03:18 25/03/2020

Vượt qua vị kỷ bản thân, vì sự an nguy của cộng đồng

Thay vì đòi hỏi, ích kỷ bản thân, mỗi người trong khu cách ly tập trung hãy coi 14 ngày này là dịp lắng mình lại, sống đơn giản hơn, có ích hơn bằng cách giảm bớt nhu cầu bản thân.

Chú thích ảnh
Dòng người mang đồ tiếp tế đến khu cách ly tập trung tại KTX Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Quyên - Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Anh Tâm (quận Bình Thạnh) tay xách nách mang hớt hải ngó vào Khu cách ly tại Ký túc xá khu A Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nơi em gái anh là du học sinh tại Mỹ vừa trở về Việt Nam và được vào đây thực hiện cách ly tập trung. Xách trên tay chiếc đèn bàn, thùng mì tôm rồi một túi to với đủ thứ đồ, anh nói với đầy vẻ lo lắng: “Em tôi từ sân bay vào đây luôn nên thiếu nhiều đồ. Tôi cố gắng mang cho em ít vật dụng cũng như một số món ăn vặt em thích”.

Câu chuyện của anh Tâm không phải là hiếm tại các khu cách ly trên cả nước. Những ngày qua, rất đông người dân tụ tập trước cổng các khu cách ly để gửi đồ cho người thân đang được cách ly bên trong. 

Sau khi Ký túc xá khu A Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được trưng dụng làm nơi cách ly cho người dân từ nước ngoài về, hàng ngày có tới hàng trăm người đến gửi nhu yếu phẩm, đồ dùng cho người thân của mình. Lượng người đến gửi đồ quá đông tới mức cơ quan chức năng phải quy định khung giờ nhận nhu yếu phẩm từ 8 - 10 giờ và 14 - 16 giờ mỗi ngày. Lực lượng chức năng đã giải thích cũng như thông tin từ chính những người đang cách ly cho thấy, cơ sở vật chất của khu cách ly là đầy đủ. Thế nhưng, nhiều gia đình vẫn tìm cách gửi vào cho người thân đủ mọi vật dụng, từ thùng mì tôm, đồ ăn vặt, chiếu, nệm, quạt và cả… tủ lạnh, bia lon.

Những người này cho biết, người thân của họ từ nước ngoài về rồi được đưa đi cách ly ngay nên không mang theo đồ đạc. Do đó, họ mang một số nhu yếu phẩm đến gửi vào khu cách ly cho người thân dùng. Do lượng hàng hóa gửi vào quá lớn, cơ quan chức năng phải dùng các xe chuyên dụng để chở vào khu cách ly nhưng vẫn không xuể. Vậy là, ngoài việc đang phải căng mình chống đại dịch, lực lượng chức năng lại phải thêm một gánh nặng là vận chuyển, phân phối nhu yếu phẩm do thân nhân các gia đình gửi cho những người đang được cách ly.

Điều đáng nói, việc lựa chọn những cơ sở cách ly tập trung được các địa phương trên cả nước tính toán, xem xét kỹ càng nhằm đáp ứng tối đa các yếu tố về an toàn dịch tễ, an ninh trật tự, đồng thời vẫn tạo sự thoải mái nhất có thể cho người được cách ly... Điển hình như Khu ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đây có cơ sở hạ tầng cơ bản đầy đủ tiện nghi, đang được các sinh viên sử dụng thường xuyên. Những người cách ly tại đây được Nhà nước hỗ trợ ba bữa ăn mỗi ngày với đầy đủ dưỡng chất. 

Thành phố Hà Nội đã lựa chọn những địa điểm thuận tiện nhất cho công tác cách ly và phòng, chống dịch. Khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp với khả năng đón khoảng 4 nghìn người cách ly; Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội đón 800 người. Mới đây nhất, ngày 23/3, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định thành lập khu cách ly tập trung tại Ký túc xá Đại học FPT. Đây được coi là khu ký túc xá đẹp nhất Hà Nội hiện nay. Khu cách ly tập trung này nằm trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, đảm bảo về cơ sở vật chất cho công tác cách ly đối với khoảng 2 nghìn người từ vùng có dịch về hoặc người có yếu tố dịch tễ cần cách ly. Tập đoàn FPT đã chi 20 tỷ đồng để mua thiết bị y tế cần thiết, lắp đặt hệ thống internet cho khu cách ly. Ngoài việc trang bị lại phòng ốc, FPT Telecom cung cấp thêm Internet cáp quang và code VIP để người cách ly được thưởng thức các chương trình giải trí trên ứng dụng FPT Play.

