06:22 10/06/2012

Vượt khó trên đỉnh đèo An Khê

Leo hết con đèo An Khê quanh co cùng với trận mưa đầu mùa tầm tã, chúng tôi bắt gặp một thị xã An Khê trù phú và thanh bình.

Leo hết con đèo An Khê quanh co cùng với trận mưa đầu mùa tầm tã, chúng tôi bắt gặp một thị xã An Khê (Gia Lai) trù phú và thanh bình. Đóng góp vào sự phát triển của đô thị trẻ miền cao nguyên nắng gió này, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã tiếp sức cho nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.

 

Anh Lê Văn Trinh đang chăm sóc vườn dưa leo.

 

Chị Lê Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị xã An Khê cho biết: Hội Phụ nữ nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai các chương trình cho hội viên vay vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Đến nay hội phụ nữ thị xã đang quản lý dư nợ hơn 47 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều chị em đã thoát nghèo và trở thành những tấm gương sản xuất giỏi, điển hình như: chị Nguyễn Thị Băng Tâm (phường Tây Sơn) trước kia được vay 10 triệu đồng chương trình hộ nghèo để trồng mía, nay thì vườn rẫy của chị đã cho thu nhập 100 triệu đồng/năm; chị Nguyễn Thị Chốn (phường An Phú) vay vốn phát triển kinh tế gia đình đã thoát nghèo, vươn lên khá giả...

 

Cùng với các tổ chức hội đoàn thể, NHCSXH huyện An Khê đã có nhiều giải pháp giúp các hộ vay sử dụng vốn đạt hiệu quả cao nhất. Chúng tôi đến thăm căn nhà mới xây trị giá hàng trăm triệu đồng của anh Lê Văn Trinh, ở thôn An Sinh 2, xã Xuân An, ít ai ngờ chỉ mới năm 2005 gia đình anh vẫn thuộc hộ nghèo, được NHCSXH cho vay 10 triệu đồng để nuôi bò. Cùng với chăn nuôi, anh Trinh tập trung trồng mía, mỳ (sắn) và từ năm 2011 anh chuyển 3 sào sang trồng rau màu cho hiệu quả cao hơn. Anh Trinh cho biết: Riêng trồng dưa leo (dưa chuột) chỉ 2 tháng/vụ, với giá bán hiện tại là 6.000 đồng/kg, anh thu lãi 28 triệu đồng/vụ. Anh Trinh hiện là một trong những nông dân tiêu biểu sản xuất giỏi của xã Xuân An.


Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai cho biết: Chi nhánh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, chủ động nguồn vốn để giải ngân các chương trình tín dụng theo kế hoạch, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Mặt khác, chi nhánh chú trọng công tác kiểm tra kiểm soát, xử lý nợ quá hạn, nợ rủi ro, củng cố hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn, tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo của địa phương. Tính đến 31/3/2012, tổng dư nợ trên địa bàn đạt 2.161 tỷ đồng, với 159.000 hộ được vay, thông qua 3.769 tổ tiết kiệm và vay vốn.

Còn ở phường Ngô Mây, anh Đỗ Văn Hùng lại nhờ nguồn vốn ưu đãi để "làm lại từ đầu". Từ một người kinh doanh thành đạt cách đây gần chục năm, nhưng cạm bẫy trên thương trường khiến gia đình anh tay trắng, gán hết cả nhà cửa để trả nợ. Năm 2007, anh Hùng được vay 10 triệu đồng chương trình hộ nghèo để chăn nuôi (chỉ NHCSXH mới cho vay không cần thế chấp). Đến năm 2009, anh mạnh dạn vay thêm 20 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm đầu tư cho trồng hoa và nấm bào ngư. Với 3 vụ nấm trong năm, bình quân thu lãi là 7 triệu đồng/vụ; riêng trồng hoa ly vào vụ Tết có thể lãi 35.000 đồng/cành. Tuy chưa phải là thu nhập cao nhưng gia đình anh Hùng cũng đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.


Cũng ở phường Ngô Mây, gia đình anh Lê Phi Hùng và chị Hồ Thị Ánh Vân lại là tấm gương tiêu biểu với mô hình chăn nuôi lợn tập trung. Năm 2009, khi tổ dân phố nơi anh chị ở vẫn còn thuộc địa bàn xã, anh được NHCSXH cho vay 15 triệu đồng trong chương trình hỗ trợ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Với nguồn vốn ưu đãi này, vợ chồng anh Hùng mới mạnh dạn đầu tư mở rộng đàn lợn lên quy mô hàng chục con. Đến năm 2010 đàn lợn đã lên đến 100 con, vốn tích lũy được anh lại đầu tư mở rộng đàn, hiện tại là hơn 200 con lợn. Doanh thu từ chăn nuôi của gia đình anh năm 2011 là hơn 800 triệu đồng. Đặc biệt là anh Hùng đã tự học hỏi, thiết kế chuồng trại hợp vệ sinh có hệ thống máng ăn tự động, kết hợp với 2 hầm khí biôgas. Nhờ đó không những giảm thiểu được ô nhiễm mà cả xóm 7 - 8 nhà quanh đó cùng được dùng khí sinh học biôgas để đun nấu.


Đi tham quan nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo ở thị xã An Khê, chúng tôi cũng nhận ra rằng, các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước khác như: nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, làm nhà cho hộ nghèo (Chương trình 167), cho vay học sinh, sinh viên... đều có ý nghĩa to lớn khi giúp người dân ổn định cuộc sống, làm nền tảng để từ đó bà con yên tâm phát triển kinh tế gia đình.


Bài và ảnh: Ngọc Tú