06:10 12/06/2011

Vương triều thứ 8

Tròn 3 tháng sau lời chia tay với Calisto, con tàu bóng đá Việt Nam đã tìm được vị thuyền trưởng mới mang tên Falko Goetz (ảnh) để bắt đầu một vương triều mới - Vương triều thứ 8 cho cái giấc mơ Vàng đã cũ - Giành chức vô địch SEA Games!

Tròn 3 tháng sau lời chia tay với Calisto, con tàu bóng đá Việt Nam đã tìm được vị thuyền trưởng mới mang tên Falko Goetz (ảnh) để bắt đầu một vương triều mới - Vương triều thứ 8 cho cái giấc mơ Vàng đã cũ - Giành chức vô địch SEA Games!

7 ông thầy ngoại và 1 nửa giấc mơ Vàng

Năm 1991, bóng đá Việt Nam chính thức trở lại đấu trường quốc tế thông qua lần tham dự SEA Games 16 tại Philíppin. Tuy nhiên, cũng phải tới 4 năm sau, bằng ngôi Á quân trên đất ChiangMai (Thái Lan), bóng đá Việt mới bắt đầu xác định được vị thế mới, dù chỉ là ở sân chơi khu vực. Bên cạnh những bước tiến về chuyên môn, sự xuất sắc của một thế hệ cầu thủ Vàng, thì chẳng thể phủ nhận rằng, trong cái vị thế mới ấy, còn mang đậm cả dấu ấn từ các ông thầy ngoại.

Bắt đầu với Tavares (Braxin) vào đầu năm 1995, khi tuyển Việt Nam chơi như "lên đồng" tại Cúp Độc Lập, rồi vào cuối năm đó là tấm HCB SEA Games 18 với Weigang. Và 1 năm sau, ông thầy người Đức này còn cùng đội tuyển có thêm vị trí thứ 3 tại Tiger Cup lần đầu, được tổ chức ở Xinhgapo. Thầy ngoại đã trở thành nhân tố không thể thiếu mà chuỗi thành tích tiếp theo của các đội tuyển bóng đá nam là minh chứng. Ngoại trừ sự trở lại gây nhiều thất vọng của Tavares tại Tiger Cup 2004, hay những rắc rối ngoài chuyên môn với Dido (Braxin), Letard (Pháp) vào khoảng thời gian 2001 đến 2002, thì các HLV nước ngoài còn lại đều tạo được dấu ấn riêng của mình.

Ký hợp đồng giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam (trái) với huấn luyện viên Falko Gotz.

A.Riedl hiện vẫn giữ kỷ lục nhiều lần nhất ngồi lên ghế nóng (1998-2000, 2003, 2005-2007) cùng 2 tấm HCB các kỳ SEA Games 1999, 2003, 2005 và HCB Tiger Cup 1998, HCĐ AFF Cup 2007 cùng một lần vào đến tứ kết ASIAN Cup 2007. Ông thầy đến từ nước Anh Colin Murphy chỉ với vài tháng cầm quân, nhưng cũng đưa tuyển Việt Nam giành HCĐ SEA Games 1997. Và tạo ấn tượng lớn nhất, không ai khác - Henrique Calisto! Sau những thành công với ĐTLA ở cấp CLB với 2 chức vô địch V-League, vị HLV người Bồ Đào Nha này còn cùng đội tuyển Việt Nam giành HCĐ Tiger Cup 2002 và đặc biệt là chức vô địch AFF Cup 2010 khi đánh bại đại kình địch Thái Lan trong trận chung kết để hiện thực hóa giấc mơ bước lên ngôi số 1 Đông Nam Á của bóng đá Việt Nam.

7 đời thầy ngoại, vị trí trong tốp đầu bóng đá khu vực và đã có những thành tích tầm châu lục. Thế nhưng, cả 7 ông thầy ấy đều không thể thành công ở cái sân chơi lâu nhất và cũng được kỳ vọng nhất, đó là SEA Games.

Giờ là... Falko Goetz

Falko Goetz và bóng đá Việt Nam

- HLV Falko Goetz sinh năm 1962, từng khoác áo Bayer Leverkusen, FC Koln, Hertha Berlin (Đức), Galatasaray (Thổ Nhĩ Kỳ) trong sự nghiệp cầu thủ. Năm 1988, ông cùng Leverkusen đoạt UEFA Cup.
- Trong sự nghiệp cầm quân, ông Goetz từng đưa đội Hertha Berlin, 1860 Munich thi đấu thành công ở Bundesliga. Thành tích tốt nhất của ông là giúp Hertha Belin đứng thứ tư mùa bóng 2004-2005 và giành suất dự Cup UEFA.
- Ông Goetz sẽ dẫn dắt tuyển Việt Nam 2 năm với mức lương tháng là 22.000 USD cùng 2 giải đấu quốc tế quan trọng là SEA Games 26 (Inđônêxia 2011) và AFF Cup 2012.

Calisto bất ngờ dứt áo ra đi và con tàu bóng đá Việt Nam lại có thêm vị thuyền trưởng ngoại thứ 8 - Falko Goetz, người vừa chính thức ký vào bản hợp đồng 2 năm cùng VFF. Rõ ràng, nếu nhìn vào thành tích khá hoành tráng của ông thầy trẻ người Đức và cả khoảng trống của bóng đá Việt sau 2 thất bại liên tiếp tại SEA Games 25 cùng AFF Cup 2010, thì quả thật đây là bản hợp đồng được mong đợi, nhưng cũng đầy thách thức.

Còn quá sớm để nói Falko Goetz sẽ làm được điều gì, đơn giản Việt Nam là nền bóng đá mới chỉ đang phát triển và có quá nhiều sự mới lạ khiến ông thầy người Đức phải mất công tìm hiểu dù năng lực và danh tiếng là điều chẳng cần phải bàn cãi. 2 vòng đấu của V-League để dự khán lẫn cả những trận đấu của đội tuyển quốc gia và U23 tại vòng loại World Cup 2014 và Olympic London 2012 vào tháng 6 tới đây có lẽ cũng chỉ là màn "chào hỏi" không hơn, không kém. Nhưng có một sự thật rõ ràng khác là khi ký vào bản hợp đồng để chèo lái con tàu bóng đá Việt, Falko Goetz chính thức đối mặt cùng với thách thức đã cũ mà tới 7 người tiền nhiệm của ông đã không thể vượt qua - Hiện thực hóa giấc mơ Vàng SEA Games vào tháng 11 tới.

Lẽ tất nhiên, sẽ chẳng ai "lấy thắng - thua để luận anh hùng", bóng đá Việt Nam cùng Falko Goetz sẽ không là ngoại lệ khi mà vương triều thứ 8 vừa mới chỉ bắt đầu. Đội tuyển U23 cần phải vào đến chung kết SEA Games 26, đó là điều kiện bắt buộc mà VFF nêu ra. Tuy nhiên, nếu giấc mơ Vàng vẫn chưa thể thành hiện thực, nhưng đội tuyển dưới sự dẫn dắt của ông thầy người Đức vẫn thể hiện được sự tiến bộ để hướng tới tương lai là AFF Cup 2012, thì đó vẫn là kết quả có thể chấp nhận.

Chỉ có điều, nếu lại là một kỳ SEA Games nữa tay trắng, thì...

Vũ Minh