02:20 25/02/2021

WHO kêu gọi tìm hiểu những hậu quả lâu dài của bệnh nhân COVID-19 

Ngày 25/2, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge đã kêu gọi nhà chức trách các quốc gia ưu tiên tìm hiểu những hậu quả lâu dài của bệnh nhân COVID-19 sau khi một số người từng mắc bệnh đã xuất hiện những triệu chứng đáng lo ngại vài tháng sau đó. 

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Colmar, Pháp ngày 26/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Copenhagen (Đan Mạch), ông Kluge nhấn mạnh việc tìm hiểu những hậu quả lâu dài của người mắc bệnh COVID-19 là ưu tiên của WHO và cũng là vấn đề vô cùng quan trọng đối với các cơ quan y tế của mỗi quốc gia. 

Trong khi một số nghiên cứu đang được thực hiện nhằm tìm hiểu nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, hiện vẫn chưa biết lý do tại sao một số bệnh nhân tiếp tục xuất hiện những triệu chứng dù đã khỏi bệnh sau nhiều tháng, như mệt mỏi, hội chứng "sương mù não", rối loạn nhịp tim hay rối loạn thần kinh.

Theo ông Kluge, cứ mỗi 10 bệnh nhân COVID-19, có 1 người sức khỏe chưa thực sự ổn định sau 12 tuần, thậm chí nhiều trường hợp còn kéo dài hơn. Ông cho biết đã có nhiều báo cáo về những hậu quả lâu dài đó xuất hiện ngay sau khi phát hiện ra bệnh COVID-19, nhưng một số bệnh nhân đã không tin hoặc thiếu hiểu biết. Do đó, những bệnh nhân này cần được thông tin nếu nhà chức trách hiểu rõ về những hậu quả lâu dài và sự phục hồi sau khi mắc bệnh. 

WHO khu vực châu Âu kêu gọi các quốc gia và tổ chức ở châu Âu cùng hợp tác nhằm làm rõ vấn đề trên. Dự kiến, ông Kluge sẽ tập hợp 53 quốc gia thành viên của WHO khu vực châu Âu để đề ra chiến lược khu vực về vấn đề này. 

* Cũng trong ngày 25/2, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary Gergely Gulyas cho biết nước này quyết định kéo dài lệnh phong tỏa một phần đến ngày 15/3 tới trong bối cảnh số ca mắc mới bệnh COVID-19 có nguy cơ gia tăng trong 2 tuần tới. 

Theo ông Gulyas, 2 tuần tới sẽ là thời điểm "vô cùng khó khăn" khi Hungary đang phải đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ 3. Ông cho biết chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ được tăng tốc sau khi Hungary bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Sinopharm của Trung Quốc vào ngày 24/2 vừa qua. Dự kiến, Thủ tướng Viktor Orban sẽ được tiêm vaccine Sinopharm vào tuần tới. Đến nay, khoảng nửa triệu người tại Hungary đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. 

Hungary ngày 25/2 ghi nhận thêm 4.385 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Còn kể từ khi dịch bệnh bùng phát, quốc gia gồm khoảng 10 triệu người này đến nay có tổng cộng 414.514 ca bệnh, trong đó 14.672 ca tử vong. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh, Hungary đã đóng cửa tất cả các trường trung học kể từ tháng 11/2020, cũng như các khách sạn và nhà hàng ngoại trừ việc mua mang đi.

Hungary cũng áp đặt lệnh giới nghiêm từ 19h hàng ngày, đồng thời cấm mọi hoạt động tập trung đông người.

Trần Quyên (TTXVN)