09:15 27/09/2011

Vùng nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng GAP/CoC đầu tiên tại miền Bắc

Vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang hình thành tại tỉnh Nam Định. Đây là một trong những vùng nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tiên của miền Bắc áp dụng quy tắc thực hành nuôi tốt, nuôi có trách nhiệm (GAP/CoC).

Vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang hình thành tại tỉnh Nam Định. Đây là một trong những vùng nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tiên của miền Bắc áp dụng quy tắc thực hành nuôi tốt, nuôi có trách nhiệm (GAP/CoC) nhằm nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong sản xuất, góp phần làm giảm dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và thu hút các hộ nuôi áp dụng quy phạm thực hành nuôi tốt. Vùng nuôi thuộc xã Giao Phong, huyện Giao Thuỷ được xây dựng thông qua mô hình "Ứng dụng quy tắc thực hành nuôi tốt, xây dựng vùng nuôi tôm bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm".

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tham gia vùng nuôi có 20 cơ sở chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng số 30 ha ao đầm thuộc Hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản Giao Phong. Những cơ sở trên có đủ điều kiện về diện tích, vốn đối ứng về cơ sở vật chất, kỹ thuật và quy mô nuôi. Đặc biệt, chủ cơ sở phải có kinh nghiệp nuôi tôm từ 3 năm trở lên, tự nguyện áp dụng nuôi theo tiêu chuẩn GAP/CoC.

Để hỗ trợ vùng nuôi phát triển bền vững, bên cạnh việc xác định các mối nguy về môi trường, dịch bệnh và ATVSTP tại vùng nuôi tôm chân trắng ứng dụng GAP/CoC, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định) xây dựng quy trình, quy phạm, sổ tay nuôi tôm; kiểm tra, giám sát dịch bệnh, con giống, thức ăn, thuốc thú y, hoá chất, chế phẩm sinh học, tổ chức quản lý vùng nuôi ứng dụng GAP/CoC; tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng về VSATTP và quản lý môi trường, dịch bệnh. Ngành chức năng cũng hỗ trợ kiểm tra chất lượng, chứng nhận xuất xứ sản phẩm thủy sản tạo điều kiện cho cơ sở lưu thông, tiêu thụ sản phẩm. Đề cương hướng dẫn nuôi tôm chân trắng theo hướng an toàn và chương trình thực hành cho cơ sở nuôi tôm áp dụng GAP, vùng nuôi tôm áp dụng CoC đã được xây dựng. Việc đánh giá các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình kỹ thuật nuôi của cơ sở theo tiêu chí GAP/CoC; thống nhất biện pháp điều chỉnh, khắc phục khó khăn cũng được thực hiện. Đặc biệt, theo ông Trần Xuân Lại, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Nam Định, sau khi tổ chức kiểm tra, đánh giá về quá trình áp dụng GAP/CoC, kiểm tra công nhận cơ sở nuôi, vùng nuôi đạt GAP/CoC, Nam Định sẽ tiến hành nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh nhằm tạo thêm những vùng nuôi bền vững, đảm bảo ATVSTP.

Hiện, Chi cục đã hoàn thành việc ký kết thoả thuận triển khai mô hình vùng nuôi áp dụng GAP/CoC với Ban quản trị Hợp tác xã, các cơ sở nuôi; phân công cán bộ theo dõi, hướng dẫn các hộ nuôi; thống nhất chương trình phối hợp với phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hưng, Phòng nuôi trồng thuỷ sản Sở NN&PTNT theo dõi giám sát và hỗ trợ kỹ thuật; mua sắm các thiết bị chuyên môn... Tại vùng nuôi Giao Phong, đã có 3 lớp tập huấn được tổ chức cho 105 nguời là cán bộ Ban chủ nhiệm HTX, chủ các cơ sở và người dân trực tiếp tham gia mô hình. Việc hướng dẫn, giám sát cơ sở thực hiện chương trình thực hành các quy chuẩn, kỹ thuật nuôi theo tiêu chí GAP/CoC cũng được triển khai. Cán bộ chức năng tiến hành 4 đợt lấy mẫu tôm, nước kiểm tra nhằm cảnh báo sớm tình hình dịch bệnh cho người nuôi. Tổng số 10 mẫu tôm được làm xét nghiệm phát hiện bệnh đốm trắng, dịch tả, nhiễm khuẩn; 4 mẫu tôm khác được kiểm tra dư lượng kháng sinh, hoá chất tồn dư.

Mô hình "Ứng dụng quy tắc thực hành nuôi tốt xây dựng vùng nuôi tôm bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm" được triển khai từ tháng 6 đến hết năm 2011 tại xã Giao Phong, huyện Giao Thuỷ. Trước đó, tại Nam Định việc triển khai ứng dụng GAP/CoC chỉ được thực hiện tại một số hộ nhỏ lẻ thuộc các huyện ven biển.

Mỹ Bình