04:12 16/04/2019

Wi-Fi 6 - chuẩn Wi-Fi nhiều ích lợi

Liên minh Wi-fi (Wi-fi Alliance) đã gây ra một sự khuấy động nhỏ trong cộng đồng công nghệ vào cuối năm 2018, khi công bố một sự thay đổi trong quy ước đặt tên cho mạng kết nối Internet không dây Wi-Fi.

Đã qua rồi cái thời tên của các thế hệ Wi-Fi được đặt với những chữ tập hợp chữ cái khó nhớ, như 802.11ac cho Wi-Fi 5 hay 802.11n của Wi-Fi 4. Thế hệ Wi-Fi  mới được gọi bằng tên Wi-Fi 6 thay vì 802.11ax và đây sẽ là chuẩn cho thế hệ tiếp theo.

Tuy nhiên, hơn cả một quy ước đặt tên mới, Wi-Fi 6 còn có rất nhiều điểm vượt trội so với các thế hệ trước. Giới chuyên gia coi Wi-Fi 6 là “tương lai của công nghệ” khi nó sẽ giúp xây dựng những hệ thống hỗ trợ con người trong hàng thập kỷ tới.

Những cải tiến của Wi-Fi 6 so với thế hệ trước

Có thể nói rằng ưu điểm lớn nhất của Wi-Fi 6 là giúp giảm “tắc nghẽn” đường truyền và cho phép nhiều thiết bị kết nối với mạng lưới cùng một lúc. Điều này là do Wi-Fi 6 sử dụng công nghệ MU-MIMO (viết tắt của Multi-User, Muliple Input, Multiple Output) cho phép bộ định tuyến (router) xử lý kết nối của nhiều người dùng trong cùng một lần mà không ảnh hưởng tới tốc độ đường truyền. Trong khi đó, các thế hệ Wi-Fi trước dùng SU-MIMO (Single-User, Muliple Input, Multiple Output) vốn thường dễ giảm tốc độ nếu có nhiều người dùng tiếp cận cùng thời điểm.  

Về lý thuyết, Wi-Fi 6 đưa tốc độ truyền lên tới 10 Gbps, tăng 30-40% so với chuẩn Wi-Fi 5 cũ. Wi-Fi 6 cũng đi cùng bản cập nhật lên 1024 Quadrature Amplitude Modulation (QAM - điều chế biên độ vuông góc) so với bản 256 QAM hiện tại. Điều này cho phép Wi-Fi 6 phát sóng lên đến tám luồng cùng lúc, đồng nghĩa một điểm truy cập cụ thể có thể xử lý lưu lượng truy cập tới tám người dùng trong cùng thời điểm với cùng một tốc độ.

Wi-Fi 6 cũng sử dụng các công nghệ như OFDMA (công nghệ ghép kênh phân chia theo tần số trực giao) và beamforming (công nghệ phát sóng hướng vào mục tiêu cụ thể thay vì lan tỏa) để cải thiện hiệu quả phát và dung lượng mạng. Với việc ngày càng nhiều hộ gia đình sở hữu nhiều thiết bị điện tử cần tới Wi-Fi như điện thoại thông minh (smartphone), máy vi tính xách tay (laptop), TV thông minh, những công nghệ này sẽ giúp đảm bảo hệ thống Wi-Fi không “quá tải” vì phải chia sẻ đường truyền với nhiều thiết bị mọi lúc.

Ngoài ra, Wi-Fi 6 cũng có tính năng "Target Wake Time" (TWT, tạm dịch thời gian thức xác định). TWT cho phép các thiết bị xác định thời gian và tần suất chúng sẽ “tỉnh” để gửi hoặc nhận dữ liệu. Về cơ bản, điều này cho phép tăng thời gian nghỉ của thiết bị và qua đó tiết kiệm đáng kể thời lượng pin. Ngoài việc tiết kiệm năng lượng cho thiết bị nhận, TWT cho phép các điểm truy cập không dây xác định thời gian cụ thể để tiếp cận thiết bị, giúp tối ưu hóa hiệu quả đường truyền bằng cách giảm tải và hạn chế chồng chéo giữa những người dùng. Đây đều là những tính năng quan trọng đối với IoT, giúp các thiết bị trong mạng lưới tiêu thụ ít năng lượng hơn khi kết nối qua Wi-Fi.

