08:07 08/08/2017

Vươn lên từ đôi chân khuyết tật

Bị nhiễm chất độc da cam từ người cha của mình, anh Nguyễn Kiên (37 tuổi phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) bị viêm tủy sống, hai chân bị teo, không đi đứng được, thương tật 81%.

Anh Kiên đi bán vé số khắp nơi.

Không lấy đó làm mặc cảm, tự ti, anh Nguyễn Kiên đã vượt lên nỗi đau bệnh tật, trở thành vận động viên khuyết tật môn điền kinh và giành nhiều huy chương trong các giải thể thao toàn quốc.

Cha là nạn nhân chất độc da cam bị thần kinh, bại liệt, không nói được. Kiên sinh ra với một cơ thể yếu, mềm nhũn từ trên rốn xuống hai chân, cùng rất nhiều di chứng bệnh tật. Mọi sinh hoạt của hai cha con đều phụ thuộc vào người mẹ.

Năm 13 tuổi, khi biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, một nhà hảo tâm đã gửi tặng chiếc xe lăn. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời anh được tự chủ trong việc đi lại của bản thân. “Lần đầu tập làm quen với xe lăn, cảm giác như vỡ òa khi từng vòng quay của bánh xe như mỗi bước chân mình bước đi vậy, nó kỳ diệu lắm”, anh Kiên nhớ lại.

Khi đã vững trên chiếc xe lăn, xem đó như đôi chân của mình, Kiên bắt đầu phụ mẹ đi bán vé số dạo kiếm tiền nuôi bố bị bại liệt. Hàng ngày, mọi người đều khâm phục khi thấy chàng trai liệt nửa người ngồi trên chiếc xe lăn đi bán vé số khắp nơi.

Anh Kiên đến với môn thể thao dành cho người khuyết tật do trong một lần theo dõi chương trình truyền hình, anh vô tình biết và tìm hiểu về các hoạt động dành cho người khuyết tật. Với mơ ước và lòng quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, anh đã quyết định xin gia đình đi tập luyện để tham gia môn thể thao điền kinh dành cho người khuyết tật.

“Ban đầu, khi tôi vừa đề cập đến vấn đề này, mọi người đều hết sức phản đối vì sức khỏe của tôi rất yếu, thêm phần cha bệnh liên miên thiếu người chăm sóc. Với đam mê và lòng quyết tâm, tôi đã thuyết phục được mọi người đồng ý”, anh Kiên cho biết.

“Vốn sức khỏe của con rất yếu, không thể tự lo cho bản thân được chứ đừng nói đến tập luyện thể thao. Thấy con hăng say, quyết tâm đạt được ước mơ, tôi đành đồng ý cho con tham gia tập luyện. Điều này cũng xem như bù đắp phần nào tuổi thơ của con bị thiệt thòi do chất độc da cam”, bà Nguyễn Thị Gái, mẹ của Kiên chia sẻ.

Hằng ngày không quản nắng mưa, hai mẹ con cùng chiếc xe lăn đi bộ hơn 2 km từ nhà đến Nhà thi đấu tỉnh để tập luyện. “Những ngày đầu tập luyện, do bản thân từ bé không quen với vận động nên cơ bắp đau quằn quại, cơ thể nhức mỏi toàn thân tưởng chừng như phải bỏ cuộc. Dần rồi cũng quen, nghĩ đến mẹ đã vì mình mà cố gắng, tôi càng thêm phần quyết tâm hơn”, anh Kiên chia sẻ.

Theo anh Kiên, tập luyện thể thao đối với người bình thường đã cần sự nỗ lực, kiên trì, nhưng với những người nhiễm chất độc da cam như anh, những nỗ lực, kiên trì đó phải tăng lên gấp bội.

Khổ luyện 3 năm, anh mới có được tấm huy chương vàng đầu tiên. Gần 20 năm gắn bó với môn điền kinh dành cho người khuyết tật, anh Kiên đã đạt được nhiều thành tích với 38 Huy chương Vàng, Bạc, Đồng các loại, trong đó có 1 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng Giải thể thao toàn quốc dành cho người khuyệt tật.

Chính việc được cống hiến bằng năng lực đã khiến cho cuộc sống của anh Kiên có thêm nhiều màu sắc, anh không còn tự ti vì những khuyết điểm của bản thân mà sống lạc quan hơn, cố gắng vươn lên trong cuộc sống, hòa đồng với mọi người.

Năm 2016, do những di chứng bệnh tật quá nặng, bố của anh Kiên đã qua đời, mẹ anh lại phải chịu thêm nỗi đau thương mất mát lớn. Vì vậy, mong ước lớn nhất của anh lúc này là có sức khỏe nhằm tiếp tục theo đuổi sự nghiệp vận động viên và hơn hết là để chăm lo cho mẹ khi ở tuổi xế chiều.

Theo bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Đồng Nai, anh Kiên là một trong những người trong tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất do chất độc da cam, nhưng không vì vậy mà anh Kiên tự ti trước mọi người. Ngược lại, anh Kiên luôn biết chịu khó vươn lên, sống lạc quan, yêu đời. Những thành tích anh Kiên đạt được đã đóng góp không nhỏ cho thành tích chung của tỉnh, đặc biệt là trong các phong trào dành cho người khuyết tật.

Bài và ảnh: Lê Xuân (TTXVN)