12:08 13/12/2014

WHO: 1 tỷ người đang chịu đựng bạo hành

Một thực tế đáng buồn là hiện trên thế giới có tới hơn 1 tỷ người vẫn đang phải chịu đựng tình trạng bạo hành.

Một thực tế đáng buồn là hiện trên thế giới có tới hơn 1 tỷ người vẫn đang phải chịu đựng tình trạng bạo hành.

Phụ nữ, người già và trẻ em thường là nạn nhân của bạo lực. Ảnh: Reuters.


Con số này do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố cuối tuần qua, trong một Bản báo cáo mới nhất về các vấn đề bạo lực trên thế giới. Báo cáo cho biết con số trên có được là dựa vào thống kê tại 133 quốc gia trên thế giới. Trong bản báo cáo này, các chuyên gia WHO đã khẩn thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy nỗ lực nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình trạng bạo lực, mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em.

Tại nhiều quốc gia, tình trạng bạo lực đối với những đối tượng nêu trên thậm chí còn không hề được đề cập trong bộ luật của họ. Nói một cách khác, pháp luật các nước này không nghiêm cấm bạo hành phụ nữ, người già và trẻ em.

Báo Độc lập (Nga) ngày 12/12 đã dẫn lại báo cáo này cho biết "hơn 1,3 triệu người trên thế giới thiệt mạng mỗi năm do bạo lực dưới mọi hình thức, chiếm tới 2,5% tỷ lệ tử vong trên toàn cầu". Các tác giả bản báo cáo dài 274 trang cho biết thống kê tại 133 quốc gia cho thấy cứ 4 trẻ em thì có 1 em bị bạo hành thể chất ngay chính trong gia đình của mình; cứ 5 cô gái thì 1 cô kém may mắn bị cưỡng dâm và 1 trong số 3 phụ nữ trưởng thành bị lạm dụng tình dục từ chính người chồng hoặc người tình của họ. Ngoài ra, cứ mỗi 17 người già thì có 1 người phải chịu cảnh ngược đãi, bạo lực.

Theo thống kê, từ năm 2000 đến năm 2012, số người chết vì bạo lực trên thế giới đã giảm 16%. Tuy nhiên con số này không đáng để chúng ta lạc quan, bởi tính chất nghiêm trọng của vấn đề vẫn rất đáng lo ngại. Chẳng hạn, tính riêng trong năm 2012, trên thế giới có  475.000 người thiệt mạng vì bạo lực. Bị giết hại là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba ở những người trong độ tuổi từ 15 đến 44.

Báo cáo cũng đưa ra một thống kê rất đáng lo ngại, đó là "những người đã từng bị bạo lực, thường trở nên trầm cảm, nghiện rượu hoặc/và ma túy. Bạo lực đặc biệt gây ra những vấn đề đối với sức khỏe sinh sản, sự mang thai ngoài ý muốn, lan truyền HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, ...Bạo lực cũng chính là một nguyên nhân sâu sa dẫn đến tình trạng nghiện thuốc lá, lạm dụng rượu, hoặc lười hoạt động thể chất.

Báo cáo của WHO cũng đề cập một số biện pháp đối phó và ngăn chặn bạo lực. Đó chính là các chương trình dành cho các bậc cha mẹ, nơi họ được giải thích làm thế nào để thực hiện trách nhiệm của cha mẹ tốt hơn, từ đó giúp giảm tình trạng lạm dụng trẻ em. Hoặc những người làm công việc chăm sóc người già, người bệnh cũng được tham gia các lớp dậy cách chăm sóc những đối tượng như vậy. Và thanh thiếu niên được giải thích rằng bạo lực không phải là một cách phản ứng tốt đối với stress và có những phương pháp khác để vượt qua sự trầm uất.

Tại một số nước Tây Âu, thu nhập người dân cao cũng là một trong những biện pháp giúp ngăn chặn bạo lực và đem lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, nếu tình trạng bạo lực xảy ra ở những nơi đó, thì tính chất của nó thường lại hết sức nghiêm trọng và kẻ bạo hành cũng hết sức tinh vi giấu giếm, mà điển hình nhất của tình trạng này chính là tại Mỹ.

Báo cáo cũng đề cập việc có tới 80 trong số 133 quốc gia đã thông qua luật chống hiếp dâm, cấm bạo lực gia đình, cấm mang vũ khí tới trường học, cấm bạo hành người già tại các cơ sở công cộng như nhà dưỡng lão..., song chỉ khoảng hơn một nửa các nước này khẳng định họ tuân thủ các luật nói trên.

Báo cáo cho biết tình trạng bạo hành đối với người già được ghi nhận nghiêm trọng nhất tại châu Phi. Tuy nhiên, một số quốc gia châu Phi đã thực hiện thành công các chương trình ngăn chặn bạo lực, trong đó có Nam Phi.

Theo một nghiên cứu khác của Hãng BBC và Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu tình trạng bạo lực và cực đoan chính trị, mới được công bố gần đây cũng cho biết riêng trong tháng 11 vừa qua, có 5043 người tại 15 quốc gia đã bị các phần tử thánh chiến giết hại, trong đó gần 50% số nạn nhân nói trên là dân thường và gần 50% số vụ giết người xảy ra tại Iraq và Syria, nơi mà các phần tử cực đoan thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thường đứng ra nhận trách nhiệm.


Quế Anh
(P/v TTXVN tại LB Nga)