01:06 22/01/2012

Vương quốc Anh, một mùa đông đầy nắng

Mùa du lịch đông năm 2011 thật lý tưởng với du khách tới Luân Đôn. Trời lúc nào cũng nắng. Mưa và sương mù dường như vắng bóng. Nhịp độ mua sắm không được hối hả như những mùa Giáng sinh năm nào, nhưng cũng không đến nỗi vắng khách (cả nội địa lẫn quốc tế) có lẽ phần nào do thiên thời hỗ trợ.

Mùa du lịch đông năm 2011 thật lý tưởng với du khách tới Luân Đôn. Trời lúc nào cũng nắng. Mưa và sương mù dường như vắng bóng. Nhịp độ mua sắm không được hối hả như những mùa Giáng sinh năm nào, nhưng cũng không đến nỗi vắng khách (cả nội địa lẫn quốc tế) có lẽ phần nào do thiên thời hỗ trợ. Chỉ 10 ngày ở Luân Đôn cũng đủ cho chúng tôi cảm nhận được điều này…

Mọi chuyến bay đều đúng hẹn trong mùa Giáng sinh

Mọi người bảo rằng thật may mắn cho Vietnam Airlines khai trương đường bay thẳng tới Luân Đôn, thủ đô của Vương quốc Anh, cận ngày Giáng sinh 2011 giữa mùa đông lạnh giá, nhưng nắng vàng thừa thãi!... Đây là điều vốn rất hiếm đối với Tây Âu vào thời điểm này, và lại càng hi hữu đối với Vương quốc Anh, vốn nổi tiếng là quốc đảo sương mù. Cũng vào những ngày này năm trước, khói bụi do núi lửa ở Aixơlen và sương mù giăng đặc bầu trời Luân Đôn, khiến cho hàng trăm chuyến bay trong nước và quốc tế xuất phát từ đây phải hủy bỏ!...

Chuyến bay thẳng Hà Nội - Luân Đôn của Vietnam Airlines những ngày đầu khai trương.


Đào Việt Bách, chàng thanh niên đang du học phổ thông tại Vương quốc Anh vẫn nhớ mãi năm trước, nhờ nhanh chân hơn người bạn đồng môn Trương Đức Tiên Anh chỉ 2 giờ đồng hồ, nên chuyến bay của cậu xuất phát từ Anh về Việt Nam (khi đó phải transit qua Đức) đã may mắn được cất cánh; còn Trương Đức Tiên Anh phát khóc sau 3 ngày chờ đợi mà khói bụi lẫn sương mù vẫn không tan, đành trả vé ở lại… Với năm nay, thì cũng tại các sân bay lớn ở Luân Đôn như Heathrow và Gatwick, mọi chuyến bay hả hê cất cánh.

Luân Đôn cũng không lạnh như thường niên và rất khô ráo. Dạo chơi ở những khu vực nổi tiếng của thành phố cổ kính này như: đồng hồ Big Ben, đại lộ Oxford, Điện Buckingham…, nếu không mang cặp kính chống nắng thì nắng chói đến khó mở mắt. Vì thế, thú vui lại là… đi tàu điện ngầm!

Tàu điện ngầm ở Luân Đôn thì không thể so sánh được về sự hiện đại như ở Mátxcơva, Xinhgapo… Và xét về tính thẩm mỹ thì ga tàu điện ngầm ở Nga vẫn là lộng lẫy nhất thế giới. Nhưng điều gây sửng sốt ở tàu điện ngầm Luân Đôn là tuổi thọ cực cao, trăm năm có lẻ là chuyện bình thường, còn có tuyến có lịch sử tới cả gần 1,5 thế kỷ! Ấy vậy mà vẫn chạy cực tốt, sạch sẽ và ấm cúng như cạnh lò sưởi. Chính vì hệ thống tàu điện ngầm ở đây thuộc thế hệ đồ cổ, bậc lên xuống không bằng phẳng với sân ga, mà cao hơn gần bước chân, nên mỗi khi tàu đến ga thì hệ thống phát thanh luôn vang lên lời nhắc nhở hành khách chú ý bước chân của mình. Dẫu vậy, tai nạn hầu như không xảy ra là còn ở ý thức của người đi tàu. Không có cảnh chen lấn, xô đẩy. Trước khi tàu đến ga là mọi người đã chuẩn bị tư thế ra tàu, khẩn trương, nhưng rất trật tự… Xe buýt cũng vậy, cao 2 tầng, qui định khách lên xe một cửa và xuống là cửa khác, nên không bao giờ phải chen chúc. Mỗi người đều nắm rõ điều đó và tự động điều chỉnh bước chân… Thanh toán cũng thuận tiện, cứ mua cái thẻ và quẹt trừ tiền là xong. Còn nếu mua vé theo chuyến thì giá gần gấp đôi. Do vậy, sống và làm việc ở Luân Đôn chắc không ai không sắm thẻ đi phương tiện công cộng…

