12:22 02/12/2015

Vướng triển khai bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS

Bảo hiểm y tế (BHYT) được xem là nguồn đảm bảo để người nhiễm HIV/AIDS có thể tiếp cận được với các dịch vụ và thuốc ARV một cách bền vững, nhất khi các nguồn lực tài trợ điều trị HIV/AIDS bị cắt giảm. Thế nhưng, khi triển khai BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS thì các đơn vị thực hiện "đụng đâu, vướng đó".


Đủ các kiểu vướng

Dù đã có Thông tư 15 về thanh toán BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS, thế nhưng Thông tư này vẫn còn một vài điểm bất cập khiến nhiều người vẫn còn băn khoăn và lo lắng về việc chi trả BHYT được thực hiện như thế nào và làm thế nào để người bệnh có thể tiếp cận được với BHYT. Bên cạnh đó, các phòng khám ngoại trú HIV/AIDS vẫn là cơ sở độc lập chưa thực hiện việc khám chữa bệnh BHYT ngoại trú cho bệnh nhân HIV/AIDS; đồng thời các bệnh viện quận huyện và đa khoa tại TP Hồ Chí Minh chưa có bộ phận khám ngoại trú HIV/AIDS và nguồn lực phù hợp như đội ngũ y bác sĩ được tập huấn chuyên khoa AIDS, vật tư, thuốc OI, ARV...

Đại diện bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh băn khoăn: Hiện nay bệnh viện Nhiệt đới đang điều trị ARV cho 1600 bệnh nhân. Những bệnh nhân đang điều trị tại Nhiệt đới sẽ được thanh toán như thế nào và việc chuyển tuyến cho bệnh nhân sẽ được thực hiện cho người bệnh ra sao, bởi theo quy định của BHYT, người bệnh mua BHYT khám chữa bệnh ban đầu ở y tế cơ sở trong khi đó bệnh viện Nhiệt đới, Phạm Ngọc Thạch lại thuộc về bệnh viện chuyên khoa. Bên cạnh đó, tại những cơ sở khám chữa bệnh thuộc các tổ chức thiện nguyện như Mai Hòa, Mai Khôi mỗi cơ sở cũng đang điều trị cho 500- 600 bệnh nhân, sẽ giải quyết thanh toán BHYT cho những đơn vị này như thế nào?

Bác sĩ Lê Thị Thu Thúy, Phòng khám bệnh ngoại trú Quận 4, cho biết: "Tại phòng khám của chúng tôi đang điều trị cho hơn 1200 bệnh nhân nhiễm HIV thế nhưng chỉ có khoảng 30% những người này có BHYT. Những người có BHYT đa số làm việc trong các đơn vị doanh nghiệp, hộ nghèo, hộ cận nghèo được phát thẻ. Những người còn lại họ cũng rất muốn mua BHYT nhưng họ lại không đủ khả năng để mua cho cả gia đình. Hay bệnh nhân là dân nhập cư hoặc ở các quận huyện khác đến đây khám, nếu sử dụng BHYT thì họ phải trở về địa phương và như vậy họ sẽ bị lộ danh tính".

                       Triển khai BHYT cho người nhiễm HIV/ AIDS đụng đâu, vướng đó.


Theo bác sĩ Dương Minh Hải, Phòng chăm sóc điều trị, Uỷ ban phòng chống AIDS TP Hồ Chí Minh, từ năm 2013 -2014,  Thành phố thực hiện thí điểm khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV tại quận Thủ Đức và quận 8, đến nay số lượng bệnh nhân khám BHYT tại 2 quận trên vẫn còn thấp, chỉ có khoảng 20 -25%. Việc triển khai BHYT cho người nhiễm HIV còn rất nhiều khó khăn như các Trung tâm y tế dự phòng quận huyện và phòng khám ngoại trú trực thuộc không nằm trong hệ thống khám chữa bệnh BHYT; chưa có quy trình kết nối phòng khám ngoại trú với bệnh viện quận huyện để bệnh nhân được hưởng BHYT phần thuốc OI và xét nghiệm. Dù đã có Thông tư 15 của Bộ Y tế về khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS nhưng các bệnh viện và BHXH vẫn còn chưa thống nhất ở một số điểm của Thông tư này; chưa có phác đồ cụ thể hay gói dịch vụ cơ bản để các nơi căn cứ vào đó quyết toán, vấn đề đấu thầu và cung ứng thuốc ARV và OI tại các bệnh viện cũng chưa có...

Tháo gỡ ký kết với BHXH

Đánh giá về tầm quan trọng của BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết,  sau khi nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế bị cắt giảm và thuốc ARV sẽ bị cắt thì BHYT là một trong những nguồn lực căn cơ và bền vững nhất cho bệnh nhân và tránh được tình trạng kháng thuốc ARV. Để giải quyết những khó khăn trên, trước mắt Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã có hướng dẫn Thông tư 15/2015/ TT - BYT hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS.

Tuy nhiên, kết quả sau 3 năm triển khai thí điểm BHYT cho người nhiễm HIV ở 2 quận trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, số bệnh nhân tham gia còn thấp cho thấy chưa đạt hiệu quả. Bà Nguyễn Tố Như, Phó giám đốc Can thiệp trong nhóm nghiện chích ma túy và dự phòng HIV của FHI 360, chia sẻ: "Hiện người bệnh đang được điều trị miễn phí nên vận động họ tham gia vào BHYT cũng khó. Vấn đề là làm sao chúng ta tuyên truyền cho người bệnh hiểu về quyền lợi của BHYT, họ không chỉ được điều trị HIV miễn phí mà còn được chăm sóc sức khỏe đối với những các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác".

Tuy nhiên, một trong những vướng mắc nhất hiện nay chính là làm sao những phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS có chức năng ký kết được với BHXH.  "Chúng ta có 2 phương án để tháo gỡ những khó khăn trên. Thứ nhất, chúng ta hình thành 2 hệ thống khám chữa bệnh BHYT HIV/AIDS song song tại bệnh viện và phòng khám ngoại trú thuộc Trung tâm y tế dự phòng quận huyện.Thứ hai chúng ta chuyển đơn vị phòng khám ngoại trú thuộc trung tâm y tế dự phòng quận huyện về một đơn vị phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS thuộc khoa khám bệnh viện quận huyện", bác sĩ Hải đề xuất.

Theo đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với những phòng khám ngoại trú nằm độc lập có thể sát nhập vào khoa khám của bệnh viện, còn những phòng khám ngoại trú của những đơn vị thiện nguyện thì sẽ được kiện toàn, nếu đơn vị đó đảm bảo thì có khả năng sẽ trở thành một khoa khám vệ tinh của một bệnh viện nào đó. Theo Luật BHYT, từ ngày 1/1/2016 sẽ thực hiện thông tuyến, bệnh nhân có thể đến khám tại bất kỳ bệnh viện tuyến quận huyện nào vì vậy người bệnh sẽ không gặp khó khăn trong việc chuyển tuyến.

Bên cạnh đó nhiều ý kiến cho rằng: Cục phòng chống HIV/AIDS cần phải sớm có gói dịch vụ y tế cho HIV và chuỗi cung ứng ARV; đồng thời phối hợp với cơ quan BHXH triển khai cụ thể Thông tư 15 đến các cơ sở khám chữa bệnh.

 

Đan Phương (Tin Tức)