theo phong gồm 5 thanh.

Sự “tiến hóa” bao bì của kẹo cao su Juicy Fruit, Doublemint và Spearmint.

Từ thời điểm đó, Wrigley dành 187 ngày đi dọc ngang đất nước quảng bá cho “các con cưng”. Ông vẫn tiếp tục “chiêu” đồ tặng kèm khá phong phú từ đèn cho tới cân, dao bỏ túi... Nhận ra khách hàng thường mua kẹo cao su theo cảm hứng, Wrigley đề nghị người bán lẻ bày kệ đựng kẹo cao su ở quầy thanh toán. Như vậy, trong lúc đợi tính tiền, khách hàng có thể vô tình nhìn thấy hộp kẹo cao su và muốn mua thêm. Sau khi doanh thu của Juicy Fruit và Spearmint tăng, Wrigley quyết định từ bỏ Vassar và Lotta.

Năm 1907, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra tại Mỹ, người tiêu dùng tiết kiệm hơn và e dè với những mặt hàng họ cho là không cần thiết, do vậy doanh thu của các nhà sản xuất kẹo cao su giảm dần. Họ phải thu hẹp sản xuất. Chi phí đầu tư cho quảng cáo cũng giảm. Công ty Wrigley và các đối thủ đều chịu ảnh hưởng và ở bên bờ vực phá sản.

Wrigley khi đó đã đánh cược tiền tiết kiệm cá nhân vào công ty. Ông thế chấp tài sản và chi 250.000 USD (tương đương 6,2 triệu USD ngày nay) cho quảng cáo. Đây là bệ phóng để công ty Wrigley nổi tiếng toàn nước Mỹ. Trong khi doanh số của các đối thủ “loạng choạng” thì chỉ riêng kẹo cao su Spearmint đã giúp Wrigley bỏ túi hơn 1 triệu USD/năm sau khoản đầu tư quảng cáo đầy mạo hiểm. Tổng doanh thu của công ty Wrigley đã tăng từ 170.000 USD lên 3 triệu USD (tương đương 75 triệu USD hiện nay).

Dù vậy, Wrigley không ngủ quên trên chiến thắng. Ông đã bỏ tiền mua công ty Zeno vào năm 1911. Năm 1910, Wrigley thành lập nhà máy kẹo cao su tại nước láng giềng Canada. Năm 1915, ông đưa kẹo cao su Wrigley “xuyên biển” tới Australia, và năm 1927 là đến Anh. Năm 1914, Wrigley cho ra mắt sản phẩm mới Doublemint.  Năm 1919, công ty Wrigley niêm yết trên sàn chứng khoán tại Phố Wall. 

Wrigley tiếp tục duy trì tài năng xuất chúng trong quảng cáo. Ông đã gửi 4 thanh kẹo cao su miễn phí tới các địa chỉ có trong danh bạ điện thoại Mỹ vào thời đó. Sau này, Wrigley thực hiện thêm một chiến lược tương tự bằng cách gửi 2 thanh kẹo cao su cho mọi đứa trẻ vào sinh nhật tuổi thứ hai. Tổng cộng, Wrigley đã gửi kẹo cao su miễn phí tới 1,5 triệu địa chỉ trong năm 1915 và 7 triệu nhà trong năm 1919. 

Với doanh thu lớn, Wrigley liền đầu tư vào các lĩnh vực khác như bất động sản và thể thao. Ông mua hầu hết đảo Catalina ở California với giá 3 triệu USD rồi xây khu nghỉ dưỡng. Năm 1916 ông mua cổ phần của câu lạc bộ bóng chày Chicago Cubs. Năm 1926, sân vận động của Chicago Cubs được xây dựng, sau này được đổi tên thành Wrigley Field.

Năm 1925, Wrigley chuyển giao vị trí tổng giám đốc cho con trai Philip Knight Wrigley và giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị. Ngày 26/1/1932, William Wrigley Jr. trút hơi thở cuối cùng.

Hà Linh