10:11 29/10/2014

WHO: Bắt đầu thử nghiệm vaccine Ebola

Ngày 29/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo trong tuần này vaccine chống Ebola bắt đầu được đưa vào thử nghiệm lâm sàng tại Thụy Sĩ, sau khi nhận được sự cho phép của giới chức nước này.

Ngày 29/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo trong tuần này vaccine chống Ebola bắt đầu được đưa vào thử nghiệm lâm sàng tại Thụy Sĩ, sau khi nhận được sự cho phép của giới chức nước này.


Vaccine chống Ebola do các nhà khoa học của chính phủ Canada sáng chế.


Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng hoan nghênh những bước tiến đã đạt được trong cuộc chiến chống dịch Ebola đang hoành hành tại Tây Phi, đồng thời khuyến cáo Washington vẫn phải luôn "thận trọng" và cân nhắc triển khai các chính sách ngăn chặn sự xâm nhập của virus Ebola dựa trên cơ sở khoa học.

Trao đổi với báo giới sau cuộc điện đàm với đội ngũ y tế được cử đi nước ngoài dập dịch, Tổng thống Obama cho biết đã có những bước tiến mới trong việc điều trị các bệnh nhân nhiễm Ebola ở Liberia - một trong những quốc gia "ổ dịch", và hiện các cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác điều trị cũng đang được gấp rút xây dựng tại các nước Tây Phi. Ông chủ Nhà Trắng bày tỏ lạc quan rằng dịch Ebola sẽ bị đẩy lùi, đồng thời cam kết Washington sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu nỗ lực quốc tế trong cuộc chiến chống căn bệnh nguy hiểm này. 


Liên quan đến nỗ lực ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây nhiễm virus Ebola trên đất Mỹ, Tổng thống Obama khuyến cáo mọi quy định ban hành cần phải được cân nhắc dựa trên "cơ sở khoa học và thực tế" thay vì "sự sợ hãi". Ông Obama cho rằng các quy định kiểm soát đối với nhân viên y tế Mỹ tham gia điều trị cho các bệnh nhân Ebola ở nước ngoài cần được thực hiện một cách "khéo léo và thận trọng", tránh gây áp lực và ảnh hưởng đến tinh thần của các nhân viên y tế.


Theo ông chủ Nhà Trắng, những nhân viên y tế, chủ yếu là các tình nguyện viên làm việc cho các tổ chức nhân đạo quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống Ebola và nước Mỹ cần "hoan nghênh, biết ơn và hỗ trợ họ". Ông cũng muốn đảm bảo tất cả chính sách được đưa ra phải dựa trên "cơ sở thực tiễn" để không gây cản trở cũng như tiếp tục hỗ trợ những nhân viên này tới Tây Phi chiến đấu chống dịch Ebola.


Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng đề cập đến một số tín hiệu lạc quan cho thấy những thành công bước đầu của nước này trong việc đẩy lùi sự lây lan của virus nguy hiểm này như 7 trong số 9 bệnh nhân Mỹ nhiễm virus Ebola đã được chữa khỏi, trong đó mới đây nhất là nữ y tá Amer Vinson bị nhiễm bệnh trong quá trình điều trị bệnh nhân người Liberia Thomas Duncan đã qua đời hôm 8/10. Hiện bác sỹ người Mỹ Craig Spencer, bị nhiễm bệnh trong quá trình làm việc ở Guinea, đang được điều trị tích cực tại khu cách ly của bệnh viện Bellevue, New York. 


Tuyên bố của Tổng thống Obama được đưa ra sau khi các quy định kiểm soát đối với các nhân viên y tế Mỹ tham gia điều trị cho các bệnh nhân Ebola ở nước ngoài tại một số bang bị Chính phủ và Liên hợp quốc (LHQ) chỉ trích là quá nghiêm ngặt, gây áp lực và ảnh hưởng đến tinh thần của các nhân viên y tế. Trước thực tế này, giới chức y tế Mỹ đã công bố những hướng dẫn mới, theo đó yêu cầu các nhân viên y tế thuộc diện có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola sau khi trở về từ các nước "ổ dịch" phải tự nguyện cách ly tại nhà trong 21 ngày. Giám đốc Trung tâm kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh liên bang (CDC), bác sỹ Thomas Frieden, hy vọng những hướng dẫn mới này sẽ nâng khả năng bảo vệ sức khỏe người dân trong khi không tác động xấu đến tinh thần của các nhân viên y tế. 


Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng đang xem xét đề xuất cách ly tất cả các binh sĩ trở về từ Tây Phi trong 21 ngày. Trước đó, Mỹ cũng đã tiến hành cô lập và cách ly đối với hơn một chục lính Mỹ đầu tiên, trong đó gồm cả Tướng Darryl Williams, sỹ quan cao cấp nhất của Mỹ giám sát sứ mệnh giúp các nước Tây Phi dập dịch Ebola, tại căn cứ quân sự của Mỹ ở thành phố Vicenza của Italy. Tổng thống Obama cho biết khác với các nhân viên y tế tự nguyện đến Tây Phi hỗ trợ dập dịch, những binh sĩ này được triển khai đến khu vực này theo quân lệnh và việc cách ly cũng là một phần bắt buộc trong nhiệm vụ của họ.


TTXVN/Tin Tức