09:00 14/09/2011

Wilfred Burchett và tình yêu với Việt Nam

Diễn ra ngày hôm nay (14/9), tại Hà Nội, triển lãm ảnh “Wilfred Burchett với Việt Nam” do Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam – Ôxtrâylia và gia đình nhà báo Wilfred Burchett phối hợp tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Wilfred Burchett.

Diễn ra ngày hôm nay (14/9), tại Hà Nội, triển lãm ảnh “Wilfred Burchett với Việt Nam” do Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam – Ôxtrâylia và gia đình nhà báo Wilfred Burchett phối hợp tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Wilfred Burchett.

Wilfred Burchett làm việc tại bản doanh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Nguyên, tháng 3/1954.


Là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của thế kỷ 20, Wilfred Burchett cũng là nhà báo nước ngoài đã dành nhiều tâm huyết và tình yêu cho đất nước và con người Việt Nam. Bằng ngòi bút của mình ông đã giúp nhân dân thế giới hiểu rõ hơn và ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Cơ hội để xem những tác phẩm giá trị

Triển lãm ảnh “Wilfred Burchett với Việt Nam” trưng bày 100 bức ảnh ông chụp tại Việt Nam từ tháng 3/1954, khi ông gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên tại An toàn khu Thái Nguyên; cho đến tháng 5/1966, khi ông thực hiện cuộc phỏng vấn có ghi hình đầu tiên với Bác Hồ. Những bức ảnh này là những tác phẩm rất có giá trị của nhà báo Burchett đối với lịch sử cách mạng Việt Nam. Trong số đó, có rất nhiều bức chụp nhà báo Wilfred Burchett, do người khác chụp bằng chính chiếc máy ảnh của ông.

Triển lãm được trưng bày thành 3 chuyên đề chính, theo giai lịch sử khác nhau gồm: Phía Bắc vĩ tuyến 17 (1954-1956); Chiến tranh du kích – Câu chuyện từ trong lòng chiến khu (1963-1964); Bắc Việt Nam (1966).

“Phía Bắc vĩ tuyến 17” là những bức ảnh được chụp trong những năm 1954-1956. Đây là những bức ảnh đánh dấu lần đầu tiên Wilfred Burchett đặt chân đến căn cứ kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Nguyên, vào tháng 3/1954, những bức ảnh chụp ông sống và làm việc tại căn cứ kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay trên đường ông đi đến Điện Biên Phủ... Bên cạnh đó, còn có rất nhiều những bức ảnh ông ghi lại những hình ảnh về cuộc sống, sinh hoạt đời thường của bà con dân tộc vùng Tây Bắc như một bản làng của người Thái ở Điện Biên Phủ, cảnh một đôi vợ chồng người Mông đi chợ về, rồi những cô thiếu nữ Thái, trẻ em Thái... đến cảnh lao động trên đồng ruộng, trên những công trường xây dựng đập thủy lợi, xây dựng đường sắt... đến những bức ảnh chụp vịnh Hạ Long, chợ Tết ở Hà Nội...

“Chiến tranh du kích – Câu chuyện từ trong lòng chiến khu” gồm những tác phẩm ảnh chụp trong những năm 1963 - 1964. Thời kỳ này, Wilfred Burchett có mặt trong vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, ông cũng là nhà báo phương Tây đầu tiên đặt chân đến nhiều vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam, và đi rất nhiều cùng các chiến sỹ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP). Trong thời gian này, ông đã có cơ hội gặp gỡ và chụp ảnh nhiều lãnh đạo của MTDTGP miền Nam Việt Nam.

“Bắc Việt Nam” là chuyên đề trưng bày những tác phẩm ảnh được chụp trong năm 1966. Trong chuyên đề này, bên cạnh những bức ảnh ghi lại cuộc phỏng vấn của Wilfred Burchett với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ảnh chụp chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Wilfred Burchett đã dành khá nhiều thời gian để chụp những người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến tranh, với những vai trò nặng nề mà họ phải gánh vác. Đối với ông, những người phụ nữ Việt Nam không chỉ là những người vợ, người mẹ, mà họ còn đại diện cho lực lượng kinh tế, gánh vác những công việc, trọng trách lớn lao ở hậu phương, từ chiến đấu ngoài mặt trận, đến công việc xây dựng nặng nhọc và nguy hiểm ở rừng núi, hay mở mang và sửa chữa đường sá... để nam giới có thể yên tâm tập trung cho “tiền tuyến”.

Người bạn lớn của nhân dân Việt Nam

Wilfred Burchett sinh ngày 16/9/1911 tại Menbơn, Ôxtrâylia, trong một gia đình nông dân và thợ thuyền. Cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930 khiến ông sớm phải bỏ học và phiêu bạt khắp Ôxtrâylia tìm việc làm. Ông khởi nghiệp viết báo bằng những phóng sự mà ông mắt thấy tai nghe tại nước Đức phát xít. Rồi ông làm phóng viên cho tờ Daily Express ở Luân Đôn. Từ Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ và vùng Thái Bình Dương, ông gửi về tòa soạn những bài viết về diễn biến của Đại chiến Thế giới thứ 2. Một tháng sau khi thành phố Hiroshima của Nhật Bản bị ném bom nguyên tử, ông là phóng viên phương Tây đầu tiên có mặt tại đây.

Tháng 3/1954, trên đường đến Giơnevơ để viết về Hội nghị kết thúc chiến tranh ở Triều Tiên, Wilfred Burchett quyết định ghé thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại An toàn khu Thái Nguyên để tìm hiểu về tình hình ở Đông Dương. Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa một nhà báo tài năng với vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam đã khiến Wilfred Burchett gắn bó với Việt Nam từ đó.

Trong suốt gần 30 năm sau cuộc gặp Bác Hồ lần đầu tiên ấy, Wilfred Burchett đã viết rất nhiều về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, trở thành một người bạn lớn của nhân dân Việt Nam. Ông đã viết tổng cộng 8 cuốn sách về Việt Nam. Những cuốn sách này đã được nhiều người trên khắp thế giới tìm đọc. Bên cạnh những cuốn sách, Wilfred Burchett còn có những bài báo, thước phim về Việt Nam phổ biến trên toàn cầu, góp phần quan trọng tập hợp dư luận thế giới phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam.

Trong thời gian sống và làm việc tại Việt Nam, Wilfred Burchett có mối quan hệ thân thiết với nhiều nhà lãnh đạo của Việt Nam như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ… Ông cũng là nhà báo phương Tây đầu tiên đặt chân đến nhiều vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam.

Trong lời giới thiệu cuốn sách “Hà Nội dưới bom” của Wilfred Burchett, Nhà triết học người Anh Bretrand Russel, người được giải thưởng Nobel Văn học năm 1950 đã viết: “...Nếu phải mắc nợ ai đó vì đã đánh động công luận phương Tây về bản chất của cuộc chiến tranh này và khiến cho mọi người biết đến cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, thì người đó là Wilfred Burchett. Có thể nói, chỉ từ khi đọc Wilfred Burchett tôi mới thực sự hoàn toàn đứng về phía nhân dân Việt Nam với một quyết tâm sâu sắc. Ông là một người viết sử đương đại, một nhà báo thận trọng và sâu sắc, người đã tự coi mình là một với dân tộc Việt Nam, và đã phụng sự dân tộc mình một cách đáng khâm phục”... Những lời nhận xét này có lẽ cũng đã đủ để nói lên tất cả về Wilfred Burchett.

Phương Lan