Một lợi ích khác của Wi-Fi 6 là khả năng hỗ trợ vượt trội cho chuẩn bảo mật WPA3. Đây là phiên bản nâng cấp của WPA2 với những tính năng tăng cường khiến việc trộm mật khẩu Wi-Fi bằng việc đoán đi đoán lại nhiều lần trở nên khó khăn hơn, đồng thời hạn chế được những dữ liệu mà tin tặc có thể xem được khi dò được mật khẩu.

Wi-Fi 6 và những tiềm năng của tương lai

Không khó để nhận ra rằng với những cải tiến về tốc độ và lưu lượng của mình, Wi-Fi 6 sẽ giúp cải thiện cường độ tín hiệu Internet ở các khu vực dễ tắc nghẽn đường truyền, như trung tâm đô thị hoặc khu căn hộ đông người. Với Wi-Fi 6, vấn đề quá tải tại những khu vực này sẽ trở thành quá khứ và tính khả thi của những thiết bị luôn cần kết nối không dây sẽ tăng lên.

Ở các thành phố, tốc độ Wi-Fi đã trở thành một yếu tố thiết yếu để cạnh tranh. Các chính quyền đang nỗ lực cải thiện thứ hạng trên các bảng xếp hạng về khả năng cung cấp Internet công cộng đáng tin cậy và miễn phí. Wi-Fi là yếu tố cần thiết để thu hút các doanh nghiệp, người dân và cung cấp cho mọi người khả năng truy cập thông tin hiệu quả mà tiết kiệm chi phí.

Wi-Fi 6 có thể thay đổi “cuộc chơi” này. Ông Osama Aboul-Magd, người đứng đầu mảng phát triển tiêu chuẩn cho Wi-Fi 6 tại Huawei, nói rằng Wi-Fi 6 giúp cải thiện trải nghiệm người tăng thêm gấp bốn lần. Theo ông, công nghệ Wi-Fi tiêu chuẩn hiện tại chỉ cho phép tối đa 60 người dùng đồng thời. Vượt con số này thì băng thông tổng thể sẽ giảm đáng kể. Nhưng với Wi-Fi 6, những ước tính thận trọng nhất cũng vào khoảng 200 người dùng đồng thời trên một điểm truy cập. Sự vượt trội này sẽ trợ giúp các chính quyền thành phố, thậm chí các Chính phủ, trong việc xây dựng mạng lưới dịch vụ công cộng trực tuyến và chính phủ điện tử hiệu quả hơn.

Về phía doanh nghiệp, Wi-Fi 6 có thể giúp cung cấp kết nối Internet nhanh hơn, đáng tin cậy hơn cho khách hàng, nhân viên cùng cơ sở hạ tầng IoT tại các khu vực rộng lớn như sân vận động hoặc địa điểm tổ chức sự kiện.

Wi-Fi 6 cũng giúp tạo đường truyền thông suốt cho các ứng dụng như Thực tế tăng cường (AR) và Thực tế ảo (VR) với video độ phân giải cao và quay 360 độ để hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nhân viên hoặc gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Trên hết, Wi-Fi 6 sẽ giúp giảm chi phí trên cả hệ thống và thiết bị mạng, cho phép các doanh nghiệp nhỏ tận dụng các công nghệ mới này.

Việc triển khai Wi-Fi 6 (và cả mạng di động 5G) sẽ đưa 2019 trở thành một năm rất thú vị đối với thế giới công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực IoT. Các thiết bị đầu cuối đáp ứng được chuẩn Wi-Fi 6 sẽ bắt đầu “tăng tốc” ra mắt trong năm nay và dự kiến chính thức tiến vào thị trường vào năm 2020. Mặc dù còn khá sớm để nói chính xác mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào, nhưng có một điều chắc chắn rằng công nghệ này sẽ mang tới  nhiều điều đáng mong đợi cho cả giới công nghệ lẫn người dùng phổ thông.

H.Thủy (TTXVN (Tổng hợp))