03:18 25/03/2015

Vướng mắc khi vay vốn đóng tàu - Bài 1

Thực tế chính sách phát triển thủy sản phát sinh nhiều vướng mắc khiến ngư dân không mặn mà theo đuổi.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về một số chính sách phát triển thủy sản ở nước ta, trong đó ngư dân được vay 70 - 95% vốn với lãi suất thấp (dưới 3%) để đóng tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, thời gian vay 11 năm, năm đầu không lãi. Sau hơn bảy tháng triển khai Nghị định, tiến độ thực hiện chậm, thực tế phát sinh nhiều vướng mắc khiến ngư dân không mặn mà theo đuổi.

Trả lại mẫu tàu thiết kế sẵn

Ngày 2/2/2015, Ban chỉ đạo Nghị định 67 của Chính phủ ở Nghệ An đã tổ chức họp, lấy ý kiến các chủ tàu được phê duyệt về 21 mẫu thiết kế tàu sắt của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, và một số mẫu tàu gỗ do tỉnh đưa ra. Các chủ tàu không nhất trí, vì mẫu thiết kế này không phù hợp để vươn khơi bám biển.

Anh Trần Minh, ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) là người lâu năm đi biển và nổi tiếng với nghề lưới vây. Hiện anh Minh có 4 con tàu công suất trên 500 CV đi lưới vây, tạo việc làm cho khoảng 50 lao động địa phương, tạo thu nhập khoảng 250 triệu đồng/người/năm. Theo gói hỗ trợ của Nghị định 67, anh Minh đăng ký đóng tàu vỏ gỗ, công suất 700 CV, tổng giá trị 8 tỷ đồng để đi nghề lưới vây ở ngư trường vịnh Bắc Bộ. Nằm trong danh sách được tỉnh phê duyệt, ngân hàng cũng xuống nhà thẩm định, nhưng đến thời điểm này, khi hỏi về tiến độ đóng tàu mới, anh Minh chỉ lắc đầu, thở dài.

Các chủ tàu tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) không đồng ý với mẫu thiết kế.


Anh Minh nói: “Người dân chúng tôi tự vay ngân hàng đóng tàu thì chỉ bốn tháng là có phương tiện đi biển, đằng này kéo dài hơn bảy tháng rồi mà chưa đâu ra đâu cả. Mấu chốt là ở chỗ nhà nước cứ phải có mẫu thiết kế sẵn, chủ tàu phải theo mẫu đó mà đóng, nhưng những mẫu tàu đưa ra lại không phù hợp”.

Theo anh Minh, nhà nước nên để người dân quyết định, không cứ phải đóng theo mẫu thiết kế. Chủ tàu dựa trên kinh nghiệm đi biển, kết hợp với xưởng đóng tàu cùng bàn bạc, thống nhất đóng một con tàu hoàn hảo, phù hợp với mỗi nghề, mỗi ngư trường. “Nếu nhà nước cứ bắt buộc đóng theo mẫu và chỉ định xưởng đóng tàu, không đúng với nguyện vọng của ngư dân thì tôi rút lui”, anh Minh khẳng định.

Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã tổ chức đoàn gồm lãnh đạo huyện và 33 chủ tàu được duyệt tham gia dự án, vào Công ty TNHH MTV đóng tàu Hải Châu ở thành phố Vinh tham quan. Tham quan xong, hầu hết các chủ tàu đều lắc đầu, mặc dù doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi.

Ông Nguyễn Văn Kế, Chủ tịch Hội nghề cá xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) cho rằng: “Mẫu tàu mà Công ty Hải Châu thiết kế và đóng không phù hợp, đuôi tàu hẹp, đường ghép nối giữa các tấm gỗ quá lớn mà giá lại cao, nên ngư dân không chọn. Chúng tôi mong muốn, tự chọn và ký hợp đồng với xưởng đóng tàu đủ năng lực và đáp ứng với yêu cầu, chứ không nhất thiết phải quy định bất nhất phải mẫu tàu này, xưởng đóng tàu kia”. Ông Kế phân tích: “Tàu lớn, đầu tư có cao nhưng mẫu tàu không phù hợp, không chịu được sóng gió, đánh bắt sẽ không hiệu quả thì người dân lấy tiền đâu để trả nợ”.  

Tại Hội nghị đánh giá kết quả 5 tháng triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ở tỉnh Nghệ An (2/2/2015), Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã lấy ý kiến các chủ tàu về 21 mẫu tàu sắt Bộ NN & PTNT đưa ra. Các chủ tàu xem xét mẫu tàu đều có ý kiến phần đuôi tàu và tiếp tàu hẹp, ca bin quá cao, nếu ra khơi gặp gió sẽ lắc mạnh không đánh được lưới, cần điều chỉnh cho phù hợp; phần boong tàu, mạn tàu phải trải thêm gỗ mỏng để chống nắng nóng đảm bảo sinh hoạt cho thuyền viên, độ bền sẽ cao, đánh lưới thuận lợi…

Tuy nhiên, đại diện Công ty cổ phần kỹ thuật đóng tàu Việt Nam là đơn vị thiết kế 6 trên 21 mẫu tàu của Bộ NN & PTNT trả lời: “Muốn thay đổi mẫu thiết kế tàu thì phải trình Bộ Nông nghiệp đồng ý mới được, đồng thời chủ tàu phải chịu phí tổn thiết kế mẫu lại theo yêu cầu”. Trước hội nghị, ông Lương tuyên bố: “21 mẫu tàu này không được điều chỉnh cho phù hợp thì không ngư dân nào dám đứng ra để làm, chúng tôi quyết trả mẫu thiết kế lại cho Nhà nước”. Theo ông Lương, điều chỉnh thiết kế là không quá khó, còn nếu làm mẫu mới tốn vài trăm triệu đồng thì không ngư dân nào chịu nổi.

Còn tại Nghệ An, đến thời điểm này, vẫn chưa có mẫu thiết kế tàu gỗ, mặc dù lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành liên quan và cấp cơ sở chuẩn bị rất sớm để đón đầu Nghị định 67. Ông Trần Hữu Tiến, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT, Phó Ban chỉ đạo Nghị định 67 tỉnh Nghệ An cho biết: “UBND tỉnh đã quyết chi kinh phí thuê thiết kế mẫu tàu gỗ, nhưng Sở Tài chính chưa chịu làm thủ tục để chúng tôi có tiền. Các chủ tàu đăng kí đóng vỏ gỗ cứ phải ngồi chờ, khi nào có thì mới thực hiện các bước tiếp theo”.            


Bài và ảnh: Việt Hoàng


Bài 2: Khó khăn về tài sản