07:14 12/07/2018

WORLD CUP 2018: Sắc màu đặc biệt từ người nhập cư

Người nhập cư đang là một vấn đề nóng, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, nhiều khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, trong lĩnh vực thể thao, đặc biệt là bóng đá và World Cup, “người nhập cư” hầu như không còn là mối bận tâm nữa.

Quả thực như vậy, nếu như không có dòng người di cư, không có nhiều cầu thủ thuộc các nguồn gốc khác nhau thi đấu trong cùng một màu áo thì giải đấu bóng đá danh giá, hấp dẫn hàng đầu thế giới sẽ rất khác biệt và các trận đấu sẽ mất đi sự thú vị. Bóng đá và nhập cư đã hoàn toàn hoà quyện với nhau, và ví dụ cụ thể nhất chính là 4 đội bóng có mặt tại vòng bán kết của World Cup lần này.

Chú thích ảnh
Tài năng trẻ Kylian Mbappe xuất sắc ghi cú đúp cho Pháp trước tuyển Argentina ở Kazan, Nga, ngày 30/6. Ảnh: THX/TTXVN

“Tôi không thấy rằng họ là người da đen, mà tôi thấy họ màu xanh (les Bleus)”, một cổ động viên da trắng của Pháp đã trả lời khi được hỏi về các cầu thủ da màu trong đội tuyển.

Quả thực, không thể phủ nhận sức mạnh mà các cầu thủ da màu gốc Phi mang lại cho đội bóng của "đất nước hình lục lăng". Trong đội hình của họ, có đến 12 cầu thủ mang trong mình dòng máu châu Phi.

Đối với những người ủng hộ đội tuyển quốc gia, việc có nhiều cầu thủ da màu là một điều đặc biệt và đáng tự hào hoặc không phải vấn đề gì quá to tát. Nhưng với những người cánh hữu, đó lại là nguồn cơn cho nhiều sự chỉ trích. Trên thực tế, tỷ lệ các cầu thủ mang trong mình dòng máu châu Phi của đội tuyển Pháp (78,3%) vượt xa tỷ lệ người nhập cư chung của toàn nước Pháp (6,8%).

Lịch sử bóng đá đã chứng minh đây là một môn thể thao có khả năng "tích hợp" các cộng đồng nhập cư với người bản địa. Những người nghèo, các khu công nhân luôn là một nguồn cung cấp dồi dào cầu thủ bóng đá tài năng và không ít người trong số họ sau đó đã đứng trong hàng ngũ đội tuyển quốc gia.

Ngôi sao mới nổi của đội tuyển Pháp - Kylian Mbappe - có mẹ là người Algeria và cha là người Cameroon, hiện đang là người hùng trong con mắt hàng triệu thanh niên Pháp thuộc mọi sắc tộc. N’Golo Kante và Paul Pogba cũng là những người gốc Phi và là thành viên quan trọng của Les Bleus.

Đội hình của Bỉ cũng khá đa dạng. Cầu thủ Romelu Lukaku - một trong những tiền đạo xuất sắc nhất thế giới hiện nay - chia sẻ rằng anh đã phải đấu tranh và nỗ lực hết mình để thực sự được chấp nhận.

“Khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp, các cổ động viên gọi tôi là Romelu Lukaku - tiền đạo người Bỉ. Khi mọi thứ không ổn, họ gọi tôi là tiền đạo người Congo, gốc Congo. Nếu bạn không thích cách tôi chơi, điều đó không vấn đề gì. Nhưng có một sự thật là tôi sinh ra ở Bỉ, lớn lên ở Antwerp, Liege và Brussels”.

Trong số 23 tuyển thủ Bỉ tham dự World Cup lần này, có 11 người có nguồn gốc nhập cư (chiếm tỷ lệ 47,8%), so với tỷ lệ chung của toàn quốc gia là 12,1%.

Đối với đội tuyển Anh, số lượng cầu thủ nhập cư cũng là 11 người, so với mức trung bình của toàn quốc là 9,2%. Huấn luyện viên Gareth Southgate chia sẻ: “Với sự đa dạng và tuổi trẻ, chúng tôi đại diện cho một nước Anh hiện đại”.

Trong đội hình của đội tuyển Croatia, phần lớn là các cầu thủ da trắng, nhưng không ít người trong số họ có những mối liên hệ với nhiều quốc gia khác. Những cầu thủ sinh ra, lớn lên ở nước ngoài, nhưng có nguồn gốc Croatia từ lâu đã là một phần của đội tuyển quốc gia nước này. Nổi bật nhất là Ivan Rakitic lớn lên tại Thụy Sĩ và Mateo Kovacic trải qua những năm tháng tuổi thơ của mình tại Áo. Rakitic cùng với Luka Modric đã hình thành nên bộ đôi tiền vệ mạnh nhất World Cup lần này.

Nhà sử học Yvan Gastaut thuộc trường Đại học Nice (Pháp) cho biết bóng đá cho phép xoa dịu vấn đề di dân, vốn đang tiềm ẩn gây ra một cuộc khủng hoảng mới tại các nước châu Âu. Nhờ dòng người nhập cư, bóng đá đã trở nên phong phú, đa dạng và đầy màu sắc. Bóng đá cho thấy nguồn gốc của một cầu thủ không ảnh hưởng đến ước mong và khát vọng cống hiến cho đội tuyển. Nhờ bóng đá, nhiều cầu thủ thuộc các chủng tộc khác nhau có thể đoàn kết, gắn bó với nhau dưới màu áo của một đội tuyển quốc gia, và đây thực sự là một điều kỳ diệu tuyệt vời.

Lê Quang Trường (Pv TTXVN tại Bắc Phi)