Siêu thị dành cho cả người giàu và người khó khăn

“Bicester Village” là trung tâm mua bán hàng hiệu giảm giá lớn nhất, cách trung tâm Luân Đôn khoảng hơn 2 giờ đồng hồ. Đến với Luân Đôn mà chưa tới nơi này thì coi như mất một nửa thú vị khi khám phá thành phố nổi tiếng xa hoa này. La liệt gian hàng và cơ man hàng hóa với các thương hiệu nổi tiếng như: Burberry, Gucci, Luis Vuitton, Tommy… Chúng đều được giảm giá từ 30 - 70%!... Thoạt nghe thì thấy hấp dẫn quá, nhưng khi nhìn kỹ giá đã giảm, chúng tôi vẫn thấy choáng so với túi tiền của mình. Đẹp và giá rất hời so với giá gốc, nhưng nếu chỉ mua một chiếc túi Burberry giá hạ “kịch tường” là 300 bảng thì cũng 10 triệu đồng Việt Nam. Vậy nên, nếu cái gì cũng thích thì khéo mua vài thứ đã hết tiền… Còn với những thứ linh tinh không nặng ký thì về các trung tâm thương mại ở Luân Đôn mua còn rẻ và phong phú hơn… “Bicester Village” đích thị vẫn là dành cho người có tiền.

Những bó rau giá 4,5 bảng (150.000 đồng)/bó.

“West Field”, trung tâm thương mại được đánh giá là lớn nhất Luân Đôn và xếp hạng ở châu Âu có lẽ là nơi mua sắm dành cho mọi tầng lớp, túi tiền. Để thỏa thích mua sắm, hay tham quan cho hết các gian hàng thì bạn phải đi cả tuần. Và thực sự ai cũng có thể mua được nhiều thứ ở đây với giá cả hợp lý (tất nhiên là không thể rẻ như hàng Trung Quốc chất lượng thấp và lậu thuế vào Việt Nam). Xuất xứ hàng hóa ở đây rất đa dạng từ Anh đến Pháp, Đức, Trung Quốc và cả của Việt Nam. Nhưng dù là xuất xứ từ các nước châu Á thì chất lượng hàng hóa vẫn phải tiêu chuẩn châu Âu. Vì thế, hàng Trung Quốc ở đây khác hẳn về chất lượng và kiểu dáng… Bất ngờ nhất đối với chúng tôi là giày dép. Sau khi mỗi người trong chúng tôi lựa chọn cho mình một đôi giày, mà đôi nào cũng chắc chắn, kiểu dáng đẹp mỹ miều, mới lật đế lên xem xuất xứ thì hóa ra… made in Vietnam! Giá thấp nhất là 45 bảng (tương đương 1,7 triệu đồng)… Tặc lưỡi, tôi cứ mua, bởi rõ ràng đôi giày này rất đẹp, và cũng chưa nhìn thấy mẫu này ở Việt Nam. Không sai, vì đó là giày gia công cho chủ hàng châu Âu, nên các cơ sở gia công cũng không dám vi phạm quyền sở hữu công nghiệp…

Ngoài những loại sản phẩm từ vài chục đến hàng ngàn bảng/sản phẩm, thì hàng hóa ở “West Field” cũng không ít loại chỉ vài bảng/sản phẩm. Có loại chính hiệu của Anh còn rẻ hơn ở Việt Nam như đồ mỹ phẩm, sữa tắm, sữa trẻ em…

