03:19 26/03/2015

Vướng mắc khi vay vốn đóng tàu - Bài 2

Nghị định 67/2014/NĐ-CP quy định các chủ tàu dùng thân tàu làm tài sản thế chấp vay vốn, tuy nhiên các ngân hàng lại yêu cầu ngư dân phải có thêm tài sản khác thế chấp.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định các chủ tàu dùng thân tàu làm tài sản thế chấp vay vốn, tuy nhiên các ngân hàng thương mại lại yêu cầu ngư dân được xét duyệt phải có thêm tài sản khác thế chấp. Người dân đang loay hoay “bỏ thì thương, vương thì tội”.

“Trên bảo dưới không nghe”

Ông Đặng Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo Nghị định 67 huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết: “Chúng tôi đã đưa lãnh đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) vào thành viên của Ban chỉ đạo huyện, nhưng họ vẫn không tích cực để phối hợp triển khai, vì trong dự án này người ta không thấy lợi lộc gì. Ngoài ra, các NHTM còn yêu cầu chủ tàu phải có tài sản thế chấp mới làm hợp đồng cho vay. Người dân lấy gì để vừa đối ứng, vừa thế chấp cho ngân hàng, nhiều người sinh nản và muốn bỏ cuộc. Tôi không hiểu tại sao các NHTM lại làm trái với Nghị định 67 của Chính phủ”. 

Về vấn đề này, ông Dương Minh Tân, Giám đốc NHTM Công thương (VietinBank) chi nhánh huyện Quỳnh Lưu nêu quan điểm: “Yêu cầu chủ tàu phải có tài sản thế chấp là chúng tôi đang thực hiện theo quy định của Ngân hàng nhà nước (NHNN)”.

Đà Nẵng cần nhiều đội tàu cá công suất lớn để vươn khơi bám biển, khai thác hiệu quả ngư trường Hoàng Sa.


Ông Phan Văn Sơn, Giám đốc Phòng giao dịch Cầu Giát (Quỳnh Lưu) Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam cũng cho rằng: “Chúng tôi phải thận trọng để thẩm định và thực hiện, chứ như dự án xa bờ năm 1997 thì đổ nợ. Việc chủ tàu phải có tài sản thế chấp cũng dễ hiểu, vì để đảm bảo chắc chắn cho ngân hàng. Đợt này chúng tôi chỉ dám thực hiện một vài chiếc ở Quỳnh Lưu thôi”.

“Tổng nhu cầu vay vốn đóng mới, cải hoán tàu cá ở Nghệ An có 874 chiếc, nhưng chúng tôi xét duyệt kỹ lưỡng nên chỉ chọn và phê duyệt được 66 chủ tàu đủ điều kiện tham gia, trong khi Bộ NN & PTNT giao chỉ tiêu 100 chiếc tàu. Hiện nay, việc thẩm định hồ sơ vay vốn đóng tàu cá mới ở địa phương còn chậm tiến độ, thủ tục và tỷ lệ vay vốn mà các NHTM thực hiện chưa đúng với tinh thần Nghị định 67 của Chính phủ. Chúng tôi đề nghị Chính phủ, NHNN sớm có chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc để ngư dân sớm đóng tàu ra khơi bám biển”, ông Nguyễn Chí Lương, Chi Cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An cho biết. 

Cầm cố nhà đất

Theo thống kê của UBND huyện Quỳnh Lưu, tại huyện này có khoảng 95% chủ tàu cá phải cầm cố nhà đất cho ngân hàng. Phó Chủ tịch huyện Đặng Ngọc Bình phân tích: “Các NHTM buộc chủ tàu được phê duyệt phải có tài sản thế chấp mới cho vay, người nào bỏ sẽ bỏ luôn, còn người theo tiếp thì chỉ có cách cầm cố nhà đất. Nếu các NHTM lo lắng rủi ro xảy ra thì đã có bảo hiểm. Chúng tôi xét duyệt nghiêm ngặt, đúng thủ tục, các chủ tàu đều có uy tín trong khai thác nghề cá và đủ năng lực tài chính. Vừa đảm bảo vốn đối ứng 30% tàu vỏ gỗ, 5% tàu vỏ sắt, vừa phải thế chấp tài sản thì ngư dân gánh quá nặng. Như vậy đâu đúng với tinh thần, ưu điểm của Nghị định 67 là hỗ trợ ngư dân bám biển”.

Bà Hồ Thị Thủy, Chánh văn phòng UBND phụ trách nghề cá xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Ở xã An Hòa, trước kia ngư dân đăng ký đóng mới 45 chiếc tàu, nhưng khi tiếp xúc với ngân hàng được biết phải thế chấp nhà đất nên rút hết chỉ còn một ngư dân tham gia dự án này. Chủ tàu phải làm nhiều lần hồ sơ xét duyệt, được rồi thì đủ thứ họp, thủ tục nhiêu khê, kéo dài nên chán nản”.

Xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) lúc đầu đăng ký đóng mới 60 chiếc tàu, nhưng sau khi ngân hàng về triển khai và yêu cầu ngoài vốn đối ứng 30% tàu vỏ gỗ thì phải có tài sản thế chấp nên ngư dân rút, không còn ai tham gia dự án. Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: “Do không đáp ứng được yêu cầu của Nghị định 67 và ngân hàng nên ngư dân bỏ cuộc, chuyển sang tự vay vốn để đóng mới, không rườm rà, không chi phí cao mà được tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng. Ngư dân có năng lực kinh tế đang tham gia khai thác nghề cá trên biển đã đầu tư tài sản để đóng tàu, tiếp tục tham gia dự án vừa phải đối ứng, vừa phải thế chấp thì lấy đâu ra tiền. Ngư dân chúng tôi phấn khởi khi có Nghị định 67 hỗ trợ ngư dân bám biển, nhưng sớm thất vọng vì các quy định ràng buộc quá khắt khe”.

“Triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP, đến thời điểm này có 12 địa phương (khoảng 1/2 số tỉnh, thành được hưởng chính sách từ Nghị định 67) đã phê duyệt 352 chủ đầu tư tàu cá đánh bắt xa bờ là ngư dân. Trong đó, nâng cấp 34 chiếc, đóng mới 151 chiếc, vật liệu mới 16 chiếc, tàu gỗ 185 chiếc. Tới nay, đã có 6 hợp đồng tín dụng (của Ngân hàng Agribank và BIDV) với 6 chủ tàu có tổng vốn đầu tư 66,43 tỷ đồng, trong khi đó, tổng số tàu đánh bắt xa bờ cần phải thực hiện từ nay tới năm 2020 phải đạt 2.097 tàu đánh bắt và 205 tàu dịch vụ hậu cần”, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT cho biết.



Bài và ảnh: Việt Hoàng