12:10 08/12/2011

Vượt nỗi đau làm nên điều kỳ diệu

Bị mất hai tay, một chân nhưng 17 năm qua, Nguyễn Đức Vệ, một ông chủ trẻ ở vùng quê nghèo dưới chân đèo Ngang (xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình) đã "đi" một chặng đường dài, vượt lên nỗi đau, mất mát để làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống mà bất cứ ai cũng khâm phục và ngưỡng mộ.

Bị mất hai tay, một chân nhưng 17 năm qua, Nguyễn Đức Vệ, một ông chủ trẻ ở vùng quê nghèo dưới chân đèo Ngang (xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình) đã "đi" một chặng đường dài, vượt lên nỗi đau, mất mát để làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống mà bất cứ ai cũng khâm phục và ngưỡng mộ.

Những ngày đầu tháng 12, khi cái lạnh của mùa đông về lại khiến Nguyễn Đức Vệ đau nhức cơ thể và tâm hồn. Bởi cái ngày định mệnh của 17 năm trước khiến anh không bao giờ quên. Ngày đó, anh Vệ mới lấy vợ và chuẩn bị đón đứa con đầu lòng sắp đến ngày sinh. Nhưng, tai họa ập đến trong một lần anh đi rà tìm phế liệu, khi lưỡi cuốc bổ xuống thì một tiếng nổ kinh hoàng của quả bom bi đã xé nát cuộc đời anh với hai cánh tay, một chân bị mất và hàng chục vết thương in hằn trên cơ thể. Nhưng đau đớn hơn cả những vết thương trên da thịt là người vợ trẻ một mình trốn nhà ra đi trong một ngày mưa phùn lạnh buốt, bỏ anh và đứa con trai chưa đầy tuổi. Có lẽ chị đã không vượt qua cú sốc quá lớn này. Đứa con trai bé bỏng khát sữa khóc ngằn ngặt.


Nguyễn Đức Vệ trong xưởng sửa chữa ô tô của mình. Ảnh VTC News.



Anh Vệ tâm sự: Ngày đó, tôi không còn thiết sống nữa, tôi nghĩ cuộc đời mình rứa là hết. Nhưng khi tiếng khóc của con cất lên thì tôi lại càng thương và quyết bắt buộc tôi phải sống và lo cho con. Thời gian nối tiếp trôi nhanh, những ngày đầu anh nghiến răng chịu đau để tập bò, tập đứng và dần dần tập đi. Quãng thời gian đó là một nỗi thống khổ trong cuộc đời con người. Rồi anh bắt đầu nghĩ cách mưu sinh nhưng cũng không biết nên bắt đầu từ đâu. Anh nghĩ rằng, cuộc sống không quá bất công với ai mà chỉ ta không đủ nghị lực để vươn lên.

Nguyễn Đức Vệ nhận ra vùng đất quê mình là nơi xa xôi cách biệt, hàng hoá thiếu thốn trăm bề, anh quyết định làm nghề cung ứng hàng tạp hóa cho bà con. Sau một thời gian dành dụm được ít tiền, anh nhờ người dựng một quán nhỏ ven đường để bán thêm một số mặt hàng khác từ bánh kẹo, thuốc trà đến xăng dầu, bông đót, củi... Những thứ đó giúp cha con anh đủ sống qua ngày và chắt chiu tiết kiệm. Trong một lần đi mua hàng, anh nhìn thấy người ta bán chiếc máy phát điện mà ngày đó quê anh chưa có điện. Anh ngẫm nghĩ "Nếu mình có chiếc máy này, sẽ có điện thắp sáng ban đêm để bán nhiều hàng hơn và có thể bán điện cho xóm giềng nữa". Vậy là anh gom góp tiền vào chợ tìm mua. Có điện rồi, Nguyễn Đức Vệ lại đầu tư thêm chiếc tivi, đầu đĩa cát sét và kinh doanh chiếu phim. Dường như khi đôi cánh tay và một chân bị mất thì mắt anh nhìn tinh hơn, tai anh nghe rõ hơn và trí óc anh suy nghĩ nhạy bén hơn. Làm được việc này xong là anh lại nghĩ cách làm thêm việc khác. Hết sửa chữa súc nạp bình ắc quy, anh xoay sang mua củi đưa ra cho các lò vôi ở Ninh Bình để đổi lấy vôi đem về bán, làm dịch vụ vận chuyển bằng xe công nông, xay đá vật liệu xây dựng, sửa chữa ô tô, trồng rừng, nhận thầu công trình xây dựng nhỏ. Từ những nỗ lực vượt bậc của mình, anh Vệ đã dần dần xây dựng nên cả một cơ ngơi.

Qua 17 năm phấn đấu làm kinh tế bằng nghị lực phi thường, đến hôm nay Nguyễn Đức Vệ đã là ông chủ, trực tiếp điều hành hai xưởng sửa chữa xe ô tô, giải quyết việc làm cho 10 công nhân với thu nhập thường xuyên từ 3 đến 6 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh Vệ còn đầu tư kinh doanh vật liệu xây dựng, thu mua phế liệu, trồng rừng, xây dựng nhỏ, đào tạo nghề cơ khí và các hoạt động khác.

Công trình tâm huyết của anh hiện nay là Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Anh Vệ cho biết: Tôi có được như ngày hôm nay cũng là nhờ sự động viên, giúp đỡ của mọi người. Và khi thanh công rồi, tôi cũng luôn mong muốn giúp đỡ những người khuyết tật khác vượt lên số phận làm người có ích cho xã hội. Từ nguồn hỗ trợ 150 triệu đồng của AEPD (Hội vì sự Phát triển của Người Khuyết tật), anh quyết tâm xây dựng Trung tâm và dành tiền khoản tiền hỗ trợ mua sắm máy móc thiết bị dạy nghề cho người khuyết tật. Bước đầu anh đã xúc tiến dạy các nghề làm hương, nến, hàng mã. Mỗi năm anh dự kiến dạy cho 80 người khuyết tật, trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ và cả những người nghèo trong làng quê mình và các vùng lận cận. Anh tin rằng nâng cao năng lực phát triển kinh tế chính là điều kiện tốt nhất để người khuyết tật tự tin, vượt qua mặc cảm để hòa nhập cộng đồng, xã hội.



Nguyễn Đức Thọ