01:14 11/01/2020

Vùng tiêu Tây Nguyên tìm cách hồi sinh - Bài cuối: Vị 'ngọt' của hồ tiêu

Theo các chuyên gia, những vùng trồng hữu cơ (organic) cho thấy rõ hiệu quả chống chọi dịch bệnh và cho sản lượng ổn định, chất lượng tốt. Đã thấy những tín hiệu hồi sinh của vùng hồ tiêu Tây Nguyên.

Trồng 5 ha, thu tiền tỷ từ tiêu hữu cơ

Một trong những đơn vị vững vàng vượt qua những biến cố với cây tiêu là Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) với sản phẩm Tiêu Lệ Chí. Hợp tác xã có tổng diện tích 100ha thì có 16 ha đã đạt được chứng nhận hữu cơ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Tấn Công ở rẫy tiêu hữu cơ được xuất sang châu Âu với giá gấp đôi giá thị trường.

Đến nay, nhờ mạnh dạn làm tiêu hữu cơ và các tiêu chuẩn an toàn, HTX Nam Yang đã có những sản phẩm chất lượng cao đưa ra thị trường với thương hiệu Tiêu Lệ Chí được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao. Điển hình như tiêu hữu cơ (sạch 600 chất) gồm tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu đen, tiêu xanh; tiêu sạch (sạch 30 chất) gồm tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu đen, tiêu xanh, tiêu xanh chuỗi, tiêu xanh sấy khô, tiêu vàng, tiêu đa màu, tiêu xanh ngâm mắm, tiêu xanh chua ngọt… và các dòng tiêu VietGAP.

Đáng chú ý, bộ 3 sản phẩm hồ tiêu đỏ, hồ tiêu sọ, hồ tiêu đen Lệ Chí được công nhận là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Tháng 3/2019, tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union cấp chứng nhận hữu cơ USDA và EU cho các sản phẩm hồ tiêu của HTX.

Mô hình đầu tư hữu cơ bình quân mỗi cây là 40 nghìn đồng/năm (chi phí vật tư đầu vào, chưa tính công) được cho là tương đương với chi phí trồng tiêu thông thường. 1 ha trồng được 2.000 cây. Thế nhưng sản phẩm làm theo quy trình, tiêu chuẩn hữu có có giá bán cao gấp đôi so với thị trường. Ở thời điểm được coi là khó khăn của tiêu như hiện nay, tiêu hữu cơ vẫn được tiêu thụ ổn định với mức giá gần 100 nghìn đồng/kg, có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Nông dân Lê Trung Tín (thôn 5, xã Nam Yang) đưa 3 ha hồ tiêu gia nhập HTX, chăm sóc theo phương pháp hữu cơ. Vụ vừa rồi, trong bối cảnh cây tiêu chết hàn loạt, nhưng vườn nhà anh vẫn thu được 6 tấn/ha, thu về tiền tỷ. Hộ xã viên Nguyễn Thị Thu cùng thôn với anh Tín trồng 5 ha hồ tiêu cũng thu về 1,5 tỷ đồng.

Chia sẻ về những ngày đầu hình thành, ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang - Tiêu Lệ Chí cho biết, hợp tác xã được hình thành tháng 7/2017, đầu tiên chỉ với 15 thành viên có vốn điều lệ 55 triệu đồng, diện tích 50 ha tiêu, 40 ha cà phê.

Chú thích ảnh
Tiêu Lệ Chí với các sản phẩm hữu cơ dẫn đầu thị trường xuất khẩu.

Từ những khó khăn ban đầu khi vận động bà con xã viên làm hữu cơ, năm 2014, Hợp tác xã đã đăng ký độc quyền thương hiệu tiêu Lệ Chí, tự bỏ chi phí chứng nhận tiêu hữu cơ và tạo thương hiệu tại EU, Mỹ, Nhật Bản... Theo ông Công, thành công của Hợp tác xã có được hôm nay cũng phải tự đi tìm con đường. Ông hy vọng, 3 - 5 năm tới, vùng đất này sẽ tiếp tục có cà phê, mắc ca, cây ăn quả… có chứng nhận hữu cơ.

Dù sản phẩm tiêu hữu cơ có giá bán cao nhưng ông Công cũng cho biết, tiêu hữu cơ chỉ chiếm 20% lượng tiêu thụ tiêu thế giới vì thế không phải toàn bộ diện tích của hợp tác xã trồng tiêu hữu cơ. Nhưng ở các diện tích còn lại cũng có những nguyên tắc bảo vệ môi tường, luân canh hoặc xen canh cây trồng mới tạo được sự bền vững.

Báo cáo của một số tỉnh sản xuất hồ tiêu chủ chốt cho thấy mô hình áp dụng VietGAP, GlobalGAP đang lan rộng. Cụ thể, Gia Lai có gần 27 ha hồ tiêu theo tiêu chuẩn này; Bình Dương 11 ha; Bà Rịa Vũng Tàu 15 ha; Đắk Nông 34 ha…). Tuy nhiên nếu tính trên tổng diện tích trồng trọt thì tỷ trọng áp dụng GAP còn rất thấp.

Mô hình trồng tiêu hữu cơ đã bắt đầu phát triển ở một số địa phương. Tại Gia Lai, ông Võ Quốc Trường, Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh này cho biết, đã có gần 16 ha được cấp chứng nhận hữu cơ và 64 ha trồng tiêu theo tiêu chuẩn này cũng đang chờ được cấp chứng nhận. Một số địa phương khác đã có dự án quan tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ nhưng để có thể thành hình trên diện tích quy mô thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ khi triển khai trên thực tế.