Chợ bán đồ ăn thì cái gì cũng ngược với nhiều nước châu Á, nhất là với Việt Nam. Cá hồi hay tôm hùm loại 1,5 kg/con, giá khoảng 9 bảng (tương đương 300.000 đồng) và hoàn toàn là đánh bắt trong tự nhiên, rẻ hơn nhiều lần so với Việt Nam. Nhưng giá rau xanh thì như trên trời: Một bó rau muống hay rau cải khoảng 400 gam là 4,5 bảng (150.000 đồng)!... Nhìn chung rau là thực phẩm xa xỉ, nên muốn ăn một bữa lẩu cá hồi hay tôm hùm thì phải mang tính liên hoan, vì không thể thiếu món rau “đắt như cắt ruột”, mà rau lại phải nhiều hơn cá, tôm… Gà cũng khá rẻ, bình quân từ 1,5 - 2,5 bảng/con loại 1,5 kg đã làm sạch (gần 60.000 đến hơn 80.000 đồng/con)…

Người Anh trầm lặng nhưng thân thiện

Dân gian thường nói về tính cách người Anh là “phớt Ăng lê”, ý là họ lạnh lùng, không vồn vã… Thực ra, khi tới Luân Đôn mới thấy không hẳn như thế. Tính cách của họ đúng ra là điềm đạm. Có đến những nơi công cộng mới thấy rõ điều này. Khi chúng tôi lang thang ngoài phố đêm lạnh thấu xương nên ghé vào tầng hầm của một siêu thị trên đại lộ Oxford để ăn tối.Tầng hầm rất đông người, gần như các bàn ăn kê khá sát nhau, nhưng hầu như không ồn ào. Mọi người ăn uống, nói chuyện rất nhỏ, không để phiền người bên cạnh. Ngay cả một thiếu phụ mang theo hai đứa trẻ, ngồi gần chúng tôi cũng rất lặng lẽ…

Ăn tối xong, lên siêu thị mua đồ, lúc đó chúng tôi cũng khá mệt rồi, nên xách một thứ gì dù nhẹ cũng thấy trĩu tay, đành nhờ một chàng trai người Anh xách hộ xuống đường để ra xe về khách sạn. Nặng sái tay mà chàng trai vẫn vui vẻ. Không những thế còn vui vẻ đứng chờ xe của chúng tôi đến đón rồi mới đi... Sự trầm lặng của người Anh dường như lan tỏa đến cả khách vãng lai. Trật tự và giữ vệ sinh sạch sẽ còn đáng ngạc nhiên ở ngay nơi ăn uống đông đúc của cửa hàng ăn do người Trung Hoa làm chủ. Cửa hàng chật đến mức khách đi vào phải nghiêng người len lỏi, nhưng không hề có tiếng ồn. Bàn của chúng tôi gần 15 người cũng không ai dám nói to. Âm nhạc thì không bao giờ có kiểu đinh tai nhức óc. Dưới gầm bàn không được phép có một mảnh giấy rơi. Sạch sẽ tinh tươm là yêu cầu tất yếu, vì thế khi ra đường hay vào bất cứ nơi cộng cộng nào nếu chưa nhìn thấy thùng rác thì rác thải của chính mình phải ở trong túi xách của mình, rồi khi thấy thùng rác sẽ “chuyển tải” sau...

Kiệm lời hay “thói” phớt Ăng lê, nhưng sâu xa ở bên trong vẫn có sự thân thiện của người Anh được ngộ ra nét đẹp đời thường. Kiệm lời, ít vồn vã, đôi khi lại chính là không làm phiền người khác đã tạo nên cái riêng của người Anh từ bao đời không lẫn với dân tộc khác, cũng có thể coi là một trong những tính cách “bảo thủ” của người Anh. Phớt Ăng lê nhưng du lịch đến Anh là một con số khổng lồ với hàng chục triệu lượt người/năm cho thấy sức hấp dẫn của xứ sở sương mù không phải là nhỏ. Đó là chưa nói đến sự hấp dẫn khác từ một nền giáo dục đỉnh cao trí tuệ, với những trường phổ thông, đại học danh tiếng có bề dày từ nhiều thế kỷ...

Bài và ảnh: Hoàng Yến