10:23 17/10/2012

Vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 1 đến 15/10/2012, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã họp Hội nghị lần thứ sáu để thảo luận, cho ý kiến các báo cáo, đề án về: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012...

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 1 đến 15/10/2012, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã họp Hội nghị lần thứ sáu để thảo luận, cho ý kiến các báo cáo, đề án về: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ; quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước; việc thành lập Ban Kinh tế Trung ương; Báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và một số vấn đề quan trọng khác. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, với những ấn tượng, cảm nhận sâu sắc về kết quả và thành công của hội nghị.


Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XI.
Ảnh: Trí Dũng –TTXVN


Chia sẻ những cảm nhận về Hội nghị Trung ương 6, ông Nguyễn Duy Lục, 65 tuổi, phòng 412, phố Đại An, phường Văn Quán, quận Hà Đông (Hà Nội) cho rằng: Những vấn đề quan trọng được bàn bạc và quyết định tại hội nghị, đặc biệt là nội dung kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã thu hút sự quan tâm của nhiều đảng viên và cán bộ hưu trí. Qua theo dõi bài phát biểu bế mạc hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Duy Lục cho rằng: Vấn đề tự phê bình và phê bình đã đảm bảo giữ đúng nguyên tắc, có tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí; vừa có lý, có tình, theo phương châm "trị bệnh cứu người", giúp nhau cùng tiến bộ. Song qua tự phê bình và phê bình cần làm rõ sai ở đâu, ai là người chịu trách nhiệm, biện pháp xử lý như thế nào để công khai trước Đảng, trước nhân dân, có nghiêm khắc chỉ rõ những khuyết điểm của tập thể, cá nhân vi phạm thì mới có thể ngăn chặn được các vụ việc sai phạm tiếp theo.


Ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng cho biết: Ngay sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 6, MTTQ thành phố đã có những cuộc gặp gỡ nhân dân để thu thập ý kiến. Các ý kiến đều khẳng định, đây là lần đầu tiên người dân được nhìn và nghe thấy vị lãnh đạo cao nhất của Đảng là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc bài phát biểu bế mạc hội nghị đầy xúc cảm. Đặc biệt là Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận trách nhiệm trước toàn Đảng, toàn dân trong việc để xảy ra và chưa ngăn chặn được những khuyết điểm, yếu kém thời gian qua, qua đó người dân càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.


Qua theo dõi bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thông báo của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, chị Trần Thị Sen ở phường 5, quận 8, TP Hồ Chí Minh nhận xét: Trung ương đã thống nhất những vấn đề rất quan trọng của Đảng, đất nước phải tập trung sức lực, trí tuệ để hoàn thành. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm của mình, đồng thời xác định sẽ cố gắng làm hết sức mình để từng bước khắc phục, đây là điều người dân mong mỏi nhất. Theo chị Trần Thị Sen, những nội dung được nêu ra tại Hội nghị Trung ương 6 rất sát với đời sống người dân như vấn đề đất đai, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ… Các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 được ban hành sẽ tạo tiền đề để các lĩnh vực này có bước phát triển mạnh mẽ, đột phá, tạo niềm tin trong nhân dân vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới.


Ông Trịnh Sỹ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tràng An (Hà Nội) khẳng định, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề cập rất cụ thể những giải pháp sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, trên cơ sở khẳng định những kết quả quan trọng đã đạt được và những hạn chế còn tồn tại. Công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã thúc đẩy giải phóng nguồn lực tài chính, vốn, nhân lực, khoa học công nghệ… nhưng hiện nay lại có dấu hiệu “căng” ra và cần một "cú hích" từ phía Nhà nước bằng việc nới rộng các cơ chế, chính sách liên quan. Thời gian qua, các thủ tục liên quan cũng như tiến trình thực hiện còn chậm khiến công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp không đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, công tác này còn vấp phải bất cập từ các chính sách đất đai, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan…, mà người gánh chịu chính là doanh nghiệp.


Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp cổ phần hóa 100% cơ bản hoạt động tốt hơn doanh nghiệp nhà nước giữ cổ phần chi phối; vì vậy, với các doanh nghiệp, tổng công ty không liên quan đến an ninh quốc gia cũng như các mặt hàng trọng yếu, Nhà nước cần cổ phần hóa 100%. Theo đó, Nhà nước cần chỉ đạo các cấp ngành đẩy nhanh các thủ tục liên quan đến sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; cần điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô đặc biệt là đối với hệ thống ngân hàng.


Nguyên Trưởng Khoa lý luận chính trị, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tại Hải Phòng, ông Hoàng Hiểu quan tâm đến nội dung Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thảo luận về Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" và Đề án "Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Ông Hoàng Hiểu cho rằng: Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của cả xã hội, sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, nhà quản lý, nhà khoa học, sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng về quy mô, chất lượng giáo dục các cấp; công tác quản lý, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; tiềm lực khoa học và công nghệ; thị trường và các dịch vụ khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế...


Chị Trương Thị Ngọc Bích, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết: “Khi công tác phê bình và tự phê bình được chú trọng trong Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã mang đến sự tin tưởng sâu sắc của người dân đối với đường lối lãnh đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước. Có thể nói chưa khi nào mà công tác tự phê bình và phê bình diễn ra thẳng thắn và sát sao như Hội nghị lần này, để người khác phê bình rồi mới sửa chữa thì vẫn chưa phải là một đảng viên chân chính. Đảng viên trẻ như chúng tôi luôn đánh giá cao công tác tự phê bình, có như vậy mới làm cho bản thân người đảng viên thấy hết được vai trò của mình trong một tập thể. Là một đảng viên trẻ sống và làm việc trong môi trường giáo dục làm tôi ý thức hơn đến trách nhiệm của mình trong sự nghiệp trồng người vinh quang, vì vậy tôi luôn tự nhủ bản thân sống và làm việc đúng với tư chất của một người đảng viên trẻ theo lời dạy của Bác và không ngừng học hỏi những đảng viên gương mẫu đi trước về tư tưởng, đạo đức, lối sống”.


Tuy nhiên, lĩnh vực giáo dục - đào tạo còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót. Chất lượng giáo dục và đào tạo nhìn chung còn thấp, nhất là đào tạo đại học và dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH - HĐH. Đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực... Bởi vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục. Khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo phải thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng để phát triển đất nước.



Phóng viên TTXVN tại các địa phương thực hiện