Theo ông Võ Quốc Trường, giá thành tiêu hữu cơ khá ổn định. Tiêu hữu cơ không chỉ được xuất khẩu tiêu sọ với giá rất cao mà còn được chiết suất lấy tinh dầu dùng trong mỹ phẩm nhưng cũng không thể vì thế mà vượt quá quy hoạch chung.

Tương tự, dự án Xây dựng mô hình liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn giữa nông dân và doanh nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 (Cục Bảo vệ thực vật thực hiện) cũng đã kết nối được một số doanh nghiệp tham gia hỗ trợ đầu vào (vật tư, phân bón) giúp nông dân khắc phục được những khó khăn về vốn.

Tham gia nhóm liên kết các nông hộ được tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất hồ tiêu an toàn bền vững, góp phần nâng cao chất lượng hồ tiêu xuất khẩu, ổn định vùng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người trồng hồ tiêu; biết cách hạch toán kinh tế trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thay đổi tư duy, tập quán canh tác tự phát, manh mún sang sản xuất theo nhóm hộ, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung và liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Sau một năm hoạt động cho thấy các mô hình liên kết đã hoạt động có hiệu quả, sản lượng hồ tiêu đã được liên kết tiêu thụ trong năm 2018 ước đạt 300 tấn.

Cụ thể, nhóm liên kết tại Gia Lai ký hợp đồng với Công ty TNHH Hồ tiêu Ngũ Sắc; nhóm liên kết tại Bình Phước ký hợp đồng với Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam; nhóm liên kết tại Đồng Nai ký hợp đồng với Công ty TNHH Nông nghiệp Lâm San; Nhóm liên kết tại Đắk Lắk ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Thái Bình Dương; nhóm liên kết tại Đắk Nông ký hợp đồng với Công ty TNHH Hồ Tiêu Việt; nhóm liên kết tại Bà Rịa -Vũng Tàu dự kiến ký hợp đồng với Công ty TNHH Nông nghiệp Lâm San.

Gieo mầm những ước mơ hồi sinh

Việc chuyển đổi cây trồng trên các vườn tiêu ở Tây Nguyên cũng nhận được hỗ trợ của việc liên kết chuỗi giữa nông dân - hợp tác xã và doanh nghiệp. Theo các chuyên gia nông nghiệp, liên kết giữa nông hộ và các công ty có tiềm năng đem lại giá trị gia tăng cho các hộ gia đình.

Được xem là “bà đỡ” cho nhà nông trồng chanh dây Tây Nguyên, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao đã khởi công dự án Nhà máy chế biến rau quả tại huyện Mang Yang (Gia Lai). Dự án Nhà máy chế biến rau quả DOVECO Gia Lai là một trung tâm chế biến rau quả khép kín, bao gồm từ việc liên kết phát triển sản xuất, thu mua nguyên liệu. Đồng thời, chế biến tinh, chế biến sâu và hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay Trên mỗi dây chuyền của dự án có thể đồng thời chế biến được đa dạng hầu hết các loại nguyên liệu rau quả sẵn có ở Tây Nguyên.

Chú thích ảnh
Chanh leo kết trái trên những cánh đồng tiêu đã chết.

Bên cạnh cam kết về chính sách giá thu mua, DOVECO còn cung ứng giống nhập khẩu trực tiếp từ Đài Loan (Trung Quốc) cho người nông dân, doanh nghiệp, ngoài ra còn cung vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, quy trình kỹ thuật trồng chăm sóc chanh dây cho người nông dân, doanh nghiệp với mục tiêu phát triển chanh dây bền vững nâng cao thu nhập cho người nông dân Tây Nguyên.

Sau khi tiêu chết, trồng chanh dây đang hấp dẫn nhiều hộ nông dân ở Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Đăk Lăk… với diện tích khoảng trên 3.000ha do hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, trước lo lắng diện tích trồng chanh dây tự phát và vượt quá mức kiểm soát, giống cây trồng không bảo đảm chất lượng, người dân trồng tay ngang không qua lớp tập huấn kỹ thuật nào… đặt ra yêu cầu được doanh nghiệp hỗ trợ và sự chung tay của các cơ quan nhà nước.

Chia sẻ về mô hình này, ông Võ Quốc Trường, Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai cho biết, tỉnh rất ủng hộ những dự án có sự chung tay của doanh nghiệp như dự án của Đồng Giao nhưng cũng cần chú ý tới những yếu tố phù hợp thổ nhưỡng trong phát triển cây chanh leo cũng như sự cần thiết của quy hoach vùng trồng.

Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai cũng chia sẻ, Công ty Đồng Giao đã đưa ra biện pháp hỗ trợ người dân khá toàn diện. Sở Nông nghiệp đứng ở giữa với vai trò là đầu mối ký cam kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã. Theo đó, công ty Đồng Giao cử cán bộ chuyển giao công nghệ, tự quản lý, giám sát và tiến hành thu mua đúng cam kết. Không những thế, việc họp trực tiếp giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, gặp gỡ người dân và báo cáo tỉnh định kỳ 2 - 3 tháng một lần khiến thông tin đến với người dân rất rõ ràng và minh bạch.

Như vậy, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững từ tiêu hữu cơ, hay các sản phẩm cây trồng khác là hướng đi mà người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan chức năng ở Tây Nguyên đang xây dựng và có những thành quả bước đầu đáng ghi nhận. "Vị ngọt" của hồ tiêu và cả những sản phẩm nông nghiệp khác lại đang tìm về miền đất đỏ Tây Nguyên.

L. Sơn/Báo Tin tức