07:06 30/07/2019

‘Vượt vũ môn’, học sinh giỏi Việt Nam rạng danh quốc tế

Không chiến thắng nào vang dội bằng chiến thắng của trí tuệ, của sự hiểu biết, của những kiến thức sẽ giúp chúng ta chinh phục và làm chủ thế giới.

Chú thích ảnh
Đoàn Việt Nam tham dự WICO tại Hàn Quốc. Ảnh: Sở GD&ĐT Hà Nội. 

Trước thềm năm học mới, tin vui dào dạt đến với ngành giáo dục Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 27/7, hai phát minh, sáng chế thuộc lĩnh vực Sinh - Hoá và Vật lý là “Chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu từ nấm men tạo màng sinh học trên than sinh học có nguồn gốc từ Trấu” và “Ứng dụng nano bạc để nâng cao hiệu suất của thiết bị chưng cất nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời” đã giành hai HCV tại kỳ thi Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới (WICO) 2019.

Cùng với HCV, hai sáng chế nói trên đồng thời giành giải đặc biệt cho các phát minh sáng chế tốt nhất, do Đại học Chulalongkorn Thái Lan (Nhóm sinh hoá) và Hiệp hội Khoa học trẻ Indonesia (Nhóm Vật lý) trao tặng.

Điều đáng nói, tác giả của hai “công trình khoa học” được đánh giá có tính ứng dụng cao, thiết thực với đời sống này là những học sinh THCS (Trường THCS Giảng Võ, Trường THCS Cầu Giấy) và THPT (Trường THPT Chu Văn An), cùng ở Hà Nội. Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, thành công này là một minh chứng cho việc “học đi đôi với hành”, cho khả năng sáng tạo và hội nhập mạnh mẽ của học sinh Việt Nam.

Sớm hơn một chút, nhưng cũng trong tháng 7, là thành công vang dội tới mức khiến thế giới phải “ngả mũ” của đoàn học sinh Việt Nam tại Kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2019 (International Mathematical Olympiad-IMO) lần thứ 60, diễn ra tại Vương quốc Anh (bế mạc ngày 21/7). Cả 6 học sinh chúng ta dự thi đều giành vinh quang về cho Tổ quốc, với 2 HCV và 4 HCB. Đoàn học sinh Việt Nam đã đứng thứ 7 trong tổng số các đoàn tham gia, “nhảy vọt” 13 bậc so với năm 2018, lọt vào top 10 đoàn mạnh nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Đoàn Việt Nam đoạt giải Olympic Toán quốc tế tại Anh. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Đánh giá về thành tích của đoàn, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết: “Thành tích của đội tuyển quốc gia Việt Nam tại Olympic Toán quốc tế năm nay tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông, đồng thời khẳng định hướng đi đúng trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi”.

Quả đúng như vậy, nếu như vào thời điểm 40 năm trước, cũng ở Vương quốc Anh, IMO chỉ có hơn 20 quốc gia tham gia thi tài, Việt Nam là đội tuyển châu Á duy nhất tham dự và tự hào trở về với Huy chương Vàng của thí sinh Lê Bá Khánh Trình. Thì năm 2019 này, với sự góp mặt của 112 nước, đến từ khắp 5 châu, sự cạnh tranh vì vậy ngày càng gay gắt, nhưng những em học sinh của chúng ta, bằng sự thông minh và những nỗ lực không mệt mỏi, vẫn khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên sân chơi trí tuệ quốc tế.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại London nhân lễ trao giải kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2019 ở trường đại học Bath (Vương quốc Anh) chiều 21/7, Chủ tịch Hội đồng IMO 2019, Giáo sư Geoff Smith đã không tiếc lời khen ngợi với các thí sinh Việt Nam: "Đoàn Việt Nam đã thi rất tốt ở cuộc thi này, đó là đặc điểm văn hóa Toán học của đất nước các bạn. Các em học sinh làm việc và học tập rất chăm chỉ và có kỹ năng tốt giải các bài toán khó”.

Đặc biệt, Giáo sư Geoff Smith cho rằng: Việt Nam đã trở thành mô hình và tấm gương cho các nước khác!

Thật sự không dễ dàng cho một vị trí cao như vậy trong “làng” toán Quốc tế, nhưng hành trình “vượt vũ môn” để tiến tới những ngôi vị hàng đầu của làng Toán của Việt Nam lại không phải là điều bất ngờ với bạn bè quốc tế, cũng như với giới học thuật trong nước. Bởi các thí sinh của chúng ta đã luôn là những điểm sáng trong các kỳ thi trước đây và kết quả thi của chúng ta mỗi năm đều có cải thiện rõ rệt, thông qua những điểm số và số lượng huy chương giành được. Năm nay, thậm chí 1 thí sinh giành HCV của chúng ta còn có số điểm cao nhất kỳ thi (34 điểm).

Và không chỉ toán học, dường như giáo dục đã trở thành một đấu trường “bất khả chiến bại” của Việt Nam những năm qua. Thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2018, cả 38/38 lượt học sinh, thuộc 7 đội tuyển dự Olympic khu vực và quốc tế, đều đoạt HC, trong đó có 13 HCV, 14 HCB, 11 HCĐ. Cũng trong năm 2018, một học sinh nữ Việt Nam, em Nguyễn Phương Thảo, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đoạt HCV với điểm cao nhất tại Olympic Sinh học Quốc tế.

Nhìn xa hơn, thì theo thống kê của Bộ GD&ĐT, từ năm 2009 đến nay, kết quả kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế của các đoàn học sinh giỏi Việt Nam có những chuyển biến mạnh mẽ. Nếu từ năm 2009 đến 2012, số lượng giải thưởng của chúng ta là khoảng 30 giải/ năm, trong đó số HCV rất ít; thì từ năm 2013 đến nay, kết quả các kỳ thi này được cải thiện theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Tổng số HC luôn ở mức từ 35 đến 40 HC, thậm chí năm 2014 là 42 HC. Số lượng HCV liên tục tăng, trung bình trên 10 HC mỗi năm. Trong đó, năm 2017 có 14 HCV, gấp 7 lần so với các năm 2010 và 2011.

Những con số này nói lên điều gì? Đó là sự đúng hướng của Việt Nam chúng ta trong phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài; là sự vươn lên và ngày càng vượt trội của trí tuệ Việt Nam trên tầm thế giới. Cùng với đó, là sự ưu việt của những chính sách đầu tư cho nhân tài của chúng ta như việc tuyển thẳng vào các trường đại học, ưu tiên cấp học bổng du học của Nhà nước hoặc của nước ngoài tài trợ… Tất cả đã tạo động lực để học sinh phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao.

Sinh thời, Bác Hồ đã từng căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” (Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, năm 1945).

Quả thật không chiến thắng nào vang dội bằng chiến thắng của trí tuệ, của sự hiểu biết, của những kiến thức sẽ giúp chúng ta chinh phục và làm chủ thế giới. Với mỗi tài năng Việt này, các em không chỉ làm rạng danh đất nước, quê hương; mà còn góp phần mang tới cho mình một tương lai rộng mở trong lĩnh vực học thuật, để tiếp tục có những đóng góp cho Tổ quốc, cho non sông Lạc Hồng để “sánh vai cường quốc năm châu”.

Phạm Tuyết