06:18 08/06/2017

Vướng mắc đóng bảo hiểm cho lao động nước ngoài tại Việt Nam

Từ 1/1/2018, lao động người nước ngoài tại Việt Nam cũng là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc khi chưa thống nhất mức đóng, mức hưởng.

Thông tin trả sổ BHXH cho người lao động. Ảnh: Hoàng Tuyết.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn về đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.


Theo ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, việc xây dựng Nghị định về thực hiện BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng; phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).


Tuy nhiên, việc xây dựng Nghị định này đang gặp nhiều vướng mắc như việc thống nhất mức đóng, mức hưởng chế độ BHXH giữa các nước; liên thông dữ liệu giữa các quốc gia; việc chuyển đổi tiền tệ; quy định về thuế…


Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho biết: Trong xu thế hội nhập, lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đang tăng nhanh; từ 12.602 lao động nước ngoài năm 2004 đến nay con số này đã gần 84.000 người. Hầu hết là người lao động có trình độ, tay nghề cao; được cấp phép lao động.


Khoản 2 Điều 2 Luật BHXHX 2014 quy định “Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ”. Do đó, dự thảo Nghị định đang được Bộ LĐTBXH soạn thảo, đề xuất đối tượng là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc sẽ được thực hiện với cả 5 chế độ là: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.


Theo ý kiến của nhiều đại diện các doanh nghiệp, do đặc thù công việc ngắn hạn, theo các dự án nên người lao động nước ngoài chỉ mong muốn được tham gia các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn nghề nghiệp. Bên cạnh đó, sau khi hết hợp đồng họ phải về nước ngay lập tức nên việc giải quyết chế độ BHXH có được kịp thời và họ có được chọn đồng tiền theo mong muốn không?.


Với tư cách chuyên gia, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nhận định, để thực hiện phải có những hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và nước của người lao động để có thể quy đổi, thực hiện chính sách BHXH một cách liên thông, tương đồng, bình đẳng.


Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/1/2018 sẽ mở rộng quy định tham gia BHXH được áp dụng cho lao động nước ngoài có hợp đồng từ một tháng trở lên. Các chế độ bảo hiểm, mức đóng tương tự như BHXH bắt buộc cho lao động Việt Nam, có cân nhắc trong thiết kế từng chế độ cho phù hợp.


Mức đóng BHXH áp dụng hằng tháng là 8% lương vào quỹ hưu trí và tử tuất. Chủ doanh nghiệp đóng tối đa bằng 18% tháng lương chi trả cho lao động, gồm 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tiền lương tính đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung theo quy định của pháp luật Việt Nam.


XC/Báo Tin Tức