07:10 14/07/2018

World Cup 2018: Sức mạnh tiền bạc không có chỗ ở World Cup

Nếu ở bóng đá cấp CLB, mọi thứ giải quyết được bằng tiền, rất nhiều tiền, thì ở cấp ĐTQG, đội hình phải lựa chọn từ "hàng nội", không có thị trường chuyển nhượng để dùng sức mạnh kinh tế lấp các vị trí trên sân.

Cổ động viên hai đội tuyển Panama và Tunisia trong lượt trận cuối cùng tại bảng G, Vòng chung kết World Cup 2018 diễn ra ở Saransk, Nga, ngày 28/6. Ảnh: THX/TTXVN

Khi quốc ca Panama vang lên trước trận gặp Bỉ, phản ứng của những người dẫn chương trình truyền hình Panama nói lên tất cả. David Samudio đầy phấn khích vung tay như ăn mừng rồi ôm chặt đồng nghiệp Miguel Remon, người thổn thức khóc vì xúc động. Còn ở Iceland, một tỷ lệ gần như tuyệt đối 99,6% người xem truyền hình dõi theo các cầu thủ nhà trận gặp Argentina. Đó là những cảm xúc, là sự cuốn hút tột cùng với cả một quốc gia khi lần đầu được có mặt ở World Cup.

Thường thì suốt cả năm, bóng đá cấp độ ĐTQG bị coi là khoảng chen ngang chán chường vào mùa giải bóng đá châu Âu. Quan điểm chung vẫn là bóng đá đỉnh cao nhất chỉ có Champions League. Ngay cả cựu HLV huyền thoại Alex Ferguson của Manchester United còn có lần nhận xét rằng World Cup "khá hơn là đi nha sĩ".

Nhưng một tháng Hè tưng bừng vừa qua ở Nga đã cho thấy World Cup vẫn mang ý nghĩa độc nhất của mình và hoàn toàn có thể đưa cả một đất nước vào trạng thái lâng lâng chiến thắng hay u sầu thất bại.

Bóng đá cấp CLB đang chứng kiến tình trạng "lũng đoạn" khi những giải đấu lớn bị một số ít "đại gia" thống trị. Đó là một vòng tròn khi họ được hưởng nhiều hơn từ một hệ thống phân phối doanh thu có lợi cho họ (bản quyền truyền hình, tiền thưởng Champions League...) và tiếp tục dùng sự giàu có đó làm mạnh thêm đội hình. Ngược lại, World Cup tạo điều kiện cho những quốc gia bé nhỏ như Iceland, Panama, Costa Rica, Uruguay... bước ra sân đồng đẳng, chơi sòng phẳng với những đối thủ lớn hơn.

Nếu ở bóng đá cấp CLB, mọi thứ giải quyết được bằng tiền, rất nhiều tiền, thì ở cấp ĐTQG, đội hình phải lựa chọn từ "hàng nội", không có thị trường chuyển nhượng để dùng sức mạnh kinh tế lấp các vị trí trên sân. Các quy định ngặt nghèo về quốc tịch giúp bảo đảm rằng những nước giàu có không thể mua vinh quang bằng cách đem về những siêu sao.

Cựu HLV Scotland Andy Roxburgh, một thành viên Nhóm nghiên cứu kỹ thuật của FIFA, nhấn mạnh: "Sức mạnh tiền bạc không có chỗ ở World Cup".

Một minh họa rõ nét là Croatia. Ở bóng đá cấp CLB, họ chẳng là gì cả. Các đội bóng nước này chủ yếu bị coi là nguồn cung cấp tài năng cho các giải châu Âu khác. Thế nhưng một sức mạnh tập thể gắn kết đã đưa họ đi đến trận chung kết của World Cup 2018.

Trong khi bất ngờ ở bóng đá cấp CLB ngày càng hiếm hoi, đây lại là thứ đầy ắp ở World Cup. Brazil và Anh cần đến những bàn thắng phút bù giờ mới vượt qua được Costa Rica và Tunisia. Mexico và Hàn Quốc cùng hạ gục ĐKVĐ Đức. Nhật Bản dẫn trước Bỉ 2-0 trước khi bị lội ngược dòng thua 2-3 đầy kịch tính.

Trường hợp Uruguay cũng đáng ca ngợi khi đội tuyển của một đất nước vẻn vẹn 3,3 triệu dân này 3 lần liên tiếp vượt qua vòng bảng. HLV Oscar Tabarez tự hào: "Tôi đã có những cảm giác mãn nguyện ở cấp độ CLB tại nhiều giải vô địch trên thế giới. Nhưng không gì sánh được sự mãn nguyện khi dẫn dắt ĐTQG".

Tabarez nhấn mạnh: "Tôi thấy có những CLB lớn ở châu Âu có ý tưởng cạnh tranh với World Cup. Nhưng rõ ràng là không một sự kiện nào ở thời bình lại thu hút được sự quan tâm của nhiều người như World Cup".

Vũ Anh (TTXVN)