01:10 13/01/2021

WHO dự báo không xảy ra miễn dịch cộng đồng trong năm nay dù có vaccine

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các biện pháp giãn cách xã hội cần phải được duy trì cho hết năm nay, ngay cả khi các quốc gia triển khai chương trình tiêm chủng diện rộng.

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Haxby, Anh, ngày 22/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Dẫn lời trưởng ban khoa học WHO Tiến sĩ Soumya Swaminathan, kênh CNN đưa tin tình trạng miễn dịch cộng đồng sẽ không xảy ra trong năm nay.

Miễn dịch cộng đồng là tình trạng trong đó có một tỷ lệ nhất định người dân có miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm (thông qua tiêm chủng hoặc đã mắc bệnh này trước đó) nhằm phòng tránh các bệnh lây từ người sang người.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 11/1, Tiến sĩ Swaminathan nói: “Ngay cả khi chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được triển khai để bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chúng ta sẽ không đạt được bất kỳ mức độ miễn dịch cộng đồng nào vào năm 2021 trên quy mô toàn cầu".

“Vaccine đang được phân phối. Chúng sẽ được đưa tới mọi quốc gia. Trong lúc đó, chúng ta không được phép quên các biện pháp giãn cách xã hội. Quan trọng là phải nhắc nhở mọi người, cả chính phủ các nước cũng như các cá nhân, về trách nhiệm và chúng ta vẫn phải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ít nhất cho đến hết năm”.

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Swaminathan, ông Dale Fisher - Chủ tịch Mạng lưới phản ứng và cảnh báo về sự bùng phát toàn cầu của WHO – nhận định việc triển khai các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nhiều nước sẽ không thể tạo ra miễn dịch cộng đồng trong năm nay, viện dẫn sự hạn chế trong việc tiếp cận vaccine đối với các nước nghèo, sự hoài nghi của công chúng và khả năng biến đổi của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Theo ông, một số quốc gia có thể đạt được miễn dịch cộng đồng song điều này cũng sẽ không tạo ra "sự bình thường", đặc biệt trong bối cảnh các nước đang áp đặt các kiểm soát biên giới.  

Nhà dịch tễ học Pandu Riono làm việc Đại học Indonesia cho rằng sẽ rất nguy hiểm khi một số chính phủ phụ thuộc quá mức vào các loại vaccine phòng COVID-19 bởi điều này đồng nghĩa miễn dịch cộng đồng không thể đạt được trong ngắn hạn.

Thế giới đã ghi nhận trên 92 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,9 triệu người tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này kể từ khi virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc vào tháng 12/2019.

Một số quốc gia như Mỹ, Singapore, Anh và một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU)... đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Palau, một quốc đảo ở Thái Bình Dương, được dự kiến trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hoàn thành tiêm chủng.

Trong khi đó, tuần trước, Israel đã hoàn thành đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 đầu tiên cho trên 10% dân số, quốc gia này dẫn đầu trên thế giới về tỉ lệ người dân được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.    

Bảo Hà/Báo Tin tức