Với những địa điểm này, thành phố Hà Nội đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sinh hoạt cơ bản đầy đủ, tiện nghi; không gian thoáng đãng, sạch sẽ. Người cách ly được cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết như: Xà phòng, bàn chải, kem đánh răng, giấy vệ sinh...; được cung cấp ba bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng mỗi ngày. Với những điều kiện đó, không thể nói rằng, việc cách ly 14 ngày tại đây là quá sức chịu đựng với một người bình thường.

Trước tình trạng người dân đổ xô đến các khu cách ly tìm cách gửi nhu yếu phẩm cho người thân, làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, ngay sau cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 23/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu không tiếp nhận hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm tại các cơ sở cách ly tập trung; xử lý nghiêm khắc các trường hợp không khai báo, khai báo không đúng, không chấp hành cách ly theo đúng quy định, cần thiết phải điều tra truy tố theo pháp luật.

Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương của thành phố Hà Nội ngày 24/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu, những gia đình có người thân đi cách ly tập trung không được phép gửi nhu yếu phẩm, để đảm bảo an toàn. “Các gia đình có thân nhân đi cách ly tập trung yên tâm vì người nhà đang được phục vụ rất tốt, không cần gửi đồ đạc, đồ ăn, không nên quá lo lắng. Đồ ăn mua nếu không được khử khuẩn, đưa vào khu cách ly tập trung sẽ rất nguy hiểm. Các đơn vị quản lý không tiếp nhận gửi quà”, ông Nguyễn Đức Chung nói.

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, tại cuộc họp của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chiều 24/3, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trong hai tuần tới, cả thành phố phải sống tiết kiệm, ít đi lại... cùng cả nước không để vượt quá 500 người mắc COVID-19. "Thành phố và cả nước có hai tuần để quyết định thành bại cuộc chiến chống giặc COVID-19. Nếu lỡ "thời cơ vàng" này là không thể làm lại, sẽ có lỗi với lịch sử", Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. 

Quyết sách của Chính phủ và chính quyền địa phương đã rõ ràng, tinh thần đồng lòng chống giặc COVID-19 của nhân dân đã dâng cao, thế nhưng vẫn còn một bộ phận người dân không chấp hành, coi thường sự an toàn của bản thân và cộng đồng. Tính đến chiều 24/3, vẫn còn rất nhiều người cố tình mang nhu yếu phẩm đến gửi cho người thân của mình trong khu cách ly. Thậm chí, khi bị cấm không được gửi đồ vào, họ còn lén lút chuyển hoặc ném luôn đồ qua hàng rào khiến khu vực cách ly thêm nhốn nháo, mất trật tự, gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Hàng ngàn sinh viên tự nguyện thu dọn đồ đạc nhường chỗ cho những người cách ly, trong số này có nhiều sinh viên phải tự xoay sở tìm chỗ nghỉ. Những người lính đang ngày đêm quên mình canh gác nơi cửa khẩu, đường biên giới, ngủ đêm trên những chiếc lều bạt đơn sơ để chặn đường lây lan dịch bệnh. Đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y đang từng giây phút chống chọi với giặc COVID-19, dù biết nguy cơ lây nhiễm lúc nào cũng rình rập. Nếu nghĩ đến những hình ảnh đó, chắc hẳn những người đang ở các khu cách ly tập trung cũng như người thân của họ sẽ biết tiết chế nhu cầu bản thân và nghĩ cho cộng đồng nhiều hơn.

Cả nước đang trong cuộc chiến chống giặc dịch COVID-19. Để có được sự chuẩn bị chu đáo đầy đủ cơ sở vật chất cho những người đang thực hiện cách ly y tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh, trên mảnh đất hình chữ S này, rất nhiều người đang chịu thiệt thòi, hy sinh bản thân vì sức khỏe của cộng đồng. Thế nên, thay vì đòi hỏi, ích kỷ bản thân, mỗi người trong khu cách ly tập trung hãy coi 14 ngày này là dịp lắng mình lại, sống đơn giản hơn, có ích hơn bằng cách giảm bớt nhu cầu bản thân. Gia đình những người được cách ly hãy nghĩ đến cộng đồng, xã hội, bớt lo lắng hơn cho con em mình. Đó là cách tốt nhất, chung tay đóng góp cho đất nước trong cuộc chiến chống dịch bệnh nguy hiểm này, bởi nếu chỉ sơ sảy một chút thôi là bao công sức phòng, chống dịch của các y, bác sỹ, lực lượng công an, quân đội, các tình nguyện viên… sẽ đổ xuống sông, xuống biển.

Chỉ có đồng lòng, cùng đoàn kết, nghiêm túc tuân thủ mọi hướng dẫn của lực lượng chức năng, tránh tụ tập đông người, đeo khẩu trang nơi công cộng... mới tránh khỏi nguy cơ lây lan dịch bệnh và đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Thu Phương (TTXVN)