12:10 23/12/2015

WEF Davos 2016: Thách thức và hy vọng

Hơn 40 nguyên thủ quốc gia và khoảng 2.500 lãnh đạo các doanh nghiệp cùng các tổ chức xã hội trên toàn thế giới đã tới Davos, Thụy Sĩ, tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 46, diễn ra từ ngày 20/1 đến 23/1, để tìm lời giải cho những thách thức hiện nay và phương hướng phát triển mới cho nền kinh tế toàn cầu.

Nghị sự nóng tất yếu

Chủ đề chính bao trùm chương trình nghị sự năm nay là cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Phát biểu tại cuộc họp báo trước thềm hội nghị, Chủ tịch WEF Klaus Schwab nêu rõ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, vốn tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Theo ông Schwab - nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành của Diễn đàn, tốc độ, quy mô và bản chất của cuộc cách mạng có khả năng làm thay đổi tất cả các lĩnh vực của đời sống con người. Do vậy, mục tiêu của diễn đàn thường niên năm nay là xây dựng một nhận thức chung đối với những thay đổi nhanh chóng như trên, vốn là chìa khóa để định hình tương lai.

Chủ đề chính chương trình nghị sự là cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Ảnh: AFP/TTXVN


Những rủi ro mà kinh tế thế giới phải đối mặt trong năm 2016, được đề cập trong báo cáo của WEF công bố trước thềm hội nghị, cũng nằm trong chương trình nghị sự của diễn đàn. Cụ thể, báo cáo chỉ rõ nguy cơ thất bại trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu có thể là rủi ro gây thiệt hại lớn nhất trong thập niên tới, vượt qua cả vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng hoảng nước, dòng người nhập cư ồ ạt và các cú sốc nghiêm trọng về giá năng lượng. Đây là lần đầu tiên mối quan ngại về môi trường đứng đầu danh sách những rủi ro toàn cầu được đưa ra trong báo cáo của WEF.

Bên cạnh đó, các yếu tố kinh tế thuần túy cũng vẫn là mối quan ngại lớn, như mức độ giảm tốc của kinh tế Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tỷ lệ thất nghiệp cao ở nhiều nước và tác động của giá dầu thấp đối với ngân sách của các nước xuất khẩu dầu. Ngoài ra, những nguy cơ khác đối với kinh tế thế giới trong năm 2016 phải kể đến tình trạng thời tiết cực đoan; xung đột giữa các quốc gia gây ra hệ quả nghiêm trọng cho các khu vực và sự nổi lên của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.

Trong khi đó, theo một khảo sát của hãng tin Reuters, số đông trong hàng trăm nhà kinh tế được hỏi cho rằng tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại các nền kinh tế phát triển và mới nổi đang mất động lực. Thực tế này diễn ra sau khi các biện pháp kích thích kinh tế trị giá vài nghìn tỷ USD và chính sách tiền tệ siêu nới lỏng được các ngân hàng trung ương lớn thực hiện trong nửa thập niên qua.

Tình trạng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đứng đầu trong danh sách các mối quan ngại của các nhà kinh tế tham gia khảo sát. Nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc được dự báo ở mức 6,5% trong năm 2016, so với mức tăng 6,9% năm 2015, nhưng nhiều nhà kinh tế nghi ngờ con số thực tế có thể thấp hơn.

Những thách thức chung

WEF 2016 diễn ra trong bối kinh tế thế giới được dự báo vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách trong thời gian tới. Theo dự báo mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), trong năm 2016, tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu có thể đạt 3,5%, chưa bằng mức trung bình 4,5% đạt được trong thập kỷ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các khu vực trên thế giới sẽ có mức tăng trưởng kinh tế không đồng đều, trong khi thế giới cũng sẽ chứng kiến một sự suy giảm trong thương mại quốc tế. Còn theo kết quả một cuộc khảo sát mới công bố, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 và năm tới được dự báo lần lượt là 3,3% và 3,4%, thấp hơn so với các dự báo được đưa ra 3 tháng trước. Không chỉ dự báo tăng trưởng bị hạ xuống, triển vọng lạm phát của hầu hết các nước cũng bị điều chỉnh giảm.

Trong khi đó, bất bình đẳng giàu - nghèo trên thế giới tiếp tục tăng. Tổ chức phi chính phủ Oxfam vừa công bố báo cáo cho thấy nhóm 1% người giàu nhất thế giới hiện sở hữu khối tài sản có giá trị lớn hơn số tài sản của nhóm còn lại. Ngoài ra, dù số người cực nghèo trên toàn thế giới đã giảm một nửa trong giai đoạn 1990 - 2010, thu nhập trung bình hàng năm của nhóm 10% người nghèo nhất tăng chưa đến 3USD/năm trong vòng 25 năm qua, hay nói cách khác mức tăng thu nhập bình quân của mỗi cá nhân thuộc nhóm này chưa đến 1 xu/năm. Các số liệu này cho thấy một thực tế rằng dù các nhà lãnh đạo trên thế giới đang ngày càng chú ý tới vấn đề bất bình đẳng thu nhập thì khoảng cách thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nhóm còn lại vẫn gia tăng một cách đáng kể.

Giám đốc điều hành Oxfam, Winnie Byanima cho rằng đây là một thực tế khó có thể chấp nhận đồng thời chỉ trích các quốc gia khi chưa đưa ra những biện pháp cụ thể và quyết liệt, khiến tình trạng này ngày càng gia tăng và trở thành xu hướng lan rộng.

Với tư cách là diễn đàn thường niên để các nhà lãnh đạo, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và học giả thảo luận về tình hình thế giới mới, đồng thời khuyến nghị các biện pháp cải thiện quản trị toàn cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, vai trò của WEF ngày càng được khẳng định. Trong bối cảnh kinh tế thế giới vừa trải qua một năm đầy biến động và được dự báo triển vọng không mấy sáng sủa trong năm 2016, hy vọng các đại biểu tham dự WEF có thể thống nhất đưa ra những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ hơn để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Phan An